Số vụ Mỹ thu hồi sản phẩm trẻ em sản xuất tại Việt Nam tăng cao trong năm ngoái do vi phạm quy định của Mỹ về an toàn sản phẩm tiêu dùng, theo một quan chức của Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (U.S. Consumer Product Safety Commission - CPSC).
May mặc chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ. Hình: Thu Nguyệt |
Ông Jeffrey G. Hilsgen, Giám đốc khu vực châu Á – Thái Bình Dương của CPSC, cho biết tại cuộc gặp gỡ doanh nghiệp Việt Nam ở TPHCM hôm 11-8 rằng trong năm 2010 có 18 sản phẩm trẻ em do Việt Nam sản xuất bị thu hồi tại Mỹ, tăng cao kỷ lục. Từ đầu năm nay đến ngày 4-8-2011, đã có 7 sản phẩm trẻ em của Việt Nam bị Mỹ thu hồi. Trong khi trước đó, trung bình chỉ có khoảng 8-9 vụ/năm.
Theo CPSC, các sản phẩm trẻ em của Việt Nam bị thu hồi chủ yếu là giường, giường cũi do có những chi tiết dễ gây tổn thương cho trẻ em, hay quần áo do có hàm lượng chì vượt quá quy định hoặc dây áo có thể gây ngạt thở cho trẻ.
Phạm luật an toàn sản phẩm
Các trường hợp trên cũng tương tự như các vụ thu hồi sản phẩm trẻ em tại Mỹ trong thời gian gần đây. Từ tháng 10-2010 đến tháng 3-2011, có 65 vụ thu hồi sản phẩm trẻ em tại Mỹ, trong đó có 47 sản phẩm được sản xuất tại Trung Quốc. Trong thời gian này, sản phẩm trẻ em bị thu hồi nhiều nhất tại Mỹ là quần áo (19 vụ) tiếp đến là đồ chơi (11 vụ), và giường cũi cho trẻ (9 vụ), do vi phạm điều luật cải thiện an toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (U.S. Consumer Product Safety Improvement Act - CPSIA).
Quy định này được ban hành từ năm 2008, ngay sau khi số lượng hàng Trung Quốc bị thu hồi tại Mỹ do độc hại cho trẻ tăng đến đỉnh điểm trong 2008. CPSIA quy định về hàm lượng chì, chất Phthalate, việc dán nhãn giúp truy xuất nguồn gốc, và chứng nhận an toàn do các phòng thí nghiệm cấp, đối với sản phẩm dành cho trẻ từ 12 tuổi trở xuống.
Ngoài ra, người tiêu dùng Mỹ cũng báo cáo với Ủy ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) qua website www.saferproducts.gov về những sản phẩm đã gây hại hoặc bị nghi có khả năng gây hại cho trẻ em.
Với quy định này, quần áo có các chi tiết dây, như các loại áo có dây thắt ngang cổ, dây rút trên mũ trùm, bị cấm hoàn toàn tại Mỹ. Ngoài ra, các dây thắt lưng cho quần áo trẻ phải được may cố định để không gây ngạt, hay quấn quanh cổ trẻ, và quần áo trẻ cũng không có những chi tiết như hạt đính có thể bị trẻ nuốt phải,…
Theo ông Richard W. O’Brien, Giám đốc Văn phòng chương trình quốc tế và vấn đề liên chính phủ thuộc CPSC, không phải nhà nhập khẩu nào của Mỹ cũng nắm được hết các quy định trên. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam nên nắm các quy định này và báo cho nhà nhập khẩu Mỹ biết nếu được đặt làm các sản phẩm vi phạm.
“Doanh nghiệp Việt Nam phải là chuyên gia để là nhà xuất khẩu có uy tín thay vì chỉ chú trọng đến việc chào giá rẻ nhất”, ông Richard nói.
Luật mới về an toàn sản phẩm
Trong hai tuần rồi, Quốc hội Mỹ đã thông qua sửa đổi điều chỉnh điều luật trên và dự kiến Tổng thống Barack Obama sẽ ký ban hành. Theo đó, sẽ có một số thay đổi về quy định an toàn trong sản phẩm cho trẻ em trong thời gian tới.
Ông Richard W. O’Brien cho rằng quy định mới này sẽ có một số thay đổi mà doanh nghiệp Việt Nam nên quan tâm, đặc biệt là các nhà sản xuất sản phẩm nhựa.
Cụ thể, trước đây sản phẩm có chứa chất Phthalate (một chất dùng rộng rãi trong ngành nhựa để tạo tính mềm dẻo và độ bền chắc cho sản phẩm) bị cấm hoàn toàn tại Mỹ. Tuy nhiên, quy định mới vẫn cho phép lưu hành sản phẩm có Phthalate với điều kiện phần có chứa chất này phải nằm kín bên trong và trẻ không tiếp xúc được.
Ngoài ra, theo quy định trước đây, từ ngày 14-8-2011, những sản phẩm tiêu dùng của trẻ em bán tại Mỹ sẽ bị cấm nếu có hàm lượng chì vượt quá 100ppm (khá thấp so mức quy định tối đa 300ppm có hiệu lực từ tháng 8-2009). Theo quy định mới, chỉ những sản phẩm sản xuất từ ngày 14-8 trở về sau mới bị áp mức 100ppm này.
Ông Richard O’brien cho biết đã nhận được nhiều phản hồi về việc quy định an toàn CPSIA gây tốn kém và chậm trễ trong việc giao hàng. Tuy nhiên, CPSC đã có một số linh hoạt để giúp đơn giản hoá việc thực hiện quy định. Chẳng hạn như, nếu nhà sản xuất sợi dây kéo trong quần áo, hoặc nút áo đã từng đi kiểm nghiệm sản phẩm của họ và cam kết thực hiện đúng tiêu chuẩn của CPSC thì doanh nghiệp may mặc của Việt Nam không cần phải kiểm tra phần này.
*Hiện trong website của Uỷ ban an toàn sản phẩm tiêu dùng Mỹ (CPSC) có phần phần dịch ra tiếng Việt Nam.
Xuất khẩu Việt Nam qua Mỹ trong năm 2010 đạt trên 14,2 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước, chiếm gần 20% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Trong đó, dệt may chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam qua Mỹ, và da giày chiếm 10%.
(TBKTSG Online)