Vụ “bắt tay nới lỏng chấm thi tốt nghiệp THPT”: Kiểm điểm, xử lý tập thể và cá nhân sai phạm

10:06, 26/06/2011

Ngày 24-6, Bộ GD-ĐT đã có công văn chính thức gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành liên quan trong vụ “bắt tay nới lỏng chấm thi tốt nghiệp THPT” để đề nghị phối hợp xử lý sai phạm trong chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2011.

Ngày 24-6, Bộ GD-ĐT đã có công văn chính thức gửi chủ tịch UBND các tỉnh thành liên quan trong vụ “bắt tay nới lỏng chấm thi tốt nghiệp THPT” để đề nghị phối hợp xử lý sai phạm trong chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2011.

Trong công văn này, Bộ GD-ĐT coi việc lãnh đạo các hội đồng chấm thi An Giang, Bạc Liêu, Cà Mau, Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Long An, Kiên Giang, Sóc Trăng, Trà Vinh và Vĩnh Long tham gia cuộc họp đã xây dựng văn bản thống nhất hướng dẫn chấm thi các môn tự luận, khác với văn bản hướng dẫn chấm thi của bộ và cho lưu hành văn bản này ở một số hội đồng chấm thi trong vùng là điều đáng tiếc.

Nhiều sở chưa tâm phục

Bộ GD-ĐT khẳng định việc làm này trái với quy chế thi, không đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, gây ra sự lo lắng cho học sinh và gia đình, gây bức xúc trong xã hội. Đây là việc làm sai của một số lãnh đạo và cán bộ chấm thi của các hội đồng chấm thi trong vùng. Vì vậy, Bộ GD-ĐT đề nghị chủ tịch UBND các tỉnh thành ở khu vực trên chỉ đạo ban chỉ đạo thi cấp tỉnh và giám đốc sở GD-ĐT tổ chức kiểm điểm, xử lý các tập thể, cá nhân có sai phạm và thông báo kết quả về Bộ GD-ĐT trước ngày 31-7. Bộ GD-ĐT cũng thông báo quyết định công nhận kết quả chấm thi và xét tốt nghiệp của 11 sở GD-ĐT vùng ĐBSCL.

Tiếp nhận thông tin này, giám đốc các sở GD-ĐT tại khu vực ĐBSCL cho biết họ thống nhất với quyết định không chấm lại bài thi của thí sinh khu vực này. Ông Trần Việt Hùng - giám đốc Sở GD-ĐT Sóc Trăng - cho rằng quyết định này là cần thiết để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, các em cần ổn định tinh thần để chuẩn bị kỳ thi tuyển sinh quan trọng sắp tới. Ông Hùng cho biết tuy tỉ lệ tốt nghiệp Sóc Trăng có tăng so với năm trước nhưng hầu hết các địa phương khác trong cả nước cũng tăng, nên chưa thể khẳng định có sự tác động của việc nới lỏng chấm thi từ hướng dẫn chấm của các tỉnh ĐBSCL.

Ông Thái Văn Long, giám đốc Sở GD-ĐT Cà Mau, cho rằng: “Nếu có một động thái nào đó mà ảnh hưởng đến kỳ thi vào các trường ĐH, CĐ của các em thì không hay. Trong thời điểm hiện nay, tôi cho rằng quyết định của bộ là rất đúng đắn và cần thiết”. Đồng tình với ý kiến trên, ông Ninh Thành Viên - phó giám đốc Sở GD-ĐT Kiên Giang - cho rằng nếu có sai sót trong chuyện này là chuyện của các thầy chứ không phải của học sinh, nên việc công nhận kết quả và không chấm lại bài thi là điều cần thiết.

Tốp cuối tăng vọt

Tuy không được Bộ GD-ĐT phân tích kỹ, nhưng khu vực miền núi phía Bắc năm nay có tỉ lệ tốt nghiệp tăng vọt. Duy nhất một tỉnh ở mức dưới 90% (Bắc Kạn), còn tất cả đều ở mức trên 91%. Tăng rõ rệt ở các tỉnh từng đứng cuối bảng xếp hạng các năm trước là Điện Biên (95,65% hệ THPT và 91,17% hệ giáo dục thường xuyên), Cao Bằng (93,73% THPT và 94,18% giáo dục thường xuyên), Sơn La (97,9% THPT và 98,32% giáo dục thường xuyên). Đặc biệt, tỉnh Tuyên Quang đã vọt lên vị trí thứ 3 với 96,76% hệ THPT, hệ giáo dục thường xuyên của tỉnh này cũng cao ngất với 99,62%.
 
