"Cuộc chiến chưa phải là đã kết thúc khi những người lính cuối cùng rời khỏi chiến trường... Nay là thời điểm để mọi người hòa chung những nỗ lực nhân đạo nhằm giúp người dân Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam."
"Cuộc chiến chưa phải là đã kết thúc khi những người lính cuối cùng rời khỏi chiến trường... Nay là thời điểm để mọi người hòa chung những nỗ lực nhân đạo nhằm giúp người dân Việt Nam đang phải gánh chịu hậu quả của chất độc da cam."
Ông Bob Edgar, một Hạ nghị sỹ vào thời điểm cuộc chiến tranh tại Việt Nam kết thúc năm 1975 và hiện là Chủ tịch tổ chức phi lợi nhuận "Sự nghiệp Chung" (Common Cause) của Mỹ, đã khẳng định như vậy tại một buổi thảo luận tổ chức tại Trường Đại học San Francisco, thuộc bang California cuối tuần trước.
Tặng quà cho gia đình cựu quân nhân Lại Văn Biên, ở xã Tân Hòa, huyện Vũ Thư (Thái Bình) có ba con bị di chứng chất độc da cam/dioxin. (Ảnh Dương Ngọc/TTXVN) |
Phóng viên TTXVN tại Mỹ dẫn lời ông Edgar cho biết ông đã từng trình Quốc hội Mỹ một dự luật nhằm giúp cựu chiến binh Mỹ bị ảnh hưởng của chất độc da cam và đang tập trung vào nạn nhân chất độc da cam/dioxin tại Việt Nam.
Ông Edgar cho hay năm ngoái, trong một nỗ lực nhân đạo, ông đã tới Việt Nam và tận mắt nhìn thấy những nạn nhân chất độc da cam/dioxin bị mắc dị tật bẩm sinh, như nứt đốt sống, sứt môi, hở hàm ếch...
Ông thông báo trong tháng Ba này, ông sẽ đưa một số người Mỹ tới Việt Nam để họ chứng kiến những số phận khổ đau này, đồng thời tận mắt thấy vẻ đẹp của con người và đất nước Việt Nam, một đất nước đang phải đấu tranh để hồi phục sau sự tàn phá của chiến tranh, để từ đó họ có quyết định hành động nào đó.
Hòa chung lời kêu gọi của cựu Hạ nghị sỹ Edgar, báo The Old Gold & Black của Trường đại học Wake Forest thuộc bang Carolina, trong số ra ngày 28/2 đăng bài "Hậu quả của chất độc da cam vẫn tồn tại tại Việt Nam," trong đó khẳng định 35 năm sau chiến tranh, hậu quả của chất độc da cam/dioxin vẫn hiện rõ tại Việt Nam với nhiều trẻ em sinh ra bị dị tật.
Bài báo nhấn mạnh cuộc chiến có thể đã kết thúc nhưng cuộc đối thoại chưa thể đi đến đoạn kết vì chiến tranh còn để lại những hậu quả không thể lường trước được.
Báo trên kêu gọi thế giới đoàn kết bên cạnh người dân Việt Nam trong cuộc chiến đòi công lý cho các nạn nhân của loại chất độc hóa học này, để hậu quả của quá khứ có thể khắc phục và Việt Nam có thể bắt đầu tiến lên trong thế kỷ 21.
Bài báo cho rằng người dân Việt Nam kiên cường sẽ chiến đấu để chống lại bất cứ cản trở nào mà họ có thể phải đương đầu và các gia đình Việt Nam đang đoàn kết với nhau để khắc phục hậu quả của chất độc da cam.
Một số tổ chức ở Mỹ như Quỹ Ford, "Sự nghiệp Chung" và "Trẻ em Việt Nam"- một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại thành phố Winston-Salem thuộc bang Carolina - đã nhận ra những hậu quả của chất độc da cam đang tiếp diễn trong cộng đồng Việt Nam. Thành viên của các tổ chức này đang tham gia vào Sáng kiến Đặc biệt về chất độc da cam/dioxin do Quỹ Ford phát động nhằm quyên góp 300 triệu USD trong vòng 10 năm để giúp Việt Nam tẩy sạch các điểm bị nhiễm chất độc da cam và cung cấp dịch vụ y tế cho các gia đình và trẻ em bị ảnh hưởng của chất độc da cam.
Theo báo trên, mặc dù chính phủ Mỹ đã cam kết hỗ trợ 24 triệu USD để tẩy sạch các điểm bị nhiễm chất độc da cam tại Việt Nam nhưng các tổ chức phi lợi nhuận không thể giúp loại bỏ hoàn toàn những khó khăn do những hành động của nước Mỹ từ hơn ba thập kỷ trước để lại cho Việt Nam.
Báo khẳng định cần phải có hành động toàn cầu nếu muốn có một Việt Nam trong tương lai không còn chịu ảnh hưởng của hậu quả chất độc da cam.
Trong khuôn khổ Sáng kiến Đặc biệt về chất độc da cam/dioxin, nhiều hoạt động đã được tổ chức tại Mỹ trong nửa cuối tháng Hai vừa qua xung quanh chủ đề hậu quả của chất độc da cam tại Việt Nam.
Tại các hoạt động này, ông Charles Bailey, Giám đốc phụ trách Sáng kiến Đặc biệt về chất độc da cam/dioxin, luôn khẳng định giúp Việt Nam khắc phục hậu quả của chất độc da cam "là một vấn đề nhân đạo và chúng ta (Mỹ) cần làm một việc gì đó về vấn đề này"./.