Đúng 8 giờ 30 phút sáng nay (21-7), tại Hội trường Bộ Quốc phòng (Hà Nội), kỳ họp thứ nhất Quốc hội Khóa XIII chính thức khai mạc và bắt đầu chương trình làm việc kéo dài trong thời gian khoảng nửa tháng (21-7đến 6-8).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với ĐB bên hành lang Quốc hội khóa XII. Ảnh: Nguyễn Tuấn. |
Theo Chương trình, Tổng Bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc và điều hành các phiên họp cho đến khi bầu được Chủ tịch QH khóa mới (dự kiến chiều thứ bảy, 23-7). Tiếp đó, Phó Chủ tịch Hội đồng bầu cử Trung ương Tòng Thị Phóng trình bày Báo cáo kết quả cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có bài phát biểu với Quốc hội. Chủ tịch UB T.ƯMTTQ Việt Nam trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri cả nước trong cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIII.
Cũng trong phiên khai mạc, dự kiến Phó Thủ tướng thường trực Nguyễn Sinh Hùng trình bày Báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2011; các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm.
Buổi chiều, QH thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết về việc xác nhận tư cách đại biểu của các ĐBQH; thảo luận về dự kiến số phó chủ tịch Quốc hội và Ủy viên UBTVQH khóa XIII.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành phần lớn thời gian (11trong tổng số 15 ngày, tính cả phiên trù bị chiều 20-7) để tập trung xem xét, quyết định công tác tổ chức, nhân sự.
Thời gian còn lại QH thảo luận, thông qua Nghị quyết về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2012, thảo luận tình hình phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách và các giải pháp cho năm nay, thảo luận và thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán Ngân sách nhà nước năm 2009; xem xét, thông qua Nghị quyết về miễn giảm một số loại thuế.
Cũng tại kỳ họp, QH sẽ thảo luận, thông qua Nghị quyết về việc triển khai Nghị quyết ĐH Đảng XI và Nghị quyết T.Ư 2 khóa XI về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992.
Cử tri bất bình về tàu Trung Quốc xâm phạm chủ quyền
Đông đảo cử tri mong muốn những người được Quốc hội bầu hoặc được phê chuẩn cần có chương trình hành động gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam để theo dõi, giám sát: Đây là một nội dung kiến nghị của cử tri do Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam tổng hợp.
Theo Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, cử tri và nhân dân cả nước phấn khởi trước kết quả của Đại hội Đảng XI và những thành tựu nhiều mặt của đất nước sau 25 năm đổi mới.
Tuy nhiên, cử tri và nhân dân còn nhiều băn khoăn, lo lắng về sự phát triển chưa vững chắc của nền kinh tế; việc quản lý đất đai, khai thác tài nguyên khoáng sản có nhiều bất cập; nhiều ngành kinh tế lệ thuộc vào nước ngoài về công nghệ và nguyên, nhiên liệu; lạm phát, giá cả tiếp tục tăng cao ảnh hưởng bất lợi đến đời sống của nhân dân và sự phát triển kinh tế-xã hội; chênh lệch giàu nghèo gia tăng; tình trạng ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tội phạm, tệ nạn xã hội không giảm...
Đặc biệt, “cử tri và nhân dân rất bất bình với việc gần đây một số tàu của Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của nước ta, gây ảnh hưởng không tốt mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước”- Báo cáo cho biết.
Dự kiến chương trình công tác nhân sự (từ 21-7 đến 3-8)
Chiều 21-7: Chủ tịch QH khóa XII trình bày Tờ trình về số phó chủ tịch QH, số Ủy viên UBTVQH; QH thảo luận về nội dung này để QH biểu quyết thông qua (ngày 22-7). Ngày 22-7: Chủ tịch QH trình bày tờ trình danh sách đề cử để QH bầu chủ tịch QH, các phó chủ tịch QH và các Ủy viên UBTVQH khóa XIII.
Ngày 23-7: Bầu chủ tịch QH, các phó chủ tịch QH và ủy viên UBTVQH. Chủ tịch QH khóa XIII trình bày tờ trình danh sách đề cử để QH bầu Chủ tịch nước.
Ngày 25-7: Bầu Chủ tịch nước. Chủ tịch nước trình bày Tờ trình giới thiệu danh sách đề cử để QH bầu Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC.
Ngày 26-7: Bầu thủ tướng Chính phủ, Phó chủ tịch nước…
QH thảo luận, thông qua danh sách, tiến hành bầu và công bố kết quả bầu Phó chủ tịch nước, Thủ tướng, Chánh án TANDTC, Viện trưởng Viện KSNDTC.
Ngày 27 đến 29-7: QH thảo luận, quyết định số phó chủ tịch và số ủy viên Hội đồng dân tộc, số phó chủ nhiệm và số ủy viên của mỗi ủy ban của QH...
Ngày 1 đến 3-8: Thảo luận và thông qua Nghị quyết về cơ cấu tổ chức Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị QH phê chuẩn việc bổ nhiệm các phó thủ tướng, các bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ. QH thảo luận, bỏ phiếu phê chuẩn và thông qua Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các chức danh này.
Thủ tướng thay mặt Chính phủ khóa mới phát biểu nhậm chức. QH bỏ phiếu phê chuẩn và thông qua Nghị quyết phê chuẩn danh sách phó chủ tịch và ủy viên Hội đồng Quốc phòng và an ninh (theo Tờ trình đề nghị của Chủ tịch nước).