"Chúng tôi phán đoán cụ Rùa đang trị bệnh với cụ trong đền Ngọc Sơn không phải là 2 cá thể cùng đẻ trong 1 lứa nhưng là anh em hay con cái thì chưa biết. Tuổi thọ của “cụ” như vậy, tôi nghĩ, cũng đến hàng trăm năm” – TS.Bùi Quang Tề nhận định.
"Chúng tôi phán đoán cụ Rùa đang trị bệnh với cụ trong đền Ngọc Sơn không phải là 2 cá thể cùng đẻ trong 1 lứa nhưng là anh em hay con cái thì chưa biết. Tuổi thọ của “cụ” như vậy, tôi nghĩ, cũng đến hàng trăm năm” – TS.Bùi Quang Tề nhận định.
Cụ Rùa “chạm” giới hạn tăng trưởng
Sau kết quả giám định AND khẳng định cụ Rùa đang được trị bệnh cùng giống loài với cụ “ngự” trong đền Ngọc Sơn, TS.Bùi Quang Tề - Trưởng nhóm chữa bệnh có đánh giá, so sánh về độ tuổi 2 cá thể.
Theo TS Tề, cụ Rùa “ngự” trong đền Ngọc Sơn từ năm 1962, đến nay đã xấp xỉ 50 năm. Kích cỡ đo được của tiêu bản cụ rùa trong đền là nặng tới 250kg, rộng 1,2m và dài 2,1m. TS Tề cho rằng, đây là kích thước tối đa có thể đạt của loài. Để đạt tới kích cỡ này, cụ Rùa tiêu bản có thể cũng đã sống cả trăm năm tuổi.
“Trong khi đó, tuổi thọ cao nhất của loài ghi nhận đến nay là 150-170 năm” – TS.Tề dẫn chiếu để “bác” suy đoán cụ Rùa Hồ Gươm đã được 300 tuổi. Theo đó, càng không thể nghĩ đến khả năng cụ đã tồn tại 900 năm nay, từ thời có truyền thuyết Lê Lợi trả gươm.
Dẫn lại kích cỡ đã đo được của cụ Rùa đang được trị bệnh, nặng 169kg, rộng gần 90cm, dài 1,85m (tính cả đầu), TS Tề phán đoán có thể cụ chưa đạt kích cỡ cực đại. Ông Tề cho rằng, độ “lệch” lớn về kích cỡ của 2 cá thể không phải do giới tính quyết định.
Tuy nhiên, phân tích số đo độ dài mai của cụ Rùa trong bể dưỡng thương đã tới 1,2m, TS.Tề nhận định cũng đã tới “giới hạn” tăng trưởng. Cụ Rùa ít có khả năng tăng kích cỡ thêm nhiều.
“Trên thế giới không có nhiều mẫu động vật như này để nghiên cứu, tiếp cận nhưng theo các tài liệu ghi nhận, chiều dài mai 1,2m như “cụ” này là cũng gần như hết cỡ, chưa thấy cá thể nào lớn “vọt” hơn” – TS Tề cho biết.
Vị Trưởng nhóm chữa bệnh đưa ra phán đoán: “Tôi không dám khẳng định nhưng cụ Rùa đang trị bệnh với tiêu bản trong đền Ngọc Sơn là cùng một loài, chúng tôi chỉ phán đoán không phải là 2 cá thể cùng đẻ trong 1 lứa nhưng là anh em hay con cái thì chưa biết. Tuổi thọ của “cụ” như vậy, tôi nghĩ, cũng đến hàng trăm năm”.
“Không thể để nước bể dưỡng hơn 30 độ”
Về lo ngại cụ Rùa bị giới hạn trong không gian nhỏ hẹp của bể dưỡng sẽ đối mặt với vấn đề nước trong bể nóng lên trong những ngày nắng hè tới mà không có chỗ mát để trú, TS Tề gật đầu xác nhận. Ông cũng rất lo lắng về vấn đề này nên đã yêu cầu anh em trong đội chữa bệnh cho cụ Rùa phải túc trực, theo dõi 24/24. “Nhiệt độ nước mà trên 30 độ C thì không thể được, tôi sẽ phải yêu cầu thành phố đưa “cụ” ra một khu nuôi dưỡng khác” – ông Tề không giấu sốt ruột về tiến độ cải tạo môi trường ô nhiễm của Hồ Gươm hiện nay.
Được biết, phương án mới nhất, cơ quan chức năng dự định lắp đặt mái che cho khu bể dưỡng cũng như thiết kế thêm dàn phun nước để làm mát và tăng oxy trong nước cho cụ Rùa.
Về vấn nạn rùa tai đỏ, TS Tề lại có đánh giá rất khả quan: “Việc này chỉ là một phần, không lớn lắm”. Ông Tề cho rằng lo lắng này hơi “quá” vì trong không gian hồ lớn như vậy, có thể loài xâm thực này sẽ tấn công, ăn cá, làm giảm nguồn thức ăn của cụ Rùa nhưng “không con vật nào có thể gặm mai “cụ”. Dĩ nhiên, sinh vật này nguồn gốc không phải từ hồ, không nên đưa vào, có thể xâm lấn không gian sinh sống của các cá thể khác trong hồ.
Theo P.Thảo ((Dân trí)