Thống nhất nguồn vốn, nâng cấp các tuyến đường chở bô-xít

04:08, 31/08/2011

Khi hình thành các dự án sản xuất A-lu-min Lâm Đồng và Nhân Cơ, một vướng mắc xảy ra là các tuyến đường phục vụ cho vận chuyển nhôm chưa đáp ứng yêu cầu.

Khi hình thành các dự án sản xuất A-lu-min Lâm Đồng và Nhân Cơ, một vướng mắc xảy ra là các tuyến đường phục vụ cho vận chuyển nhôm chưa đáp ứng yêu cầu.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) và Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã thống nhất đề xuất trình Chính phủ phương án sử dụng xe 25 tấn để vận chuyển, nhưng vấn đề quan trọng nhất là nguồn vốn để nâng cấp tuyến đường thì... chưa tìm được tiếng nói chung.

Theo kế hoạch, từ tháng 9 tới, Tập đoàn Vinacomin sẽ tiến hành chạy thử liên động tổ hợp bô-xít nhôm Tân Rai (Lâm Đồng). Cuối năm 2011, nhà máy sẽ đi vào hoạt động, sản phẩm A-lu-min đạt khoảng 20%, đến năm 2013 sẽ đạt 100% công suất. Khối lượng vận chuyển hai chiều năm nay khoảng 135 nghìn tấn, năm 2012 đạt 935 nghìn tấn và năm 2013 đạt hơn 1,3 triệu tấn. Dự án Nhà máy A-lu-min Nhân Cơ (Đác Nông), theo kế hoạch đến năm 2013 sẽ đi vào hoạt động (50% công suất), đến năm 2015 sẽ đạt 100% công suất. Khối lượng phải vận chuyển cả hai chiều năm 2013 khoảng 670 nghìn tấn, năm  2014  đạt  935  nghìn tấn   và năm 2015 đạt hơn 1,3 triệu tấn. Theo tính toán của Vinacomin, nếu sử dụng xe năm trục theo tiêu chuẩn có tổng tải trọng 30 - 40 tấn, đến năm 2013, từ cảng Gò Dầu chở nguyên vật liệu lên Tân Rai sẽ có khoảng 75 - 90 chuyến/ngày đêm, tương ứng 16 - 19 phút/chuyến. Còn từ Tân Rai chở A-lu-min về cảng Gò Dầu khoảng 80 - 100 chuyến/ngày đêm. Nếu sử dụng xe 25 tấn, mỗi ngày sẽ có khoảng 100 - 150 chuyến. Năm 2012, lượng xe lưu thông chỉ bằng khoảng 50% lưu lượng trên (chiều lên khoảng 32 - 38 phút/chuyến, chiều xuống khoảng 30 - 36 phút/chuyến). Các tháng cuối năm nay mới tiến hành chạy thử nhà máy, nên lượng xe lưu thông còn thấp hơn.

Theo Sở GTVT tỉnh Đồng Nai, lượng xe lưu thông trên quốc lộ 20 đoạn qua Đồng Nai hiện tại đạt hơn 15 nghìn lượt/ngày đêm, trên quốc lộ 51 hơn 25 nghìn lượt/ngày đêm. Lượng xe lưu thông của dự án A-lu-min Lâm Đồng trên địa bàn tỉnh là không đáng kể, đến năm 2013 mới chiếm khoảng 1,2% (trên quốc lộ 20) và 0,7% (trên quốc lộ 51).

Ngày 22-8, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án bảo đảm giao thông, sửa chữa và cải tạo các tuyến đường phục vụ phát triển ngành công nghiệp nhôm khi chưa có cảng Kê Gà. Theo đó, đối với phương án sử dụng xe 25 tấn, đầu tư tỉnh lộ ĐT 725 đoạn từ Tân Rai đến Bảo Lộc, tổng kinh phí ước tính khoảng 179 tỷ đồng, tuyến tỉnh lộ ĐT 769 đoạn từ Dầu Giây đến Long Thành phải kiểm định lại cầu An Viễn và tăng cường kết cấu đường với tổng kinh phí ước tính 304 tỷ đồng. Đối với quốc lộ 20, đoạn từ Bảo Lộc đến Dầu Giây, Bộ GTVT cho biết, tuyến này đã nằm trong dự án khôi phục, cải tạo quốc lộ 20 nối tỉnh Đồng Nai đến Lâm Đồng đã được Thủ tướng đồng ý triển khai đầu tư theo hình thức BT. Tuy nhiên, để hoàn tất thủ tục và lựa chọn nhà đầu tư theo quy định hiện hành, phải đến cuối năm 2012 mới khởi công và hoàn thành vào đầu năm 2014; riêng cầu La Ngà và cầu Gia Đức cuối năm 2014 mới hoàn thành. Vì vậy, Bộ GTVT đề nghị lập thành tiểu dự án (sử dụng nguồn vốn sửa chữa đường bộ do Chính phủ cấp bổ sung) bảo đảm giao thông cho quốc lộ 20, tổng kinh phí ước tính 553 tỷ đồng. Việc triển khai thiết kế, thi công hoàn thành công trình trên đưa vào khai thác sớm nhất cũng phải đến tháng 8-2012. Vì vậy, để bảo đảm công tác vận chuyển được an toàn, thông suốt, cần gấp rút triển khai công tác bảo đảm giao thông khẩn cấp, sửa chữa ngay các vị trí xung yếu, hư hỏng cục bộ trên các tuyến, kiểm định và sửa chữa, tăng cường các cầu La Ngà, Gia Đức.

