Nhiều mặt hàng như thủy hải sản, rau củ quả, may mặc, da giày, đồ nội thất, gỗ xây dựng... đang có nhu cầu lớn ở Nhật và dự báo tăng mạnh thời gian tới. Một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đang tích cực tìm cơ hội bán hàng sang Nhật.
Nhiều mặt hàng như thủy hải sản, rau củ quả, may mặc, da giày, đồ nội thất, gỗ xây dựng... đang có nhu cầu lớn ở Nhật và dự báo tăng mạnh thời gian tới. Một số doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng đang tích cực tìm cơ hội bán hàng sang Nhật.
Đóng gói khăn xuất khẩu sang thị trường Nhật tại Tổng công ty Phong Phú - Ảnh: T.V.N.
Những thay đổi nhỏ về thời gian và địa điểm giao hàng của những lô hàng giao đúng thời điểm xảy ra thảm họa kép động đất, sóng thần ở Nhật Bản nay đã được giải quyết.
Đề nghị giao trước hạn
Chế biến tôm tại Công ty cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN) - Ảnh: KHẮC TÂM |
Tại các cảng ở TP.HCM như Cát Lái, Tân Cảng, Phước Long... lượng hàng hóa xuất khẩu đi thị trường Nhật đang tập trung về khá nhiều. Các doanh nghiệp xuất khẩu cũng tất bật chuẩn bị nguồn hàng vì nhu cầu đang tăng lên rõ rệt. Các lô hàng bánh tráng, bánh tôm, bánh hẹ, bún gạo, thủy hải sản, các loại bàn làm bằng gỗ cao su, ván ép được tháo rời, đóng trong các container liên tục đưa ra cảng...
Chỉ riêng tại cảng Cát Lái, từ sau ngày 11-3 trung bình mỗi ngày giá trị hàng xuất khẩu qua Nhật đạt gần 1 triệu USD.
Nhu cầu nhập nhiều hàng, các đối tác Nhật Bản đã chấp nhận tăng thêm khoảng 10% giá đơn hàng để bù đắp chi phí nguyên liệu đầu vào, điều này tạo động lực cho một số doanh nghiệp xuất khẩu thực phẩm chế biến, trái cây tươi... đẩy mạnh sản xuất và giao hàng trước hẹn.
Theo ông Hồ Quốc Lực - tổng giám đốc Công ty thủy sản Fimex (Sóc Trăng), do người tiêu dùng Nhật Bản đang có tâm lý không dám dùng thực phẩm cung cấp từ những địa phương xung quanh khu vực xảy ra sự cố hạt nhân, nên nhiều khách hàng của Fimex liên tục đề nghị giao hàng trước thời hạn ký hợp đồng.
Tương tự, ông Phạm Xuân Hồng, chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần May Sài Gòn 3, một trong những doanh nghiệp có bạn hàng tại Nhật lớn nhất trong ngành may mặc hiện nay, cho biết: “Trước thảm họa họ chỉ yêu cầu chúng tôi bảo đảm đúng tiến độ giao hàng”. Nhưng sau thảm họa họ nhắc lại yêu cầu này thêm lần nữa.
Hiện Sài Gòn 3 đã có hợp đồng đến hết năm với ba đối tác tại Nhật, tổng giá trị lên đến 60 triệu USD, xuất khẩu đều đặn 400.000-500.000 sản phẩm/tháng, tương ứng 4-5 triệu USD. Ông Hồng khẳng định các kế hoạch giao hàng vẫn được thực hiện đúng như ký kết ban đầu.
Ông Võ Văn Phục, tổng giám đốc Công ty CP Thủy sản sạch VN (Vina Cleanfood), cho biết 60-70% sản lượng tôm của công ty xuất khẩu sang Nhật Bản. Hằng năm Nhật Bản có những đợt tiêu thụ thủy sản lớn như tuần lễ vàng, Giáng sinh, năm mới...
