Mục tiêu phát triển ngoại giao văn hóa đến năm 2020 là đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, tăng cường xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững.
Quyết định nêu rõ, mục tiêu phát triển ngoại giao văn hóa đến năm 2020 là đẩy mạnh hoạt động ngoại giao văn hóa nhằm làm cho thế giới hiểu biết hơn về đất nước, con người và văn hóa Việt Nam, tăng cường xây dựng lòng tin với các quốc gia trên thế giới, đưa quan hệ giữa Việt Nam với các đối tác đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, qua đó nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, tạo điều kiện hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội. Các hoạt động ngoại giao văn hóa cũng góp phần tiếp thu tinh hoa văn hóa của nhân loại, làm phong phú và sâu sắc thêm những giá trị văn hóa truyền thống của đất nước.
Quan điểm phát triển ngoại giao văn hóa đến năm 2020 như sau:
Ngoại giao văn hóa cùng với ngoại giao kinh tế và ngoại giao chính trị là ba trụ cột của nền ngoại giao toàn diện, hiện đại Việt Nam. Ba trụ cột này gắn bó, tác động lẫn nhau, góp phần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Ngoại giao chính trị có vai trò định hướng, ngoại giao kinh tế là nền tảng vật chất và ngoại giao văn hóa là nền tảng tinh thần của hoạt động đối ngoại.
Ngoại giao văn hóa không phải là một lĩnh vực riêng, không có tổ chức bộ máy riêng mà là hoạt động và là nhiệm vụ chung của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các địa phương, mọi người dân Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước.
Hoạt động ngoại giao văn hóa dựa trên các quan điểm được nêu rõ tại Cương lĩnh Xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên Chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam (bổ sung, sửa đổi năm 2011): “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển. Kế thừa và phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại, xây dựng một xã hội dân chủ, văn minh, vì lợi ích chân chính và phẩm giá con người, với trình độ tri thức, đạo đức, thể lực và thẩm mỹ ngày càng cao.”
Sự phát triển của nền văn hóa của đất nước là nền tảng cho hoạt động quảng bá văn hóa của Việt Nam đối với thế giới nói chung và cho hoạt động ngoại giao văn hóa nói riêng và việc triển khai ngoại giao văn hóa trong giai đoạn 2010-2020 cần có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, phù hợp với điều kiện và khả năng đáp ứng kinh tế của đất nước.
Các biện pháp triển khai thực hiện Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020: Tăng cường lý luận và nhận thức về ngoại giao văn hóa; Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách cho ngoại giao văn hóa; Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho công tác ngoại giao văn hóa; Bảo đảm nguồn lực cho ngoại giao văn hóa; Gắn kết các hoạt động ngoại giao văn hóa với công tác về cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Gắn kết ngoại giao văn hóa với ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế; Đẩy mạnh quảng bá hình ảnh Việt Nam; Đa dạng hóa các loại hình vận động danh hiệu quốc tế; Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại.
Để triển khai hiệu quả Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin và Truyền thông…/.