Trời đồng chiêm huyện lúa Yên Thành (Nghệ An) vừa tảng sáng thì tiếng sập mỏ đá trên lèn (núi đá) Cờ phía tây xã Nam Thành rung lên. Hàng trăm người chạy ùa ra, rồi ở đó bắt đầu vỡ òa những tiếng khóc...
Trời đồng chiêm huyện lúa Yên Thành (Nghệ An) vừa tảng sáng thì tiếng sập mỏ đá trên lèn (núi đá) Cờ phía tây xã Nam Thành rung lên. Hàng trăm người chạy ùa ra, rồi ở đó bắt đầu vỡ òa những tiếng khóc...
17g30 ngày 1-4, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thi thể nạn nhân Phan Thị Thất, 39 tuổi, xã Nam Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An - Ảnh: Thuận Thắng
Sáng 1-4, hàng trăm người dân đứng chật con đường làng mù bụi, vây kín phía trước vùng đá sập. Ông Kha - người chứng kiến vụ tai nạn từ đầu - kể: “Lúc 6g, tôi đang vác đá ở mỏ đá bên cạnh, cách chỗ xảy ra tai nạn chừng 100m, thấy mái đá ở khúc giữa của lèn Cờ rung rinh và như đang trôi xuống. Chúng tôi hét báo cho những người đang vác, đội đá và xay đá dưới chân lèn. Nhưng trời ơi, họ chạy không kịp, hàng chục tảng đá khổng lồ đổ sập xuống trong chớp mắt. Rất may, có năm người làm ở vòng ngoài nghe chúng tôi hét liền vùng chạy nên may mắn thoát chết. Chúng tôi cũng hùa nhau chạy khỏi lèn đá như những người mất hồn”. Ông Kha cho biết những người thiệt mạng đều đang làm thuê cho Công ty TNHH Chín Mến.
Đại tá Nguyễn Hữu Cầu - phó giám đốc Công an Nghệ An - chỉ tay về phía hang đá bị sập thứ nhất nói: “Đá chèn chống lên đá tạo thành hai hang đá. Tại hang thứ nhất, lực lượng cứu hộ đã tìm được 11 người, trong đó có 5 người chết, 6 người bị thương nặng được đưa về cấp cứu tại Bệnh viện 115 Nghệ An và Bệnh viện Đa khoa Nghệ An”.
Theo ông Cầu, lúc này tại mỏ đá thứ hai có hơn 10 nạn nhân đang nằm trong những tảng đá lấp kín. Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Phan Đình Trạc cũng có mặt tại mỏ đá thứ hai. Ông nói với ban chỉ huy cứu nạn: “Cần phải huy động gấp máy cẩu hạng 50 tấn, máy kích 50 tấn cùng với máy cắt đá loại tốt nhất để cắt nhỏ những tảng đá lớn, nhanh chóng mở cửa vào hang cứu dân càng sớm càng tốt. Nếu cần khoan đá, nổ mìn cũng phải làm”.
Nỗi đau của con gái nạn nhân Nguyễn Sĩ Trọng, quê ở xã Trung Thành, huyện Yên Thành, khi lực lượng cứu hộ tìm thấy thi thể ông - Ảnh: Thuận Thắng |
Thi thể nạn nhân thứ sáu được lực lượng cứu hộ tìm thấy dưới chiếc xe càng vụn nát (xe chở đá ở nông thôn) vào lúc 10g.
Đến trưa, Quân khu 4 tăng cường gần 100 cán bộ chiến sĩ tới hiện trường, nâng tổng số lực lượng cứu hộ lên gần 300 người. Sau hai giờ nỗ lực phá đá, có thêm bốn thi thể nạn nhân được đưa ra khỏi hang đá thứ hai.
Khoảng 15g, các máy cẩu, máy kích hạng nặng bắt đầu vào cuộc. Những tảng đá nặng hàng tấn lần lượt được cẩu lên. Hai thi thể nữa được đưa ra khỏi hang thứ hai.
Một giờ sau, lực lượng cứu hộ tiến hành khoan đá, nổ mìn mở cửa hang thứ hai. Đến chiều tối qua, ông Nguyễn Tiến Lợi - chủ tịch UBND huyện Yên Thành, tổng chỉ huy lực lượng cứu hộ - cho biết đã tìm thấy thêm bốn thi thể nạn nhân. Theo ông Lợi, có hai nạn nhân được xác định đã chết nhưng chưa lấy được thi thể. Như vậy, có 16 thi thể được lực lượng cứu hộ tìm thấy, hai người được xác định là chết nhưng chưa lấy được thi thể, sáu người khác bị thương.
Ngay trong ngày 1-4, UBND tỉnh đã trợ giúp 5 triệu đồng đối với gia đình có người chết, 3 triệu đồng đối với gia đình có người bị thương. Ngoài ra, Công ty du lịch Văn Minh trợ giúp các nạn nhân 20 triệu đồng.
