Sẽ có lộ trình xóa bỏ kinh doanh vàng miếng

10:03, 02/03/2011

Chiều 1-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là quản lý thị trường vàng, giảm tình trạng đôla hóa... là những vấn đề đang chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể.

Chiều 1-3, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về các giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an sinh xã hội, đặc biệt là quản lý thị trường vàng, giảm tình trạng đôla hóa... là những vấn đề đang chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể.

Ông Nguyễn Văn Giàu - Ảnh: V.Dũng
Ông Nguyễn Văn Giàu - Ảnh: V.Dũng
* Tuổi Trẻ: Theo nghị quyết của Chính phủ, sẽ có nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Xin thống đốc cho biết cụ thể nội dung của nghị định này?

- Gần hai năm nay, Thủ tướng có giao Ngân hàng Nhà nước (NHNN) xây dựng lại nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đến nay dự thảo đã có, đang trong giai đoạn trình Chính phủ cho ý kiến. Đối với vàng trước đây xem như hàng hóa, nhưng vài năm gần đây bên cạnh mặt tích cực cũng có xuất hiện tiêu cực. Vàng gắn với thị trường ngoại tệ, phát sinh đầu cơ lớn dần lên. Khi cho lưu thông vàng miếng thì đã trở thành phương tiện thanh toán. Vì đây cũng là tài sản của xã hội, nên tinh thần là làm thế nào để giải phóng được tài sản này đưa vào sản xuất kinh doanh để tạo ra của cải vật chất mới phục vụ tăng trưởng.

Tất nhiên giữ vàng đã trở thành thói quen, tập quán của người Việt Nam..., tôi sẵn sàng lắng nghe thông tin từ các bên liên quan.

* Tuổi Trẻ: Việc tập trung đầu mối nhập khẩu vàng sẽ được thực hiện như thế nào?

- Đầu mối này có hai phương án. Thứ nhất là NHNN giữ “hộp đen” đứng ra nhập luôn, sau đó về đấu thầu cho các doanh nghiệp kinh doanh vàng trong nước. Tức là tôi nhập bao nhiêu anh không biết vì NHNN giữ “hộp đen” bí mật. Thứ hai là chọn lựa một vài doanh nghiệp chuyên nghiệp, họ làm vệ tinh để nối liền chính sách của Chính phủ với thị trường. Chúng tôi sẽ chọn phương án tối ưu (chỉ thị của NHNN về việc thực hiện giải pháp tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội ban hành ngày 1-3 có nội dung “chọn một số doanh nghiệp làm đầu mối nhập khẩu vàng” - PV).

* VnExpress: Vàng miếng trên thị trường tự do được hiểu như thế nào?

- Ví dụ như vàng miếng SJC, AAA... Trong xử lý chung, người dân yên tâm đây là tài sản bình thường.

* Đài truyền hình Việt Nam: Lộ trình tiến tới xóa bỏ việc kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do như thế nào, liệu việc này có dẫn tới hiện tượng lách luật bằng cách thay vì kinh doanh vàng miếng thì kinh doanh vàng dưới hình thức trang sức? Tới đây người dân sẽ được giao dịch vàng ra sao?

- Nghị quyết của Chính phủ đã nêu rõ trong quý 2 năm nay trình Chính phủ ban hành nghị định về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Nói tiến tới xóa bỏ nghĩa là sẽ có lộ trình đi mà không gây bất lợi cho nền kinh tế, kể cả quyền lợi của nhân dân. Một quốc gia không thể có nhiều phương tiện thanh toán, mà ở các khu đô thị hiện đã thanh toán với nhau bằng vàng miếng, mua món hàng này 30 lượng vàng thì thanh toán 30 lượng vàng... Còn việc tích trữ vàng bằng hình thức mua các sản phẩm đã chế tác thì không có vấn đề gì.

* Hãng tin Reuters: NHNN cho biết sẽ thực hiện các giải pháp nhằm giảm tình trạng đôla hóa, chuyển dần quan hệ huy động - cho vay bằng ngoại tệ trong nước của tổ chức tín dụng sang quan hệ mua - bán ngoại tệ, cụ thể ra sao? Liệu NHNN có áp dụng nâng dự trữ bắt buộc đối với USD?

- Đối tượng nào có tái tạo ngoại tệ thì được tiếp tục xem xét cho vay, còn những đối tượng không có tái tạo thì chuyển dần qua mua - bán. Để giải quyết căn cơ vấn đề này, chúng ta tiến dần cân bằng xuất nhập khẩu để có nguồn ngoại tệ dồi dào, cung lúc nào cũng lớn hơn cầu. Về dự trữ bắt buộc, chính sách tiền tệ có nhiều công cụ, chọn lựa cái nào trong điều kiện cụ thể, ví dụ thanh khoản ngoại tệ đang cân bằng hoặc thiếu hụt một chút mà nâng dự trữ bắt buộc thì sẽ là “đổ dầu vào lửa”...

* Hãng tin Bloomberg: Xin thống đốc cho biết nội dung và lộ trình thực hiện đề án chống đôla hóa?

- Trong quý 2 này sẽ trình đề án lên cấp có thẩm quyền. Trước đây khi tôi mới về làm thống đốc NHNN đã có đề án chống đôla hóa, nhưng pháp lệnh ngoại hối quy định như hiện hành làm sao chống nổi, ví dụ cho phép người ta được nắm giữ, mang theo, rút ngân hàng tiền mặt..., thì phải điều chỉnh về mặt pháp luật.

* Sài Gòn Tiếp Thị: Hôm nay có hiện tượng một ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động lên 17%?

- Tôi đã nghe tin này, tuy nhiên chưa rõ địa chỉ cụ thể. Từ ngày 14-12-2010 đã có thống nhất lãi suất huy động của tất cả các tổ chức tín dụng là không quá 14%, kể cả khuyến mãi. Nếu có địa chỉ cụ thể thì tôi sẵn sàng xử lý. Nếu tổ chức tín dụng hoặc chi nhánh nào tùy tiện nâng lãi suất thì đó là có hành động làm xáo trộn thị trường, không lành mạnh cho hệ thống.

* Hãng tin Dow Jones: Chính phủ Việt Nam yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước bán ngoại tệ cho ngân hàng, xin cho biết việc này được thực hiện như thế nào?

- Việc này không mới, năm ngoái đã thực hiện, hầu hết các tập đoàn, tổng công ty nhà nước chấp hành tốt. Đến nay sau khi có yêu cầu nêu trên thì mấy hôm nay các tập đoàn và công ty con đã xem xét bán ngoại tệ. Việc này có tác động mạnh tới thị trường vì tính đến trưa 1-3 thì thị trường tự do đã giảm rất nhanh...

Theo VÕ VĂN THÀNH (Tuổi trẻ online)