Tuy nhiên, ông Viên cho rằng: “Việc Bộ GD-ĐT kết luận hướng dẫn chấm của 11 tỉnh thành ĐBSCL là sai, theo tôi, cần phải xét trên hai phương diện quản lý và chuyên môn. Về quản lý, cuộc họp thống nhất này đã được Bộ GD-ĐT cho phép chứ không phải các sở tự ý ngồi lại với nhau. Do đó có thể nói các sở làm không sai”.

Tương tự, ông Bùi Văn Dũng - giám đốc Sở GD-ĐT Hậu Giang - chưa hoàn toàn thống nhất với kết luận của Bộ GD-ĐT. Ông Dũng cho rằng kết luận hướng dẫn chấm của 11 tỉnh thành ĐBSCL sai so với hướng dẫn của bộ là chưa thỏa đáng.

“Chỉ căn cứ vào bản thỏa thuận chấm thi của các tỉnh ĐBSCL, bộ kết luận sai, nhiều tỉnh nới lỏng nhưng lại không đưa ra các dẫn chứng cụ thể. Tỉnh nào sai, nới lỏng chỗ nào, nới lỏng làm tăng bao nhiêu phần trăm? Bài thi vẫn còn đó, điểm số vẫn như thế, lẽ ra với vai trò của mình bộ cần chấm thanh tra bài thi ngẫu nhiên với xác suất nhất định để xem kết quả thay đổi thế nào rồi hãy đưa ra kết luận” - ông Dũng nói.

Giám đốc một sở GD-ĐT đề nghị không nêu tên cho rằng: “Để chấn chỉnh và trả lời “hai không” có phá sản hay không thì bộ nên chấm lại ở những tỉnh có tỉ lệ đậu tốt nghiệp từ 92% trở lên”.

Đông Nam bộ thấp nhất

Cũng trong hôm qua, Bộ GD-ĐT đã có văn bản chính thức báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về kỳ thi tốt nghiệp THPT. Trong văn bản này, Bộ GD-ĐT nhìn nhận việc 11 hội đồng chấm thi các tỉnh thành ĐBSCL soạn thảo và cho lưu hành hướng dẫn chấm thi các môn tự luận khác với hướng dẫn chấm thi như nêu trên là một khuyết điểm.

Bên cạnh đó, bộ cũng chính thức công bố kết quả tốt nghiệp THPT năm 2011 với tỉ lệ tốt nghiệp toàn quốc là 95,72%, tăng 3,15% so với năm 2010. Tỉ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên là 85,47%, tăng 18,76% so với năm 2010. Dù tỉ lệ chung tăng nhưng nhìn vào tương quan giữa các khu vực trên cả nước vẫn thấy có sự chênh lệch. Tám tỉnh đồng bằng Bắc bộ tiếp tục có tỉ lệ tốt nghiệp bình quân 99,52%, cao nhất nước (năm 2010 là 99,14%).

Các tỉnh Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Bắc Ninh... là những tỉnh nhiều năm qua có tỉ lệ tốt nghiệp cao dù mức tăng giữa các năm không nhiều. Vượt lên năm nay ở khu vực này là Ninh Bình (99,78%). Hà Nội có tỉ lệ tốt nghiệp 97,79%, xếp hạng 20 so với toàn quốc, nhưng đây là tỉ lệ khả quan nhất từ khi Hà Nội hợp nhất. Ở hệ giáo dục thường xuyên, tỉ lệ tốt nghiệp bình quân của khu vực đồng bằng Bắc bộ cũng cao nhất (99,66%). Trong đó có nhiều tỉnh sát nút 100% như Nam Định, Ninh Bình, Bắc Ninh, Hải Dương...

Khu vực có tỉ lệ tốt nghiệp THPT bình quân thấp nhất cả nước năm nay vẫn là các tỉnh Đông Nam bộ với 90,73% và ĐBSCL với 90,81%. Tương tự, ĐBSCL là khu vực có tỉ lệ tốt nghiệp hệ giáo dục thường xuyên thấp nhất cả nước với 67,26%. Tuy so với năm 2010 tỉ lệ tốt nghiệp bình quân của khu vực ĐBSCL đã tăng đáng kể, đặc biệt ở hệ giáo dục thường xuyên tăng đến 36,67% với vụ lùm xùm “bắt tay” nới lỏng chấm thi ở 11 tỉnh, nhưng vẫn không thay đổi được cục diện. Đây là điều đáng lo ngại cho chất lượng giáo dục ở khu vực này.

Theo V.HÀ - M.GIẢNG - T.XUÂN (Tuoi tre)