Cuộc bình bầu lựa chọn quốc hoa cho Việt Nam đang bước vào giai đoạn sôi nổi, thu hút đông đảo người dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý cùng tham gia bình chọn, đóng góp ý kiến.
Cuộc bình bầu lựa chọn quốc hoa cho Việt Nam đang bước vào giai đoạn sôi nổi, thu hút đông đảo người dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, nhà quản lý cùng tham gia bình chọn, đóng góp ý kiến.
(Nguồn: Internet) |
Đến thời điểm này, hoa sen vẫn đứng đầu trong danh sách các loài hoa được bình chọn. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống kê cho thấy có 62,2% ý kiến bầu chọn trên mạng Internet nhất trí chọn hoa sen làm quốc hoa.
Trên nhiều trang báo điện tử như Dân trí, Vnexpress, Tiền phong… hoa sen hồng luôn dẫn đầu danh sách bình chọn, vượt trội các loại hoa khác trong danh sách như hoa mai, hoa đào, hoa ban, hoa lan, hoa gạo, hoa cau, hoa súng, hoa mào gà.
Bên cạnh đó, 35.000 phiếu bầu chọn phát ra để công chúng bình chọn trực tiếp đã cho kết quả là 81,3% ủng hộ hoa sen hồng làm quốc hoa…
Hoa sen - loài hoa bình dị mà cao quý
Đông đảo công chúng bầu chọn hoa sen làm quốc hoa thực sự không phải là kết quả bất ngờ bởi từ lâu loài hoa này đã ghi dấu ấn đậm nét trong tâm thức người Việt. Hiếm có loài hoa nào xuất hiện trong đời sống văn hóa, tâm linh, văn học, nghệ thuật tạo hình cũng như trong tôn giáo của Việt Nam nhiều như hoa sen.
Tại đêm hội tôn vinh hoa sen hồng mới đây ở Hà Nội, Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam, họa sỹ Trần Khánh Chương đề xuất rằng chọn hoa sen làm quốc hoa là rất hợp lý. Nếu chiếu theo tiêu chí chọn quốc hoa mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra thì hoa sen đáp ứng đầy đủ.
Ông nêu rõ ông cha ta từ ngàn xưa có lẽ đã coi hoa sen là quốc hoa. Điều này có thể thấy rõ trong các vật chứng lịch sử còn được lưu lại đến ngày nay. Có thể thấy rõ các họa tiết trang trí hoa sen trong các đình, đền, chùa và nhiều công trình kiến trúc, điêu khắc, trang trí khác, đặc biệt là vào thời Lý, Trần. Hoa sen cũng là loài hoa duy nhất được làm bằng đồng, bằng gỗ và xuất hiện trên bàn thờ của người Việt…
Nhiều tài liệu, ý kiến của các chuyên gia văn hóa thì chùa Một Cột (còn gọi là Chùa Diên Hựu) là ví dụ điển hình nhất trong các công trình kiến trúc ở Việt Nam có hình hoa sen. Công trình kiến trúc độc đáo hiện nằm trong khu di tích Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chùa được xây dựng từ năm 1049 - thời Lý Thái Tông. Theo sử cũ, nhà vua chiêm bao thấy đức Phật Quan âm đặt vua lên tòa sen nên ngài đã cho dựng một ngôi chùa gọi là Diên Hựu (có nghĩa là Trường Thọ). Kiến trúc của chùa giống như một đóa sen xung quanh có hồ nước xanh.
Nếu hoa đào chỉ phổ biến ở miền Bắc, hoa mai là đặc trưng của phương Nam thì hoa sen được trồng phổ biến ở cả 3 miền của đất nước, là loài hoa không chỉ có sắc mà có cả hương thơm. Về mặt nghệ thuật, tạo hình của hoa sen hồng rất đẹp với đài, nhụy và cánh sen xếp thành tầng lớp. Khi nhìn từ trên xuống, đài của hoa sen kết hợp cùng với những cánh hoa sen hồng sẽ gợi người ta nhớ đến hình ảnh của lá quốc kỳ Việt Nam. Hoa có nhiều lớp cánh bao bọc lấy nhau tượng trưng cho tinh thần đoàn kết của 54 dân tộc anh em trên dải đất hình chữ S.
Nhà báo của báo Cánh quạt (Bỉ), bà Ialu Kola, một người rất am hiểu văn hóa Việt Nam đã nhận xét hoa sen là loài hoa duy nhất có thể vừa ăn được vừa tạo ra được đồ uống. Có thể ví hoa sen như là người mẹ có thể nuôi sống cả đàn con đông đúc.
