Sáng nay (23/5), Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã gửi văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước mạnh tay hơn nữa để hạ lãi suất tiền gửi USD ở cả khu vực dân cư và doanh nghiệp.
Sáng nay (23/5), Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đã gửi văn bản kiến nghị Ngân hàng Nhà nước mạnh tay hơn nữa để hạ lãi suất tiền gửi USD ở cả khu vực dân cư và doanh nghiệp.
Với quy định khống chế lãi suất tiền gửi USD trong khu vực dân cư ở mức không quá 3%/năm và tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ thêm 2% đã làm cho tỷ giá thực tế VND/USD đã giảm hơn 5%. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào và ở trạng thái cung lớn hơn cầu, đồng thời đang diễn ra việc chuyển dịch từ nắm giữ USD sang VND để gửi tiết kiệm có lợi thế hơn .
Theo VAFI, đây là thành công bước đầu, có hiệu quả nhanh rất nhanh và tích cực ngoài dự đoán của đa phần các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế tiền tệ. Thành công này cho thấy việc xóa bỏ tình trạng Đô la hóa đang tồn tại lâu trong nền kinh tế là việc không khó và có thể kết thúc nhanh trong khoảng thời gian ngắn.
Từ hiệu quả thực tế, VAFI cho rằng nên thực hiện các bước tiếp theo để đẩy nhanh quá trình này. Cụ thể, cần hạ lãi suất tiền gửi USD của các tổ chức kinh tế xuống 0%/năm.
“Biện pháp này có thể làm ngay, vì không có tác động tiêu cực gì đến chính sách tiền tệ, ngược lại sẽ có thêm nhiều lợi ích cho nền kinh tế và hệ thống doanh nghiệp, làm tiền đề cho việc hạ lãi suất cho vay”, ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký VAFI, nhận xét.
Với lãi suất tiền gửi USD khu vực dân cư, VAFI kiến nghị hạ lãi suất trần từ mức 3%/năm xuống mức 1%/năm, đồng thời tính toán tăng thêm tỷ lệ dự trữ ngoại tệ ở mức hợp lý để các ngân hàng thương mại không vượt rào khi cạnh tranh thu hút tiền gửi USD.
Sau khi các bước đi nói trên đem lại hiệu quả, cơ quan quản lý có thể thực hiện hạ tiếp trần lãi suất tiền gửi USD với dân cư về 0%. Thậm chí bước tiếp theo là thu phí tiền gửi ngoại tệ.
Trước ý kiến nếu tiếp tục hạ lãi suất tiền gửi USD ở mức thấp như trên thì lượng kiều hối sẽ giảm sút, VAFI cho rằng nhận định này không có cơ sở, vì chi phí cho việc chuyển ngoại tệ bất hợp pháp từ Việt Nam ra nước ngoài khoảng 2%. Với mức phí này cộng thêm với rủi ro là có thể mất toàn bộ vốn thì có lẽ không ai làm.
Với việc đưa ra những đề xuất nói trên, VAFI cho rằng thời điểm hiện tại rất thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước hành động nhằm nhanh chóng rút ngắn tiền trình xóa bỏ tình trạng Đô la hoá, cũng như để thực hiện mục tiêu mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra là sẽ chấm dứt tình trạng huy động vốn và cho vay bằng ngoại tệ.