Quảng Nam: Mưa lớn gây ngập úng trên diện rộng

09:09, 25/09/2011

Do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc tràn vào kết hợp với áp thấp nhiệt đới trong các ngày qua và nay đã mạnh lên thành bão số 4, những ngày qua, tỉnh Quảng Nam đã có mưa to đến rất to.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh từ phía Bắc tràn vào kết hợp với áp thấp nhiệt đới trong các ngày qua và nay đã mạnh lên thành bão số 4, những ngày qua, tỉnh Quảng Nam đã có mưa to đến rất to. Tính đến chiều ngày 25/9, lượng mưa trung bình đo được từ 250 mm - 300 mm; có nơi trên 400 mm như TP.Hội An, TP.Tam Kỳ, huyện Duy Xuyên, các huyện miền núi như Nam Trà My, Đông Giang….

 

 Nhà nhiều hộ dân ở phường Hòa Thuận ngập sâu trong nước

Tại TP Tam kỳ, mưa to đã làm cho nhiều nhà dân phường Hòa Thuận ngập sâu trong nước; hàng chục hộ dân xóm Cồn Thị, phường Phước Hòa sống ngay sát sông Tam Kỳ cũng bị nước sông dâng cao gây ngập sâu. Trong khi đó, nhiều tuyến đường trong nội ô TP như Phan Bội Châu, Trần Qúy Cáp, Hùng Vương, Nguyễn Chí Thanh... bị ngập sâu từ 30-40 cm, nhiều xe máy, xe ô tô bị chết máy trên đường gây ách tắt giao thông nhiều giờ liền. Đặc biệt, trên quyết Quốc lộ 1A (đoạn qua trước cây xăng Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) bị ngập sâu trong nước từ 30-40 cm khiến cho nhiều xe tải, xe khách đường dài bị ách tắt.

Cũng do mưa to, nước từ thượng nguồn các sông đổ về làm nhiều diện tích lúa vụ Thu đông của nông dân Quảng Nam ngập sâu trong nước. Theo Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam hiện toàn tỉnh còn hơn 2 nghìn héc ta lúa hè thu trà cuối chưa thu hoạch, tập trung chủ yếu tại huyện Điện Bàn, Thăng Bình, Phú Ninh. Để giảm thiệt hại, mặc dù mưa to nhưng các địa phương đã huy động các lực lượng cùng hàng nghìn nông dân ra đồng để khẩn trương thu hoạch số lúa bị ngập úng với phương châm "xanh nhà hơn già đồng"...

Hiện mưa to đã làm cho mực nước trên sông Vu Gia - Thu Bồn ở huyện Điện Bàn, huyện Đại Lộc đang ở mức báo động 2; các sông còn lại đang ở mức báo động 1 và tiếp tục dâng cao. Do vậy, các hộ dân nuôi tôm thẻ chân trắng ven sông Trường Giang, sông Bàn Thạch của TP.Tam Kỳ, huyện Núi Thành và một số địa phương khác cũng đang khẩn trương thu dọn nhanh máy móc, thiết bị nuôi tôm tránh thiệt hại.

Trong khi đó, tại khu vực lòng hồ thủy điện Sông Tranh 2 ở huyện Nam Trà My vẫn còn 14 hộ dân đang sinh sống ngay trong lòng hồ vẫn chưa chịu di dời; lý do 14 hộ dân này chưa thống nhất được mức hỗ trợ, bồi thường do các đơn vị liên quan đưa ra. Theo ông Lê Ngọc Kích- Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My nếu mưa lớn còn diễn ra thì huyện sẽ sử dụng phương án dùng tàu, thuyền vào khu vực 14 hộ dân đang sinh sống yêu cầu di dời, nếu người dân không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế đưa ra khu vực an toàn nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân.

 

 Nhiều tuyến đường ở nội ô TP Tam Kỳ cũng chìm trong nước

Đối với số tàu thuyền hoạt động trên biển, theo báo cáo của Ban chỉ huy Bộ đội Biên phòng  (BĐBP) tỉnh Quảng Nam, đến 10 giờ trưa 25/9, tổng số tàu thuyền đang hoạt động trên biển là 79 tàu/1.687 lao động. Đặc biệt, tại khu vực quần đảo Hoàng Sa có 12 tàu/155 lao động đang trú gió gần các đảo; khu vực xã đảo Cù Lao Chàm, TP.Hội An có 19 tàu vận tải/116 thuyền viên và 3 tàu cá/21 lao động của TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi cũng đang tránh gió tại đây.

Được biết, đối với 12 tàu đang ở khu vực quần đảo Hoàng Sa, Bộ tư lệnh BĐBP đang kiến nghị cơ quan chức năng làm việc với phía Trung Quốc để tạo điện kiện cho số tàu và lao động trên các tàu vào trú bão an toàn tại các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa./.

Theo Đình Tăng (ĐCSVN)