Bộ GTVT cũng kiến nghị Chính phủ cho phép triển khai sớm các dự án sửa chữa, cải tạo các tuyến ĐT 725, ĐT 769, kiểm định, sửa chữa gia cố các cầu phục vụ vận chuyển ngành công nghiệp nhôm. Yêu cầu Vinacomin ứng trước vốn cho các chủ đầu tư (Sở GTVT Lâm Đồng và Đồng Nai) để triển khai thực hiện. Trường hợp Vinacomin chưa bố trí được vốn, đề nghị Thủ tướng cho phép triển khai sửa chữa, cải tạo hai tuyến đường này theo hình thức BT đặc thù, giao nhiệm vụ trực tiếp cho các nhà thầu đủ năng lực và huy động mọi nguồn lực để thi công trước, Vinacomin sẽ cam kết trả sau cả gốc và phần lợi nhuận hợp lý. Đồng  thời, cho lập tiểu dự án bảo đảm giao thông quốc lộ 20 và đề nghị Chính phủ giao Vinacomin ứng trước vốn để Tổng cục Đường bộ Việt Nam triển khai sớm công tác kiểm định và gia cường hai cầu yếu La Ngà, Gia Đức do nguồn vốn bố trí kế hoạch năm 2011 cho Bộ GTVT rất khó khăn.

Như vậy, có thể thấy, để đầu tư, nâng cấp các tuyến đường theo phương án sử dụng xe 25 tấn, tổng kinh phí đã lên tới hơn 1.000 tỷ đồng và Bộ GTVT có "dự định" đề nghị Chính phủ để Vinacomin chịu trách nhiệm lo nguồn vốn này. Tuy nhiên, Phó Tổng Giám đốc Vinacomin Dương Văn Hòa cho biết, với nguồn vốn khổng lồ như thế, Tập đoàn không đủ khả năng ứng vốn để nâng cấp, cải tạo các tuyến đường tỉnh lộ và quốc lộ 20. Chiều 25-8, Vinacomin đã có báo cáo khẩn gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu việc đầu tư nâng cấp các tuyến đường là cần thiết, nhưng Vinacomin không phải chủ đầu tư các dự án giao thông, cho nên không thể lo được về vốn. Trong tổng đầu tư các dự án bô-xít nhôm, không xem xét về vấn đề vận tải ngoài, vì thế, việc tìm nguồn vốn nâng cấp đường đối với Vinacomin là bất khả thi. Mặt khác, theo lập luận của Vinacomin, xe phục vụ chuyên chở quặng bô-xít chỉ chiếm 1-2% tổng trọng tải xe lưu thông trên các tuyến này, vì thế không thể bắt Vinacomin bỏ tiền đầu tư nâng cấp, sửa chữa toàn bộ các tuyến đường bộ quốc gia, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội cho toàn vùng. Để chuyên chở quặng, Vinacomin sẽ sử dụng xe theo đúng trọng tải quy định 25 tấn và yêu cầu các đơn vị vận chuyển thực hiện. Vì vậy, Vinacomin đề nghị Thủ tướng quyết định cuối cùng về nguồn vốn đầu tư, nâng cấp các tuyến đường này, có thể huy động từ nhiều nguồn.

Bên nào cũng có những lý lẽ, lập luận riêng để bảo vệ cho mình, còn hiện tại, các tuyến đường đang xuống cấp trầm trọng và thật sự cần thiết phải đầu tư nâng cấp để bảo đảm an toàn giao thông, môi trường cho người dân trong vùng. Tuy nhieân, trong điều kiện khó khăn về nguồn vốn như hiện nay, đề xuất để Vinacomin đảm nhận lo nguồn vốn hơn 1.000 tỷ đồng của Bộ GTVT có phần chưa thật sự hợp lý. Vì vậy, Bộ GTVT, Vinacomin cũng như các địa phương trong vùng cần đồng lòng, chung tay góp sức, phát huy ở mức cao nhất khả năng của mình tìm nguồn vốn, đồng thời đề xuất Thủ tướng các cơ chế đặc thù nhằm kêu gọi, thu hút nguồn vốn từ bên ngoài đầu tư các tuyến đường, bảo đảm chất lượng, phục vụ lâu dài mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội các địa phương cũng như ngành công nghiệp nhôm của đất nước.
 
(Theo Nhân dân)