Người nhà chờ tìm thi thể nạn nhân tại hiện trường vụ sập núi đá - Ảnh: vũ toàn |
Sơ đồ vị trí sập núi đá - Đồ họa: V.Cường |
VŨ TOÀN
Danh sách 18 người tử nạn 16 người đã tìm được thi thể, gồm: 1. Chu Ngọc Mạnh (SN 1977, trú ở xã Hợp Thành) 2. Nguyễn Đình Phúc (1973, xã Nam Thành) 3. Nguyễn Thị Quyên (1984, xã Trung Thành) 4. Phan Công Mai (1976, xã Trung Thành) 5. Ngô Trí Ân (xã Bắc Thành) 6. Phan Thị Thất (1972, xã Nam Thành) 7. Phan Thị Chín (1968, xã Liên Thành). 8. Nguyễn Thị Thứ (1974, xã Nam Thành) 9. Nguyễn Thị Thủy (1974, xã Nam Thành) 10. Nguyễn Thị Lộc (1974, Nam Thành) 11. Nguyễn Thị Mùi (1967, xã Nam Thành) 12. Trần Thị Sáu (1960, xã Nam Thành) 13. Phan Thị Tam (xã Nam Thành) 14. Nguyễn Thị Ngân (1978, xã Nam Thành) 15. Nguyễn Thị Trung (xã Nam Thành) 16. Nguyễn Sĩ Trọng (1971, xã Trung Thành). 2 người tìm thấy nhưng chưa đưa ra được: 17. Nguyễn Thọ Hoàng (1984, xã Nam Thành) 18. Nguyễn Thọ Vũ (1990, xã Nam Thành). |
__________
Dưới gánh nặng mưu sinh
Nhiều người có mặt tại lèn Cờ đã rơi nước mắt trước hình ảnh đau lòng khi những chiếc nón lá, khăn bịt mặt, bao tay, kẹp tóc... được bới lên từ đống đất đá vừa đổ sập. Đó là tư trang của những người mẹ, người chị xấu số đã vĩnh viễn bỏ lại.
Cầm trên tay chiếc khăn choàng của người cháu xấu số Nguyễn Thị Quyên (27 tuổi) bới được từ đống đất đá, bà Nguyễn Thị Nhịn vừa đi vừa chắp tay vái khắp nơi, cầu hồn cho cháu mình. Bà Nhịn kể thi thể chị Quyên được tìm thấy đầu tiên từ 8g sáng. Bà nấc nghẹn: “Nhưng chân một nơi, người một nơi chú ơi!...”.
Bị tảng đá hàng tấn đè xuống, nửa người chị Quyên dập nát, bàn chân bị văng ra phải đến trưa mới tìm thấy đủ phần thân thể.
Bà Nhịn kể chị Quyên đi làm đá được gần một năm nay để nuôi con gái 4 tuổi khi chồng đi làm ăn tận miền Nam. Trước đây, công việc nhặt đá, chẻ đá này là của chồng nhưng từ ngày chồng đi làm ăn xa, chị phải nhận làm để kiếm được mỗi ngày vài chục ngàn đồng lo cho con.
Chị Phương, em chồng của nạn nhân Nguyễn Thị Ngân (33 tuổi), ở xóm Đăng Lưu, mắt đỏ hoe chỉ vào chiếc xe tải bên vách núi bảo: “Nhặt đầy một xe nớ, gần 5 khối đá mới được 70.000 đồng, cực nhọc rứa để nuôi con mà chị tui cũng không được sống”.
Chị Ngân có bốn đứa con, đứa lớn mới học cấp II, chồng làm phụ hồ trên miền núi Quỳ Hợp, vợ ở nhà chẻ đá, chăm con. Nhưng cái gánh mưu sinh đã quá nặng ấy của vợ chồng chị Ngân giờ đã vĩnh viễn gãy vụn dưới những tảng đá núi.
Anh Lộc, một chủ quán cà phê sát chân núi, nói: “Những người chết đều là những người giỏi và siêng năng ở mỏ lèn Cờ này”. Bởi trong những ngày giá rét cuối mùa này, chỉ có ai chịu khó và bị cuộc sống thúc bách mới phải trần lưng trong giá lạnh sớm mai để xay đá.
Người dân xóm Sơn Thành ai cũng khóc thương cho bà Trần Thị Sáu khi chồng bà vừa mất vì xơ gan trước tết và bốn đứa con đang đi học, trong đó có ba đứa lớn đang học đại học, cao đẳng ở Sài Gòn, khiến bà - một phụ nữ đã hơn 50 tuổi - không thể có một ngày ngơi nghỉ. Nhưng sáng nay thì tất cả sự gắng gượng của bà Sáu đã vĩnh viễn dừng lại, khi một ngày mưu sinh trong giá rét vừa mới bắt đầu.
11 phụ nữ xấu số trong vụ sạt núi ở lèn Cờ đều đã có gia đình, đều mang trên mình gánh nặng mưu sinh.
Câu chuyện ấy càng thêm thê thiết khi những nạn nhân là đàn ông cũng có hoàn cảnh rất thương tâm. Hai anh em Nguyễn Thọ Hoàng và Nguyễn Thọ Vũ chết khi Hoàng vừa vay tiền mua được xe tải chở đá chỉ 10 ngày, còn Vũ mới hỏi vợ tháng trước. Ông Phan Công Mai và tài xế Chu Ngọc Mạnh cũng chết ngay khi chiếc xe ben của họ vừa đỗ lại mỏ đá.
Hi vọng tắt quá nhanh “Nếu còn một điều có thể hi vọng thì đó là hi vọng cứu hộ sẽ đưa thi thể những người xấu số ra nhanh hơn mà thôi” - ông Phan Thế Trung, chủ tịch UBND xã Nam Thành, nói lúc 17g chiều qua, dù khi đó vẫn còn 6 người chưa được tìm thấy. Điều mà ông Trung nói càng được minh chứng rõ hơn khi 17g30 thi thể thứ 13 là chị Phan Thị Thất ở xóm Đăng Lưu được đưa ra. Bám theo chiếc cáng của chị Thất có hơn chục người là thân nhân của những nạn nhân khác. Họ bám theo với một niềm hi vọng trong đau đớn rằng đó chính là người thân của mình. |
Theo NGUYỄN VIỄN SỰ (Báo Tuổi Trẻ)