Để có thể đáp ứng được nhu cầu ngoại tệ chính đáng của người dân khi đi nước ngoài, một số ngân hàng (NH) cho rằng hướng giải quyết là vẫn bán theo giá niêm yết nhưng có thu thêm phí.
Trên thực tế, nhiều NH có thế mạnh về kinh doanh ngoại tệ vẫn bán cho người đi du học, riêng người đi du lịch, công tác lại từ chối.
Cân nhắc khả năng thu thêm phí
Chuyển sang dùng ngoại tệ khác theo nhu cầu sẽ giảm bớt áp lực lên USD - Ảnh: Thanh Đạm |
Nếu bán đúng giá niêm yết thì lỗ, NH cũng không thể bán giá cao hoặc thu thêm phí vì đây là giao dịch mua/bán, nhận VND và chi ra USD, không có thêm dịch vụ nào khác để thu phí. Bên cạnh đó, chi phí cho việc mua bán USD tiền mặt khá cao, theo đúng giá niêm yết thì không đủ bù đắp chi phí cho NH. Một NH cho biết để có USD tiền mặt, nhiều lúc phải nhập khẩu từ nước ngoài với mức phí khoảng 0,05% số tiền nhập. Để có phí nhập rẻ nhất phải nhập số lượng lớn, dùng dần trong nhiều tháng khiến một lượng vốn bị tồn đọng không sinh lãi.
Trong ngày 11-3, ông Nguyễn Quang Huy - vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NH Nhà nước) - cũng đã nói nguyên nhân khiến NH chưa bán ngoại tệ cho cá nhân có nhu cầu chính đáng là do nghiệp vụ này tốn kém nhiều chi phí cho NH. Một thành viên hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nói nhiều khả năng NH Nhà nước sẽ cho NH thu thêm phí khi bán ngoại tệ tiền mặt cho người dân có nhu cầu hợp pháp. Một khi quyền lợi được đảm bảo, các NH sẽ mạnh tay bán ngoại tệ cho người có nhu cầu chính đáng.
Tuy nhiên, một lãnh đạo NH nói giải pháp thu thêm phí cũng chỉ là tình thế. Tốt nhất là lập lại trật tự, đưa giá ngoại tệ của NH dẫn dắt giá tại thị trường chợ đen. Khi đó, NH sẽ bán ngoại tệ tiền mặt đúng giá niêm yết cho người có nhu cầu chính đáng.
NH cũng sẽ trở lại áp dụng bảng giá ngoại tệ theo hướng mua ngoại tệ tiền mặt phải thấp hơn ngoại tệ chuyển khoản, ngoại tệ tiền mặt mệnh giá lớn phải cao hơn loại mệnh giá nhỏ. Thời gian qua, do giá ngoài thị trường chợ đen cao hơn NH nên nhiều NH phải đưa giá mua ngoại tệ tiền mặt gần ngang với mua chuyển khoản, khoản chênh lệch này không đủ để bù đắp chi phí.
Chưa quen dùng ngoại tệ “lạ”
Dù NH Nhà nước đã có văn bản yêu cầu các NH chủ động bán ngoại tệ tiền mặt để đáp ứng các nhu cầu hợp pháp như công tác, học tập, chữa bệnh... của cá nhân, tuy nhiên ngày 14-3 nhiều NH vẫn từ chối bán với lý do không có nguồn. Trong khi đó muốn có ngoại tệ khác ngoài USD, khách hàng phải đến đúng địa chỉ.
Chuẩn bị đi du lịch Singapore, chị H. (quận Phú Nhuận, TP.HCM) đến phòng giao dịch Hồ Văn Huê của một NH cổ phần mua USD, nhân viên ở đây không bán. Không mua được USD, chị yêu cầu được mua đôla Singapore nhưng lại một lần nữa thất vọng.
Không nản, chị H. tìm đến NH Xuất nhập khẩu VN (Eximbank) và đã mua được đôla Singapore. Một lãnh đạo NH Eximbank cho biết trừ USD, NH có gần 10 loại ngoại tệ khác, thường được gọi là ngoại tệ “lạ”, như đôla Hong Kong (HKD), EUR, đôla Úc (AUD), bảng Anh (GBP), yen Nhật (JPJ), đôla Canada (CAD).
Lãnh đạo NH Vietcombank chi nhánh TP.HCM cũng thừa nhận thực tế nhu cầu mua ngoại tệ của người dân chủ yếu là USD. Vị lãnh đạo này cho biết hiện NH có một số ngoại tệ khác để đáp ứng nhu cầu của người dân ở mức độ hợp lý. Vì cũng như USD, NH thường không giữ nhiều loại ngoại tệ tiền mặt mà phải gửi ở nước ngoài, muốn có ngoại tệ tiền mặt thì NH phải nhập về, tốn phí.
Theo một chuyên gia, còn một lý do người dân chuộng mua USD hơn các ngoại tệ khác là tỉ giá này không tăng giảm quá nhiều. Trong khi đó, giá các loại ngoại tệ khác phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường thế giới, rủi ro cao hơn. So với ngoại tệ khác, USD thông dụng hơn, khi xài dư có thể bán lại với giá cao, trong khi các tiệm vàng thường ép giá khi mua vào các ngoại tệ khác, nhất là những đồng tiền không thông dụng nên người bán phải chịu thiệt thòi.
Phần lớn người dân cũng không thích giữ ngoại tệ khác do lãi suất cho các ngoại tệ này thấp hơn so với USD. Các NH lại hạn chế số loại ngoại tệ gửi tiết kiệm cũng khiến người dân ngần ngại. Hiện nay, hầu hết các NH chỉ nhận gửi tiết kiệm bằng USD và EUR.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ, dù đang đợt thanh tra, kiểm tra của cơ quan chức năng nhưng hoạt động mua bán các loại ngoại tệ như HKD, EUR, AUD, GBP, JPJ... tại thị trường tự do không kém sôi động miễn người mua chấp nhận giá nhỉnh hơn NH.