Chiều 22/6, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa Hồ Gươm, tiến sỹ Bùi Quang Tề, Trưởng nhóm chữa trị rùa hồ Gươm cho biết sau 4 lần phân tích mẫu bệnh phẩm của rùa hồ Gươm (lần cuối cùng vào ngày 30/5 vừa qua), kết quả cho thấy rùa hồ Gươm đã hoàn toàn bình phục.
Chiều 22/6, tại cuộc họp của Ban chỉ đạo khẩn cấp bảo vệ rùa Hồ Gươm, tiến sỹ Bùi Quang Tề, Trưởng nhóm chữa trị rùa hồ Gươm cho biết sau 4 lần phân tích mẫu bệnh phẩm của rùa hồ Gươm (lần cuối cùng vào ngày 30/5 vừa qua), kết quả cho thấy rùa hồ Gươm đã hoàn toàn bình phục.
Đến nay, rùa hồ Gươm đã chịu đựng được nước hồ, không còn có tác nhân gây bệnh, vết thương không xuất hiện - ông Tề cho biết thêm.
Để chuẩn bị đưa rùa hồ Gươm trở lại hồ trong môi trường tự nhiên, ông Nguyễn Văn Khôi - Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị liên quan mở rộng không gian bể điều dưỡng lên diện tích 30x30m, cao 1,8m thay cho bể cũ có kích thước 10x10m mà hiện nay rùa hồ Gươm đang sống tại đó.
Chi cục Thủy sản Hà Nội tiếp tục thả cá làm thức ăn cho rùa. Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đẩy nhanh tiến độ cải tạo môi trường Hồ Gươm đảm bảo các yếu tố thủy sinh, nhiệt độ, vi lượng... Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Hà Nội có trách nhiệm làm dự thảo quy chế quản lý khu vực hồ Gươm để trình Ủy ban Nhân dân thành phố thông qua vào tháng 8/2011.
Ngày 3/4, rùa hồ Gươm được đưa vào bể điều trị đặt ngay tại chân Tháp Rùa để chữa trị các vết thương. Từ đó đến nay, nhóm chữa trị rùa hồ Gươm đã ứng trực 24/24 giờ tại khu vực chữa trị để đảm bảo quá trình theo dõi, chăm sóc, chữa trị được an toàn. Cùng với đó, Công ty Thoát nước và Tổng công ty Đầu tư, phát triển hạ tầng đô thị thực hiện nạo vét bùn trong hồ.
Mới đây, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đồng ý cho phép Công ty Thoát nước Hà Nội phối hợp cùng chuyên gia Đức tiếp tục triển khai nạo vét thí điểm bùn hồ Gươm bằng công nghệ của Cộng hoà Liên bang Đức, nhằm đẩy nhanh tiến độ làm sạch hồ Gươm./.
TTXVN/Vietnam+