Trong đó, tuần lễ vàng (ngày cuối cùng của tháng 4 và những ngày đầu tháng 5, thời gian có rất nhiều ngày quốc lễ của Nhật) sức tiêu thụ thủy sản tăng mạnh. Các đối tác Nhật đã ký hợp đồng phục vụ thời điểm này từ trước. Do đó, khách hàng Nhật Bản chờ đợi phản ứng của thị trường sau tuần lễ vàng mới quyết định nhập khẩu.
Dự kiến nhu cầu sẽ tăng mạnh từ tháng 6 trở về sau.
Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật năm 2010 - Đồ họa: NHƯ KHANH |
Đơn đặt hàng sẽ tăng
Bà Phạm Minh Hương, phó tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Phong Phú, dự báo: “Có thể từ tháng 5-2011, khoảng thời gian chúng tôi buộc phải ngồi lại chuẩn bị cho kế hoạch xuất khẩu hai quý cuối của năm mới biết có thay đổi hay không. Lượng đơn đặt hàng dự kiến sẽ tăng vì trước khi biến động xảy ra, các nhà đầu tư Nhật có xu hướng chuyển đơn hàng từ Trung Quốc sang VN. Bởi phần lớn các doanh nghiệp này đều không muốn tập trung quá nhiều vào một thị trường sẽ có nhiều rủi ro. Hiện đã có nhiều nhà đặt hàng từ Nhật đến đặt vấn đề với Phong Phú”.
Chỉ riêng trong ba tháng đầu năm 2011, Phong Phú đã xuất qua Nhật sản phẩm khăn các loại với tổng giá trị lên đến 4 triệu USD. “Chúng tôi đã xây dựng kế hoạch tăng trưởng cho thị trường Nhật khoảng 15% so với năm trước và hi vọng sẽ đạt được mục tiêu này” - bà Hương chia sẻ.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN, cho rằng nước Nhật đang trong thời kỳ tái thiết sau thảm họa. Do vậy, nhu cầu sử dụng các sản phẩm đồ gỗ từ xưa đến nay của người dân Nhật Bản vốn đã rất lớn nay càng cần nhiều hơn.
Mới đây, Hiệp hội Gỗ và lâm sản đã tiếp nhiều công ty môi giới xuất khẩu. Họ có nhu cầu tiếp cận doanh nghiệp VN để mua hàng và bán lại cho những doanh nghiệp Nhật Bản có nhu cầu về đồ gỗ nội thất, gỗ xây dựng...
“Tuy nhiên, chúng tôi đã từ chối và khẳng định sẽ bán hàng trực tiếp với những đối tác người Nhật có nhu cầu. Đây là cơ hội cho doanh nghiệp ngành gỗ VN” - ông Quyền nói. Các doanh nghiệp môi giới xuất khẩu nhận định với kim ngạch xuất khẩu năm 2010 đã đạt 454 triệu USD, năm 2011 nếu doanh nghiệp VN tận dụng được cơ hội, kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ sang Nhật Bản có thể tiệm cận mốc 1 tỉ USD.
Hiện Hiệp hội Gỗ và lâm sản VN đã làm việc với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) để thông qua tổ chức này làm việc trực tiếp với Hiệp hội Gỗ Nhật Bản, nhằm tăng cường xuất hàng sang Nhật trong năm nay. Dự kiến tháng 5 sẽ chính thức làm việc với phía Nhật Bản.
Ngoài ra, Hiệp hội Gỗ và lâm sản cũng đang thống kê các mặt hàng có nhu cầu lớn nhất tại Nhật để thông báo cho các doanh nghiệp, đặc biệt những đơn vị đã có kim ngạch xuất hàng lớn sang thị trường Nhật trong năm qua.
Các doanh nghiệp có thể dựa vào thông tin này để nắm bắt cơ hội xuất khẩu.
Theo T.V.NGHI - T.MẠNH - B.HOÀN (Tuổi trẻ)