Đoàn đại biểu Việt Nam do Thứ trưởng bộ Tài nguyên Môi trường Trần Hồng Hà làm trưởng đoàn đã tham gia các hoạt động tại Đại hội lần thứ 16 Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO).
Thứ trưởng Trần Hồng Quân cùng đoàn đại biểu VN tại đại hội, ngày 25/5. (Ảnh: Lê Thanh/Vietnam+) |
Hoạt động nổi bật của đoàn Việt Nam tại đại hội lần này là lần đầu tiên tham gia vào Ban đề cử nhân sự cho các vị trí chủ chốt của WMO nhiệm kỳ tới. Việt Nam là một trong hai nước trong khu vực châu Á của Tổ chức Khí tượng Thế giới và là một trong 12 nước trên thế giới được lựa chọn vào Ban đề cử.
Trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Geneva, Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết điều này thể hiện vai trò ngày càng quan trọng của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Nhiều nước đã tiếp xúc để vận động Việt Nam ủng hộ ứng viên của nước họ vào những vị trí chủ chốt của WMO.
Tại Đại hội, Việt Nam đã tích cực thảo luận, xây dựng nội dung các tài liệu đưa ra bàn thảo tại đại hội, đồng thời tích cực vận động, xây dựng và ký kết các điều ước quốc tế trong khuôn khổ của WMO và với các nước thành viên có trình độ khoa học, công nghệ tiên tiến về khí tượng thủy văn nhằm tăng cường năng lực thu thập thông tin khí tượng, thủy văn và biến đổi khí hậu, khả năng dự báo, đặc biệt là khả năng dự báo các hiện tượng thời tiết, khí hậu, thủy văn nguy hiểm như bão, lũ, mưa lớn, lũ quét, mưa đá, biến đổi khí hậu, hạn hán.
Ngày 23/5, đoàn đã có các cuộc tiếp xúc song phương với các đoàn Canada, Trung Quốc, và các công ty thiết bị hàng đầu về khí tượng, thủy văn.
Ngày 24/5, đoàn đã có các buổi làm việc với các đoàn đại biểu Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, và Hoa Kỳ.
Nội dung chủ yếu là thiết lập, củng cố mối quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và các nước; học hỏi kinh nghiệm nhằm phục vụ tiến trình hiện đại hóa ngành khí tượng thủy văn của Việt Nam. Qua tiếp xúc, các đối tác đều đánh giá tốt thành quả của Việt Nam thời gian qua và bày tỏ mong muốn tăng cường quan hệ hợp tác với Việt Nam về khí tượng thủy văn trong thời gian tới.
Tại đại hội, đoàn Việt Nam cũng đã thể hiện mong muốn những điểm mạnh, vai trò điều phối của WMO trong các hoạt động khí tượng thủy văn trên thế giới tiếp tục được tăng cường thông qua các quyết định cụ thể về hoạt động của WMO trên từng lĩnh vực, từng chương trình.
Việt Nam cũng mong nhận được sự hỗ trợ về mặt khoa học kỹ thuật để tăng cường quản lý, đánh giá, giám sát và tăng mức độ tin cậy trong việc dự báo các hiện tượng khí tượng thủy văn nguy hiểm, các tác động của biến đổi khí hậu đối với Việt Nam; tăng cường các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu hướng tới một nền kinh tế phát triển bền vững.
Thứ trưởng Trần Hồng Hà cho biết Việt Nam hiện vẫn là nước đang phát triển, có thu nhập thấp, trình độ công nghệ chưa cao lại thường xuyên chịu ảnh hưởng thiên tai có nguồn gốc khí tượng thủy văn. Do tính chất của WMO là tổ chức phi lợi nhuận, hướng tới sự an toàn, cuộc sống tốt đẹp hơn của con người, của tất cả các quốc gia, dân tộc trên thế giới nên hợp tác về khí tượng thủy văn thông qua WMO được coi là hiệu quả và thiết thực.
Việt Nam hiện là thành viên của WMO và tham gia vào nhiều tổ chức khu vực và thế giới. Việt Nam đã gia nhập tất cả các điều ước quốc tế đã được ký kết trong khuôn khổ WMO và đã ký kết nhiều thỏa thuận song phương với các nước thành viên của WMO như Trung Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Australia, Nhật Bản, và Hàn Quốc.
Ngày 25/5, đại hội lần thứ 16 WMO đã bầu ông David Jarraud người Canada, làm Chủ tịch WMO nhiệm kỳ 2011-2015. Ông Jarraud là đại diện thường trực của Canada tại WMO từ năm 2006.
Ngày 24/5, đại hội đã bầu lại ông Michel Jarraud làm Tổng thư ký tổ chức này. Ông Michel Jarraud đã giữ chức vụ này từ năm 2004.
Tại hội nghị, đề xuất khung toàn cầu về dịch vụ khí hậu là chủ đề thu hút sự quan tâm và ủng hộ của nhiều nước. Đề xuất này nhằm cung cấp thông tin khoa học về khí hậu cho các nước nghèo và các nước đang phát triển có nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu, giúp họ hiểu biết và thích ứng với các nguy cơ không thể tránh được do biến đổi khí hậu gây ra.
Hơn 50 nước và các tổ chức quốc tế đã ủng hộ đề nghị này. Na Uy cam kết cung cấp 2,5 triệu USD xây dựng năng lực cho các nước đang phát triển có nguy cơ cao trước biến đổi khí hậu. Ấn độ hứa tài trợ 125.000 USD.
Đại hội sẽ kết thúc vào ngày 3/6./.