Ước tính thu nhập của nhà giáo bình quân tăng thêm khoảng 465.000 đồng/người mỗi tháng kể từ hôm nay, 1/9, thời điểm nghị định về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo chính thức có hiệu lực.
Nhiều nhà giáo mong muốn Chính phủ thực hiện phụ cấp thâm niên với nhà giáo kết hợp với đa giải pháp trong đó bình ổn giá, chống lạm phát là vô cùng quan trọng.
Ông Bùi Mạnh Nhị, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ GD-ĐT cho biết, chế độ phụ cấp thâm niên còn có tác động làm tăng phần hưởng lương hưu sau này đối với nhà giáo.
Chế độ này cũng là căn cứ để các cơ sở giáo dục ngoài công lập tham khảo, hạch toán định mức tiền công đối với nhà giáo đang giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ngoài công lập.
Một giáo viên công tác giảng dạy đủ 5 năm (60 tháng) mức lương hiện hưởng 2,67 thì phụ cấp thâm niên được 295.000 đồng/tháng. Trong khi đó, giáo viên có mức lương 6,38, có 35 năm giảng dạy thì phụ cấp thâm niên được hưởng vào khoảng trên, dưới 2 triệu đồng/tháng.
Phụ cấp thâm niên này sẽ góp phần cải thiện đáng kể đời sống cho GV, đặc biệt là GV ở nông thôn, ở vùng sâu, vùng xa có nhiều cống hiến cho giáo dục.
Đời sống GV mấy năm qua, mặc dù được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là đối với GV trẻ. Mức lương 2,34 đối với GV trẻ vừa ra trường với 1,9 triệu đồng không đủ trang trải cuộc sống. Quyết định 471 ngày 30/311 của Thủ tướng Chính phủ trợ cấp cho GV lương dưới 3.0 là 250.000 đồng, đã phần nào giảm tải được khó khăn cho GV..
Còn Nghị định 54 này (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9, được tính hưởng từ ngày 1/5) vào thời điểm khai giảng năm học mới 2011-2012 sẽ là nguồn động viên đối với gần 1 triệu giáo viên.
Đây không phải lần đầu tiên Chính phủ thực hiện phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo.
Năm 1988, nhà giáo đứng trước muôn vàn khó khăn, thách thức về đời sống, khiến không ít người bỏ nghề, phụ cấp thâm niên đã làm an lòng giáo viên, ngăn chặn “làn sóng” bỏ nghề. Nhưng phụ cấp thâm niên chỉ thực hiện đến năm 1993. Sau đó, thay cho phụ cấp thâm niên là phụ cấp đứng lớp.
Theo Nghị định số 54, phụ cấp thâm niên được tính trả cùng kỳ lương hàng tháng và được dùng để tính đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Bên cạnh đó, không ít nhà giáo băn khoăn về hiệu quả của phụ cấp thâm niên với việc cải thiện đời sống. Một thực tế là khi có có bất cứ chính sách nào của Chính phủ liên quan đến tăng lương thì giá cả thị trường nhảy vọt, thậm chí có khi lương chưa tăng, giá đã tăng chóng mặt.
Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở GD-ĐT công lập và các học viện, trường, trung tâm, làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội (gọi chung là CSGD công lập) có thời gian giảng dạy, giáo dục đủ 5 năm (60 tháng) thì được tính phụ cấp thâm niên.
Nhà giáo đủ 5 năm giảng dạy, GD được tính hưởng mức phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng, cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ các năm sau trở đi, phụ cấp thâm niên mỗi năm được tính thêm 1%.