Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 1 (2006-2010), Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định trong 5 năm qua, cả nước đã tiết kiệm được 56,9 tỷ kWh điện.
Phát biểu tại Hội nghị tổng kết Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 1 (2006-2010), Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng khẳng định trong 5 năm qua, cả nước đã tiết kiệm được 56,9 tỷ kWh điện.
Vận hành cấp điện cho các phụ tải tại trạm biến áp 110 kV Văn Quán. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN) |
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho biết, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015, đến nay về cơ bản khung pháp lý trong lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã hình thành. Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XII và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2011.
Các Nghị định của Chính phủ, các Thông tư của các Bộ hướng dẫn thi hành thi hành Luật đã và đang lần lượt được ban hành, là cơ sở pháp lý vững chắc để triển khai các hoạt động trong Chương trình. Hệ thống mạng lưới các Trung tâm tiết kiệm năng lượng, đơn vị tư vấn năng lượng được hình thành là chỗ dựa về kỹ thuật và trợ giúp các doanh nghiệp làm kiểm toán năng lượng, tư vấn đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng.
Bên cạnh đó, các hoạt động về truyền thông phổ biến kiến thức trong việc sử dụng thiết bị năng lượng gia dụng, các dự án xây dựng mô hình gia đình tiết kiệm năng lượng, phát triển sử dụng năng lượng tái tạo đã được triển khai đến các phường, xã ở thành phố và nông thôn. Đặc biệt, nhiều nhiệm vụ, đề án, dự án của Chương trình đạt hiệu quả cao và có khả năng nhân rộng, góp phần giảm chi phí năng lượng và nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh, để thực hiện có kết quả định hướng phát triển hoạt động của Chương trình trong giai đoạn II (2011-2015) với mục tiêu tiết kiệm năng lượng từ 5-8% theo cả bề rộng và chiều sâu chất lượng, đòi hỏi phải có sự hợp tác của các bộ ngành, các địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức, hiệp hội, cộng đồng xã hội; đồng thời tranh thủ tối đa sự trợ giúp của quốc tế cùng chung sức thúc đẩy các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả mạnh mẽ hơn.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình, với tổng kinh phí cấp cho Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 1 là 169,1 tỷ đồng; trong đó, 124,1 tỷ đồng thuộc kinh phí sự nghiệp và 45 tỷ đồng dành cho các dự án hỗ trợ đầu tư, hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều đã xây dựng được các Chương trình Tiết kiệm năng lượng trên địa bàn quản lý.
Cùng đó, nhiều hoạt động tiết kiệm năng lượng đã được triển khai mạnh mẽ và đồng bộ ở các địa phương. Mạng lưới các Trung tâm Tiết kiệm năng lượng, Trung tâm Khuyến công và các Trung tâm tư vấn chuyển giao công nghệ được hình thành trên phạm vi toàn quốc đã và đang đóng vai trò nòng cốt trong việc triển khai có hiệu quả hoạt động của chương trình.
Sự đa dạng trong các loại hình tổ chức đã giúp các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng tìm được hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Đối với các doanh nghiệp, Chương trình đã hỗ trợ xây dựng mô hình quản lý năng lượng, kiểm toán năng lượng, tư vấn các giải pháp kỹ thuật cho các doanh nghiệp, các tòa nhà, thực hiện các hoạt động đào tạo và tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.
Nhìn về tổng thể, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2006-2015, Chính phủ đã khuyến khích toàn dân đẩy mạnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thực hiện chương trình tiết kiệm điện hàng năm.
Việc tổng kết những kết quả đạt được cũng như các rào cản, hạn chế ảnh hưởng đến quá trình thực hiện Chương trình trong giai đoạn I sẽ là bài học kinh nghiệm để các cơ quan quản lý, các bộ ngành, địa phương điều chỉnh các nội dung, thúc đẩy các dự án, các hoạt động của Chương trình phát triển cả bề rộng và chiều sâu chất lượng trong giai đoạn II./.