Ngày 6-5 TAND tỉnh Đồng Tháp mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ hành hạ bé Như Ý. Qua đó tuyên phạt Lê Thành Tám (35 tuổi) 6 năm tù và bà Nguyễn Thị Xuân Lan (30 tuổi), mẹ của bé Như Ý 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích, theo khoản 2 Điều 104 Bộ Luật hình sự.
Ngày 6-5 TAND tỉnh Đồng Tháp mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ hành hạ bé Như Ý. Qua đó tuyên phạt Lê Thành Tám (35 tuổi) 6 năm tù và bà Nguyễn Thị Xuân Lan (30 tuổi), mẹ của bé Như Ý 5 năm tù về tội cố ý gây thương tích, theo khoản 2 Điều 104 Bộ Luật hình sự.
Lê Thành Tám và Xuân Lan trước vành móng ngựa - Ảnh: Đ. VỊNH |
Bé Như Ý bên người bà con trong phiên tòa - Ảnh Đ. VỊNH |
Theo cáo trạng, năm 2002 Nguyễn Thị Xuân Lan - ngụ ấp Long Thành A, Long Hậu, Lai Vung (Đồng Tháp) - kết hôn với một người quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc) rồi xuất cảnh sinh sống cùng chồng nhưng hộ khẩu vẫn còn tại ấp Long Thành, xã Long Hậu. Đến 9-2006, Lan xin thôi quốc tịch VN và năm 2007 được cấp hộ chiếu Đài Loan với tên là Ruan Chun Lan.
Ở Đài Loan do gia đình không hạnh phúc nên Xuân Lan bỏ đi làm công nhân, sau đó chung sống như vợ chồng với một thanh niên khác Leo Chin Sẹo. Vào 3-2009 khi có thai với Sẹo, Xuân Lan về VN sống ở nhà cha mẹ ruột, đến ngày 12-12-2009 sinh con gái đặt tên là Nguyễn Như Ý. Trong giấy khai sinh làm cho bé tại xã Long Hậu chỉ khai có tên mẹ, không tên cha.
Còn Lê Thành Tám - thường trú ấp Tân Thạnh, xã Hòa Thành, Lai Vung đã có vợ và một con. Từ 7-2009 Tám và Lan quen nhau và sống với nhau như vợ chồng. Tám từng đưa người tình về nhà mình chung sống, nhưng vợ Tám không đồng ý nên hai người sống tại nhà cha mẹ ruột của Xuân Lan. Sau đó, vợ Tám có đơn yêu cầu ly hôn và được tòa án giải quyết ly hôn ngày 15-9-2010
Trong thời gian chung sống thấy Như Ý hay khóc, Tám bảo là bé bị ma nhập nên phải để Tám… chữa trị, Xuân Lan đồng ý. Lần đầu tiên, vào chiều 14-8-2010 Tám “chữa” cho bé bằng cách liên tục dùng cằm của mình ấn mạnh nhiều lần vào hai gò má, hai tay vò sát, bụm miệng, đè mặt, đánh, xốc thảy… làm bé đau đớn khóc dữ dội đến khi kiệt sức. Trong khi đó nghe lời Tám, Xuân Lan dùng điện thoại của mình quay lại cảnh này.
Bảy ngày sau, Tám đem về cây thước gỗ kích thước 35cm x 2,5cm x 0,5cm. Kể từ đó cứ vào buổi tối, Tám thường xuyên dùng thước đánh lòng bàn chân bé, từ bàn chân lên đùi, lên tay bàn tay; đánh vào mông, vùng mặt… (tổng cộng 8 lần).
Mỗi khi đánh, Xuân Lan thường ngồi kế bên xem, rồi Tám còn chỉ cho Xuân Lan cách đánh để… trị bệnh cho con, và bà ta đã 4 lần dùng tay và thước đánh con. Có lần Tám dùng hai tay bóp mạnh khoảng 20 cái, vừa bóp vừa thoa dầu gió vào mặt Như Ý… Bị đánh đập như thế khiến thân thể bé bị nhiều vết thương bầm tím và lở loét nặng.
Ngày 16-9, đoàn công tác của xã Long Hậu phát hiện bé bị thương tích đầy mình nên lập biên bản, đưa bé đi điều trị tại Bệnh viên Đa khoa Đồng Tháp. Đồng thời cơ quan điều tra vào cuộc. Ngày 17-9 Tám bị tạm giữ hình sự, sau đó Công an huyện Lai Vung ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, bắt tạm giam Tám và Xuân Lan về tội cố ý gây thương tích và hành hạ con, theo Điều 104 và Điều 151 Bộ Luật hình sự.
Ngày 2-10-2010 bé xuất viện, được gia đình bà Nguyễn Thị Bảy (cô ruột Xuân Lan) nuôi dưỡng, với sự theo dõi, hỗ trợ của đoàn thể địa phương. Giám định pháp y kết luận Như Ý bị nhiều sẹo và vết thương phần mềm ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ, tỉ lệ thương tật 25%, loại thương tật vĩnh viễn.
Sau khi xác định rõ Xuân Lan có quốc tịch Đài Loan (Trung Quốc), vụ án được chuyển lên Công an tỉnh Đồng Tháp thụ lý theo thẩm quyền. Ngày 15-12-2010, cơ quan cảnh sát điều tra tỉnh có quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can đối với Xuân Lan về tội cố ý gây thương tích. Tám và Lan bị tạm giam tại trại tạm giam công an tỉnh.
Trong quá trình điều tra, công an đã thu giữ 1 điện thoại di động hiệu Sony Ericson của Xuân Lan dùng quay cảnh Tám “trị bệnh” đối với Như Ý. Hai bị can Tám và Xuân Lan khai nhận hành vi phạm tội đã gây ra nhiều thương tích trên người bé Như Ý, phù hợp với kết quả khám nghiệm hiện trường, giám định pháp y, lời khai của các nhân chứng, tang vật thu giữ và các tài liệu chứng cứ khác thu thập được có trong hồ sơ vụ án.
Dù có quốc tịch Đài Loan nhưng Xuân Lan không có đơn yêu cầu đại sứ quán, lãnh sự quán nước ngoài can thiệp và cử người phiên dịch trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Tại phiên xét xử Tám và Xuân Lan thừa nhận tội và cho rằng việc đánh đập bé Như Ý xuất phát từ mê tín dị đoan.
Theo ĐỨC VỊNH (Báo Tuổi trẻ)