Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và phóng viên TTXVN thường trú tại các địa phương, tính đến 20 giờ ngày 26/6, bão số 2 đã làm 16 người thiệt mạng, tăng 6 người so với ngày 25/6; 4 người mất tích; 63 người bị thương.
Cảnh toan hoang sau trận lốc xoáy ở Hải Phòng. (Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN) |
Tổng số diện tích lúa bị ngập úng, bị đổ ở các tỉnh Bắc Bộ và miền Trung là 10.150ha, tăng 7.335ha so với báo cáo ngày 25/6. Diện tích hoa màu bị ngập 4070ha, mạ bị trôi, ngập úng 2.314,4ha.
Dự báo sáng 27/6, mực nước hạ lưu sông Cả tại Nam Đàn có khả năng lên 6,5m, dưới báo động 2 0,4m sau đó còn tiếp tục lên. Vì vậy, tỉnh Nghệ An cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương có Công điện số 16 gửi Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An và Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh cùng Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão các Bộ Quốc phòng; Công an, Giao thông Vận tải chỉ đạo đối phó với lũ.
Ban chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh đã triển khai các biện pháp đối phó với hoàn lưu bão số 2, như tổ chức triển khai phương án phòng chống lũ đảm bảo an toàn đê điều theo các cấp báo động; cử các đoàn công tác đi kiểm tra công tác phòng, chống lụt, bão, khắc phục hậu quả của các địa phương, tổ chức tìm kiếm người mất tích, thăm, hỏi động viên, hỗ trợ những gia đình có người chết, thiệt hại về tài sản; chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho các tuyến đê xung yếu, tăng cường tuần tra canh gác, chuẩn bị lực luợng, vật tư, phương tiện sẵn sàng xử lý ngay giờ đầu các sự cố đê, các công trình đê điều, hồ đập đang thi công; thu hoạch lúa đông xuân, tiêu nước đệm, sẵn sàng bơm tiêu chống úng, ngập, phối hợp với biên phòng quản lý chặt chẽ tàu thuyền.
Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương yêu cầu các địa phương tiếp tục tăng cường chỉ đạo, huy động lực lượng tổ chức thu hoạch diện tích lúa chín; chủ động tiêu úng, phân công trực 24/24 giờ các cống tiêu trạm bơm tiêu nước cho diện tích lúa, hoa màu bị ngập, đổ; bằng mọi biện pháp bảo vệ diện tích mạ, lúa mới cấy vụ mùa.
Các địa phương cũng chuẩn bị đủ giống các loại để đảm bảo gieo trồng hết diện tích vụ mùa, mạ gieo bổ sung dùng giống ngắn ngày để đảm bảo diện tích gieo trồng vụ Đông, cử cán bộ xuống các địa bàn, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, trực tiếp chỉ đạo đối phó với mưa lũ, khắc phục hậu quả, thăm hỏi, động viên và hỗ trợ người dân bị thiệt hại, tổ chức vệ sinh môi trường, khôi phục sản xuất, ổn định đời sống./.