Chính phủ đề nghị nữ lao động nghỉ sinh 5 tháng

09:11, 07/11/2011

Ngày 4/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi trước Quốc hội, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Chính phủ đề nghị tăng thời gian nghỉ thai sản lên 5 tháng đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện lao động bình thường…

Ngày 4/11, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Lao động sửa đổi trước Quốc hội, Bộ trưởng LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, Chính phủ đề nghị tăng thời gian nghỉ thai sản lên 5 tháng đối với lao động nữ làm việc trong điều kiện lao động bình thường…

Theo bà Phạm Thị Hải Chuyền, quá trình tổng hợp cho thấy hai luồng ý kiến. Ý kiến thứ nhất đề nghị cần tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng để bảo đảm sức khoẻ của lao động nữ và trẻ sơ sinh, phù hợp với khuyến nghị "nuôi con từ 0 - 6 tháng tuổi hoàn toàn bằng sữa mẹ" của Tổ chức sức khoẻ thế giới (WHO) và Quỹ nhi đồng Liên Hiệp quốc UNICEF.

Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật LĐ (sửa đổi)
Bộ trưởng Bộ lao động, thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật LĐ (sửa đổi)
Trong khi đó, ý kiến thứ hai đề nghị giữ thời gian nghỉ thai sản của người lao động nữ như quy định pháp luật hiện hành (04 tháng trong điều kiện làm việc bình thường, 05 tháng trong điều kiện làm công việc nặng nhọc độc hại làm việc theo chế độ 3 ca, làm việc thường xuyên ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,7 trở lên hoặc là nữ quân nhân, công an nhân dân; và 06 tháng đối với lao động nữ là người tàn tật).

Về vấn đề này, Chính phủ cho rằng việc xác định thời gian nghỉ thai sản phải căn cứ vào nhiều yếu tố như: thể chất của lao động nữ Việt Nam, khả năng thanh toán của Quỹ bảo hiểm xã hội, cung cầu lao động… Căn cứ vào các yếu tố như trên, với nguyên tắc bảo vệ lao động nữ, Chính phủ ủng hộ ý kiến thứ nhất. Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng việc quy định tăng thời gian nghỉ thai sản phải có lộ trình, phải vừa chú ý đến sức khỏe của bà mẹ làm việc ở điều kiện lao động khác nhau và vừa chú ý đến sức khỏe của trẻ sơ sinh, đồng thời phải bảo đảm không tạo ra rào cản cho lao động nữ khi tham gia vào thị trường lao động; và bảo đảm khả năng chi trả của Quỹ bảo hiểm xã hội.

Do đó, Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) tăng thời gian nghỉ thai sản từ 4 tháng lên 5 thángđối với lao động nữ làm việc trong điều kiện lao động bình thường; từ 5 tháng lên 6 tháng đối vớilao động nữ làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, làm việc theo chế độ ba ca, làm việc thường xuyên ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số từ 0,7 trở lên hoặc là nữ quân nhân, nữ công an nhân dân. Đối với lao động nữ là người khuyết tật, Dự thảo giữ nguyên thời gian nghỉ thai sản như hiện hành là 6 tháng.

Trong khi đó, ý kiến của Ủy ban các vấn đề xã hội cho rằng, về cơ bản, xu hướng tăng thời gian nghỉ thai sản cho lao động nữ là quy định tiến bộ, hướng đến mục tiêu là bảo vệ thế hệ tương lai và chất lượng giống nòi. Hơn nữa, trong điều kiện hiện nay, nếu thời gian nghỉ thai sản là 6 tháng, theo tính toán của cơ quan Bảo hiểm xã hội thì Quỹ bảo hiểm xã hội có thể cân đối được.

Tuy nhiên, UB này đề nghị nên quy định linh hoạt đối với vấn đề này để phù hợp với điều kiện sống và các nhóm công việc khác nhau, bằng việc đưa ra mức sàn tối thiểu, có thể là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ thai sản tối đa là 6 tháng, trên cơ sở đó tùy theo điều kiện mà lao động nữ có quyền lựa chọn, quyết định thời gian nghỉ từ 4 tháng đến 6 tháng với các điều kiện khác nhau cho phù hợp với công việc, cuộc sống của mình.

Cũng liên quan đến vấn đề lao động nữ, đối với ý kiến đề nghị nâng tuổi nghỉ hưu như tuổi nghỉ hưu của lao động nam, theo Ủy ban các vấn đề xã hội, hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã quy định về vấn đề này chủ yếu do xu hướng già hóa dân số diễn ra nhanh, tuổi thọ ngày càng được nâng lên đã tác động đến cân đối Quỹ bảo hiểm xã hội, vì vậy Ủy ban cho rằng việc nâng tuổi nghỉ hưu của lao động nữ cũng cần được xem xét, nghiên cứu từ bây giờ để có lộ trình hợp lý cho các nhóm khác nhau .

Nghỉ Tết âm lịch: Đề nghị nghiên cứu thêm
 
Về thời gian nghỉ tết Âm lịch, có hai luồng ý kiến, trong đó ý kiến thứ nhất đề nghị giữ nguyên như quy định hiện hành, theo đó người lao động được nghỉ 4 ngày vào dịp tết Âm lịch và ý kiến thứ hai đề nghị tăng thời gian nghỉ tết Âm lịch lên thêm 1 ngày (như trước đó Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng có gợi ý).

Tuy nhiên, Chính phủ cho rằng, mặc việc tăng thời gian nghỉ tết Âm lịch và nghỉ lễ hàng năm là chủ trương đúng đắn, nhưng vấn đề này vừa qua chưa được nghiên cứu, trao đổi kỹ trong quá trình sửa đổi Bộ luật Lao động, chưa được sự tham gia ý kiến của người sử dụng lao động và người lao động. Vì vậy, Chính phủ đề nghị cho tiếp tục nghiên cứu, trước mắt chưa đưa vào Dự thảo Luật lần này.

VNmedia