Tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô

07:02, 25/02/2011

Trước tình hình giá cả tăng cao, nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay của các Bộ, ngành và địa phương là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Vừa qua, việc tăng giá điện, giá xăng khiến nhiều người lo ngại, nhưng đây là việc không thể không làm.

Trước tình hình giá cả tăng cao, nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô, nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách hiện nay của các Bộ, ngành và địa phương là tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội. Vừa qua, việc tăng giá điện, giá xăng khiến nhiều người lo ngại, nhưng đây là việc không thể không làm.

Theo tính toán của Bộ Công Thương cho thấy, với giá bán điện bình quân mới là 1.242 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng), áp dụng từ 1/3 tới, tăng 165 đồng/kWh so với giá bán điện bình quân thực hiện năm 2010, tổng số tiền điện tăng thêm trong năm 2011 do tăng giá điện khoảng 19.000 tỷ đồng.

Việc tăng giá điện sẽ tăng trực tiếp chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khoảng 0,54%-0,72%, trong đó, số tiền điện tăng thêm đối với các ngành sản xuất khoảng 9.600 tỷ đồng, làm giá thành các ngành sản xuất tăng từ 0,02-9,03%. Theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính): Giá điện tăng đương nhiên tác động làm tăng giá thành các sản phẩm. Giá điện tăng sẽ tác động làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng, có thể tỷ lệ tăng chung khoảng 0,72%.

Cũng theo tính toán, giá điện tăng, tác động đến khối hành chính sự nghiệp là không lớn, khoảng 832 tỷ đồng, bằng 0,8% tổng chi tiêu dùng cuối cùng của Nhà nước năm 2011. Đối với hộ thu nhập khá có mức tiêu thụ điện hàng tháng đến 200 kWh, tiền điện phải trả tăng thêm tối đa là 55.700 đồng/tháng, chiếm khoảng 1,39% thu nhập. Đối với hộ thu nhập cao với lượng điện tiêu thụ đến 400 kWh/tháng, tiền điện phải trả tăng thêm là 97.000-140.000 đồng/tháng.

Đối với hộ nghèo và hộ cận nghèo có mức tiêu thụ điện từ 50kWh/tháng trở xuống, tiền điện phải trả không tăng; hộ có thu nhập trung bình có mức tiêu thụ điện từ 100 kWh/tháng trở xuống, tiền điện tăng thêm do tăng giá điện khoảng 21.400 đồng/tháng.

Đối với giá xăng dầu, cũng theo ông Nguyễn Tiến Thỏa, chúng ta đang vận hành kinh doanh xăng dầu theo Nghị định số 84/2009/NĐ-CP; trong đó, giá xăng dầu được thực hiện theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Việc sử dụng các công cụ là để bình ổn giá chứ không phải cố định giá. Điều hành giá vẫn thực hiện chia sẻ với người tiêu dùng bởi Nhà nước vẫn thực hiện mức đã giảm thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu với mức 0%. Việc điều chỉnh giá tăng cũng là để xoá bao cấp một bước qua giá, tránh làm méo mó toàn bộ hệ thống giá.

Cũng đồng quan điểm trên, theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, mức tỷ giá mới đã tiếp cận mức 21.000 VND/USD cộng với giá điện tăng, xăng dầu tăng... hình thành một mặt bằng giá mới ngay trong quý 1/2011 này. Như vậy, khoảng quý 2 trên thị trường Việt Nam có mặt bằng giá mới và giảm bao cấp một phần các hàng hoá đang bao cấp.

Sáng 24/2, tại Hội nghị trực tuyến với lãnh đạo các tỉnh, thành triển khai Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, tình hình giá cả tăng đã đe dọa tới kinh tế vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội. Tình hình này đặt ra nhiệm vụ cho cả nước phải tập trung sức bằng mọi giải pháp, mọi nguồn lực để cùng nhau kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, làm được điều này sẽ duy trì được sản xuất, đảm bảo được an sinh xã hội. Đây là nhiệm vụ trọng tâm hiện nay của cả nước ta. Để thực hiện được mục tiêu này, chúng ta phải thực hiện đồng bộ các giải pháp với quyết tâm chính trị cao.
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: Việc điều chỉnh tăng giá điện, xăng dầu là việc làm cần thiết. Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành chức năng thực phải làm tốt công tác kiểm soát giá, không để đầu cơ đẩy giá lên cao, nhất là với một số mặt hàng thiết yếu như gạo, lương thực, xăng dầu, sữa…

Mong rằng với những nỗ lực của Chính phủ, với sự đồng lòng của các ngành, các địa phương và sự hưởng ứng của nhân dân, nền kinh tế Việt Nam trong năm 2011 sẽ vẫn đạt được những mục tiêu như đã đề ra.
 
(ĐCSVN)