Hoa, các hạt, lá non và thân rễ của hoa sen đều có thể sử dụng được được. Các cánh hoa được sử dụng để tô điểm món ăn, lá sen to được dùng để gói thức ăn. Thân rễ (ngó sen) có thể dùng chế biến nhiều món ăn (xúp, canh, món xào) và là phần được dùng nhiều nhất. Các cánh hoa, lá non và thân rễ có thể ăn được. Nhị hoa phơi khô dùng để ướp chè. Các hạt nhỏ lấy ra từ bát sen có thể ăn tươi (khi non) hoặc sấy khô và cho nổ tương tự như bỏng ngô. Hạt sen già cũng có thể luộc cho đến khi mềm và được dùng trong các món như chè sen hay làm mứt sen. Tâm sen nằm trong các hạt sen cũng được sử dụng trong y học truyền thống châu Á như một loại thuốc có tác dụng an thần và thanh nhiệt...
Hoa sen mọc lên từ bùn lầy song vẫn tinh khiết, thanh tao, không hề bị ô nhiễm bởi bùn lầy mà còn có khả năng làm nước đục trong đầm lắng trong. Nhiều nhà nghiên cứu văn hóa đã nhận xét rằng sen có cả hương lẫn sắc, nhưng hương sen rất dịu, gợi một tinh thần cao thượng. Sắc sen kín đáo, đằm thắm, cánh trắng hoặc phớt hồng, nhụy vàng. Trong Phật giáo, hoa sen biểu trưng cho giá trị đạo đức, sự thuần khiết và thánh thiện, sự duy trì và phát triển Phật pháp...
Quốc hoa là biểu tượng văn hóa dân tộc
Biểu tượng quốc gia của Việt Nam được công nhận chính thức trong các văn bản quy phạm pháp luật, kể cả Hiến pháp bao gồm Quốc hiệu, Quốc huy, Quốc kỳ, Quốc ca, Quốc thiều. Việc lựa chọn một loài hoa tôn vinh là quốc hoa rất cần thiết với Việt Nam nhất là trong giai đoạn đất nước đang hội nhập, giao lưu văn hóa quốc tế mạnh mẽ như hiện nay.
Quốc hoa sẽ là một biểu tượng văn hóa đặc trưng cho dân tộc, tượng trưng cho tinh thần dân tộc trong lòng bạn bè quốc tế. Đó là ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa, ngoại giao khi được hỏi về quốc hoa.
Ông Phạm Sanh Châu, Vụ trưởng Vụ Văn hóa đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) khẳng định rằng việc lựa chọn quốc hoa là rất cần thiết để chuyển tải thông điệp về cốt cách, tâm hồn con người Việt Nam cũng như tinh thần dân tộc.
Điều cần làm ở đây là phải làm thế nào để quảng bá hình ảnh Việt Nam một cách đồng nhất trong tâm trí bạn bè quốc tế, để khi nhắc tới Việt Nam người ta nhớ ngay tới hình ảnh bông hoa sen. Hình tượng bông hoa sen còn gắn liền với hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị cha già của dân tộc thường được toàn thể nhân dân tôn kính, tưởng nhớ.
Nói đến hoa, Việt Nam được thiên nhiên, tạo hóa ban tặng nhiều loài hoa đẹp, mỗi miền đất đều có những loài hoa đặc trưng. Mặc dầu vậy, cho đến nay vẫn chưa có loài hoa nào được lựa chọn là quốc hoa.
Nhiều nước bạn trong khu vực ASEAN và quốc tế cũng đã chọn được quốc hoa của mình. Ví dụ Nhật Bản có hoa anh đào; Trung Quốc chọn hoa mẫu đơn; hoa dâm bụt năm cánh là quốc hoa của Malaysia; hoa champa (hoa đại) là quốc hoa của Lào; Hà Lan chọn hoa tulip, Canada chọn lá cây phong, Ấn Độ có hoa sen trắng… Những hình ảnh biểu tượng quốc hoa như thế này thường ghi dấu ấn đậm nét với bạn bè quốc tế trong ngoại giao, giao lưu hợp tác văn hóa. Đó là niềm tự hào riêng của mỗi quốc gia.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lê Tiến Thọ khẳng định rằng việc lựa chọn quốc hoa là cần thiết và hoa sen đang đứng đầu danh sách bình chọn quốc hoa. Đây là kết quả do chính người dân quan tâm bầu chọn khách quan.
Cũng có ý kiến cho rằng nếu chọn hoa sen làm quốc hoa sẽ trùng với quốc hoa của một số nước bạn như Ấn Độ, Sri Lanka nhưng các nước bạn đã chọn hoa sen trắng còn Việt Nam đang bầu chọn cho hoa sen hồng nên sẽ không sợ bị trùng lặp. Cá nhân thứ trưởng Lê Tiến Thọ cũng bỏ phiếu ủng hộ hoa sen hồng làm quốc hoa của Việt Nam...
Quá trình bầu chọn, lấy ý kiến đông đảo quần chúng nhân dân về loài hoa xứng đáng nhất làm quốc hoa Việt Nam vẫn đang được tiếp tục tiến hành và kết quả bầu chọn sẽ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công bố vào khoảng giữa năm 2011./.
Thanh Giang (TTXVN/Vietnam+)