Hạn chế cử nhân dạy cử nhân

04:10, 02/10/2011

Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong lĩnh vực giáo dục chưa được giải quyết thấu đáo và quy định cụ thể trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học

Nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong lĩnh vực giáo dục chưa được giải quyết thấu đáo và quy định cụ thể trong dự thảo Luật Giáo dục Đại học

Nhiều đại biểu Quốc hội không tán thành quan điểm cử nhân đào tạo cử nhân. Trong ảnh: Một buổi học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Nhiều đại biểu Quốc hội không tán thành quan điểm cử nhân đào tạo cử nhân. Trong ảnh: Một buổi học tại Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TPHCM. Ảnh: Tấn Thạnh
Ngày 30-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) đã thảo luận về dự thảo Luật Giáo dục ĐH. Theo đánh giá thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng trong lĩnh vực giáo dục chưa được giải quyết thấu đáo và quy định cụ thể trong dự thảo luật nên cần tiếp tục nghiên cứu bổ sung, hoàn chỉnh.

Bộ vẫn làm thay trường

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận cho biết trong lĩnh vực giáo dục ĐH, giảng viên có trình độ tiến sĩ trở lên chiếm 14%, giảng viên có trình độ thạc sĩ chiếm 35%, tính chung tỉ lệ giảng viên có trình độ trên ĐH chiếm khoảng 49%.

Về trình độ giảng viên bậc ĐH, dự thảo luật quy định là có bằng ĐH trở lên. Nhiều đại biểu không tán thành quan điểm cử nhân đào tạo cử nhân và đề nghị phải quy định trình độ giảng viên cao hơn một cấp. Cụ thể, giảng viên CĐ ít nhất phải có bằng ĐH. Đối với các môn học lý thuyết, chuyên ngành bậc ĐH, giảng viên cần có trình độ sau ĐH. Nếu không thực hiện ngay được, Chính phủ phải đề xuất lộ trình phù hợp. Điều kiện này chỉ nới đối với một số trường mới thành lập hoặc ở địa bàn khó khăn.

Theo báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục ĐH của Ủy ban Thường vụ QH, tỉ lệ giáo viên có trình độ tiến sĩ của cả nước chỉ đạt 10,16%, trình độ thạc sĩ đạt 37,31%.

Một nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu là việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường. Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi cho rằng trong xu thế phát triển giáo dục ĐH hiện nay, việc trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các trường là yêu cầu tất yếu, khách quan và phải được coi là tư tưởng xuyên suốt của dự thảo Luật Giáo dục ĐH. “Tuy nhiên, dự thảo luật đã không đề cập vấn đề thành lập hội đồng trường, trong khi đây là thiết chế quan trọng không thể thiếu khi trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục” – ông Thi nói.

Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận giãi bày: “Tính đến nay, cả nước mới có 10/188 trường ĐH, CĐ công lập thành lập hội đồng trường nhưng thực tế hoạt động cho thấy không có tác dụng”. Không đồng tình, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng không thể vì lý do quá ít trường thực hiện mà bỏ quy định này trong luật. “Như thế là quá dễ dãi” – ông Lý nói.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng đột phá của dự thảo Luật Giáo dục ĐH là cơ quan quản lý chỉ giám sát, kiểm tra chứ không làm thay việc của cơ sở. Hiện nay, cơ chế chủ quản vẫn nặng nề khi bộ, sở và địa phương quyết là chính nên các trường không cần hội đồng. “Trao quyền tự chủ mà không có hội đồng trường là gay go” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cảnh báo.

Lập sàn chất lượng

Trước bức xúc của xã hội về chất lượng đào tạo ĐH, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai đề nghị luật phải thiết lập cho được mức sàn về chương trình giảng dạy, nội dung, giảng viên và cơ sở vật chất để tạo chất lượng chuẩn cho giáo dục ĐH. “Đầu vào hiện nay thì khó nhưng đầu ra lại dễ. Đó là một nghịch lý khiến giáo dục ĐH hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội” – bà Mai nhận định.

Một nội dung quan trọng được dự thảo Luật Giáo dục ĐH đề cập là kiểm định chất lượng đào tạo. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đề nghị bắt buộc các trường ĐH phải kiểm định chất lượng, thay vì chỉ đề cập chung chung như trong dự thảo. Tuy nhiên, theo ông Phạm Vũ Luận, thông lệ quốc tế chỉ khuyến khích chứ không bắt buộc kiểm định chất lượng đào tạo nên cần cân nhắc. Về vấn đề này, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng tại Việt Nam, nên bắt buộc kiểm định chất lượng giáo dục thay vì khuyến khích. “Cơ quan quản lý sẽ công bố tiêu chuẩn để các trường tự kiểm định hoặc các tổ chức độc lập, Bộ GD - ĐT kiểm định và công bố kết quả xếp loại. Từ đó, người dân có thông tin để quyết định chọn trường” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nói.

Đối với vấn đề xã hội hóa trong giáo dục ĐH, ông Đào Trọng Thi đề nghị cần làm rõ tiêu chí về cơ sở giáo dục “phi lợi nhuận” và “có lợi nhuận hợp lý”. Trong đó, đặc biệt làm rõ vấn đề tài sản được chia và không được chia để tránh khuynh hướng thương mại hóa giáo dục. Bộ trưởng Phạm Vũ Luận giải trình: “Hiện nay, hầu hết các trường tư thục đều tuyên bố phi lợi nhuận nhưng chỉ có Trường ĐH Thăng Long thực hiện đúng. Các trường khác đều có mâu thuẫn trong chia lợi nhuận, thậm chí ứng xử thiếu văn hóa. Bộ GD - ĐT đề nghị qua kết quả kiểm toán, nếu thấy các trường có chênh lệch thu - chi do mục đích lợi nhuận sẽ bị xem xét. Có thể đưa ra mức trần lợi nhuận của trường ĐH không quá 1,5 lần mức lãi suất ngân hàng”.

Đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm giữa kỳ

Chiều cùng ngày, Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Hạnh Phúc đã trình bày với Ủy ban Thường vụ QH dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.

Đa số đại biểu đều đánh giá đề án có những nội dung đổi mới khá toàn diện trên cả ba lĩnh vực công tác quan trọng nhất của QH là lập pháp, giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước. Trong phần thảo luận, Ban Chỉ đạo xây dựng đề án cho biết qua tổng hợp ý kiến đại biểu QH, đã có những đề xuất bỏ phiếu tín nhiệm giữa kỳ với thành viên Chính phủ để nâng cao trách nhiệm của họ.

Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ QH đã cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá và thảo luận về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.

Theo dự thảo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá, Chính phủ đề xuất thực hiện độc quyền sản xuất và nhập khẩu thuốc lá. Riêng đề xuất thành lập Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá và trách nhiệm đóng góp bắt buộc của người hút cũng như cơ sở sản xuất thuốc lá chưa nhận được sự đồng thuận của đa số đại biểu. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng hiện có khá nhiều luật quy định về việc thành lập, mức thu, chi; quy chế sử dụng… của các loại quỹ đã làm cho chính sách tài chính bị chia cắt, thiếu tập trung. Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng việc yêu cầu người sử dụng thuốc lá đóng góp bắt buộc vào quỹ giống như đánh thêm một loại thuế gián thu. “Có thể sử dụng giải pháp thuế thay vì lập quỹ” - Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề xuất.

Theo Tô Hà (Báo Người lao động)