Theo thống kê chưa đầy đủ của Bộ KH-ĐT, hơn 300 dự án sử dụng vốn nhà nước trong năm 2010 bị phát hiện có thất thoát, lãng phí và 269 dự án phải ngừng thực hiện. Bên cạnh đó, hàng trăm dự án khác đã bị thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư.
Theo báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ của Bộ Kế hoạch và đầu tư (KH-ĐT), năm 2010, có 36.607 dự án sử dụng từ 30% vốn nhà nước trở lên được triển khai, trong đó gần 14.500 dự án được khởi công mới .
Dự án chậm tiến độ là nguyên nhân chính làm phát sinh chi phí (ảnh minh họa). |
Bộ KH-ĐT nhận định, việc chậm tiến độ là một trong những nguyên nhân chủ yếu làm tăng chi phí, giảm hoặc không còn hiệu quả đầu tư và tác động tiêu cực đến nền kinh tế.
Cũng theo báo cáo, hơn 2/3 trong tổng số 5.239 dự án phải điều chỉnh là điều chỉnh vốn đầu tư. Nguyên nhân được xác định là do giá vật liệu biến động nhiều, bên cạnh đó là do trình độ năng lực chủ đầu tư, công tác khảo sát chưa đầy đủ hoặc số liệu khảo sát chưa chính xác nên bị phát sinh.
So với các năm trước, số dự án phải điều chỉnh giảm nhiều song tỷ lệ dự án điều chỉnh vốn đầu tư cao, trong khi theo quy định về quản lý đầu tư hiện tại không cho phép điều chỉnh vượt tổng mức đầu tư trong trường hợp biến động giá và thay đổi chính sách.
Báo cáo của các cơ quan cũng cho thấy có tới 316 dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước có thất thoát, lãng phí được phát hiện và 269 dự án phải ngừng thực hiện.
Đối với các dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác, qua kiểm tra hơn 4.000 dự án đầu tư đã phát hiện có 349 dự án có vi phạm quy định liên quan đến quản lý đầu tư (chiếm 8,5% tổng số dự án được kiểm tra đánh giá), trong đó đã thu hồi 294 Giấy chứng nhận đầu tư.
Đây mới chỉ những con số được công bố dựa trên báo cáo chưa đầy đủ của các bộ, ngành, địa phương, các tập đoàn kinh tế và tổng công ty 91. Bộ KH-ĐT cho biết, có tới hơn 40% các dự án không được các cơ quan có trách nhiệm báo cáo (tương đương với gần 15.000 dự án).
Chất lượng báo cáo thì chưa đáp ứng yêu cầu, mang nặng hình thức. Những địa phương có tỷ lệ dự án có báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư rất thấp phải kể đến như: Lai Châu, Vĩnh Phúc, Quảng Bình…
Trước tình hình đó, Bộ KH-ĐT đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các biện pháp xử lý những cơ quan không gửi Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư hoặc Báo cáo giám sát, đánh giá tổng thể đầu tư không đầy đủ, thiếu khách quan.
Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng cần có chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương thực hiện giám sát ngay từ khâu quy hoạch, lập dự án, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, bố trí vốn đầu tư… đảm bảo tuân thủ quy hoạch, kế hoạch được duyệt;
Đồng thời, chủ động đề xuất các giải pháp cụ thể phù hợp với đặc thù của đơn vị mình, nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư khắc phục những tồn tại về thất thoát, lãng phí, chậm tiến độ trong đầu tư, xây dựng.