Miền Trung và Tây Nguyên: Hàng chục người chết và mất tích do mưa lũ

01:11, 08/11/2011

Theo báo cáo nhanh lúc 8 giờ ngày 8/11 của Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung và Tây Nguyên, thống kê sơ bộ cho thấy do ảnh hưởng của mưa lũ, đến nay đã có 10 người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà đang ngập sâu trong nước.

Theo báo cáo nhanh lúc 8 giờ ngày 8/11 của Trung tâm Phòng chống lụt bão khu vực miền Trung và Tây Nguyên, thống kê sơ bộ cho thấy do ảnh hưởng của mưa lũ, đến nay đã có 10 người chết và mất tích, hàng nghìn ngôi nhà đang ngập sâu trong nước.

Ngập lụt ở Thừa Thiên Huế
Ngập lụt ở Thừa Thiên Huế

Thống kê ban đầu về thiệt hại tài sản cho thấy toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 4.070 nhà ở thuộc 3 huyện, thị bị ngập. Riêng tỉnh Quảng Nam dự kiến khoảng 200.000 hộ (chiếm 62% tổng số hộ) thuộc 4 huyện, thị là Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Hội An sẽ bị ngập nếu mực nước hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn đạt mức như dự báo.

Tỉnh Thừa Thiên Huế đã di dời khẩn cấp 5 hộ dân do sông Hương bị sạt lở nặng tại thôn Long Hồ Thượng, xã Hương Hồ, huyện Hương Trà; tỉnh Quảng Ngãi đã di dời 14 hộ tại huyện Sơn Tây do nguy cơ sạt lở núi.

Hiện tại, Quốc lộ 1A, đường sắt qua các tỉnh ven biển miền Trung lưu thông bình thường. Một số đoạn quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã, liên thôn tại một số tỉnh bị ngập, hư hỏng gây ách tắc giao thông cục bộ đang được các địa phương và các ngành hữu quan khắc phục.

Ngày 7/11, các tỉnh từ Quảng Bình đến Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên có mưa vừa, mưa to đến rất to, lượng mưa khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam phổ biến 200-300 mm, khu vực Quảng Bình đến Quảng Trị, Quảng Ngãi đến Phú Yên phổ biến từ 50-100 mm, Khánh Hòa và các tỉnh Tây Nguyên từ 20-50 mm.

Đêm 7/11, rạng sáng 8/11, các tỉnh Quảng Bình đến Quảng Nam tiếp tục có mưa vừa, mưa to, một số nơi mưa rất to, lượng mưa phổ biến từ 20-40 mm. Dự báo lũ các sông từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định tiếp tục xuống, riêng hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn tiếp tục lên.

Sáng 8/11, lũ hạ lưu sông Vu Gia-Thu Bồn sẽ đạt đỉnh. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia tại Cẩm Lệ có khả năng ở mức 2,7m, trên báo động 3 là 0,2m; trên sông Thu Bồn tại Câu Lâu ở mức 4,8m, trên báo động 3 là 0,8m; tại Hội An ở mức 2,8m, trên báo động 3 là 0,8m.

Tại Quảng Nam: Tối 7/11, nước lũ bất ngờ dâng cao tại vùng hạ du lưu vực hai hệ thống sông Vu Gia và Thu Bồn, khiến các huyện Điện Bàn, Duy Xuyên, Đại Lộc… của tỉnh Quảng Nam bị lũ trên mức báo động 2, có nơi trên báo động 3.

Hiện nước lũ trên sông Vu Gia tại Đại Lộc đã vượt trên mức báo động 3. Toàn bộ hệ thống giao thông trên địa bàn huyện đã ngập sâu trong lũ.
 
Khác với mấy năm trước, năm nay, vùng B và vùng C Đại Lộc bị lũ nặng nhất. Để đảm bảo an toàn cho dân, UBND huyện Đại Lộc chỉ đạo các địa phương và lực lượng tại chỗ tiến hành sơ tán khoảng 1.000 hộ dân vùng trũng thấp đến nơi an toàn trước tối 7/11.

Nước sông Hoài – hạ nguồn sông Thu Bồn – đột ngột dâng cao từ chiều tối 7-11. Hiện mực nước lũ đã vượt mức báo động 2 hơn nửa mét. Toàn bộ các tuyến đường trong khu phố cổ Hội An đã bị nước lũ nhấn chìm.
 
Trong chiều tối 7/11, UBND TP Hội An đã tổ chức sơ tán hơn 20 hộ dân phường Cẩm Kim nằm trong vùng sạt lở đến nơi an toàn.
 
Tại Đà Nẵng: Tối 7/11, mưa lớn kéo dài trong những ngày qua khiến nhiều tuyến đường ngang liên xã trên địa bàn huyện bị ngập sâu và bị cô lập.

Cụ thể, các tuyến đường ngang thuộc các xã Hòa Liên, Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Nhơn, Hòa Bắc… đang bị cô lập bởi nước mưa quá lớn, giao thông đi lại rất khó khăn.

Mưa lớn nên nước từ thượng nguồn đổ về nhiều đã khiến mực nước hồ Đồng Nghệ (huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) lên cao, và hồ này đã bắt đầu xả lũ với lưu lượng 0,5m3 /giây.

Ngay trong sáng nay, lãnh đạo UBND huyện đã trực tiếp tới kiểm tra tình hình mưa lũ và sạt lở trên địa bàn các xã và cũng đã yêu cầu những hộ ở vùng trũng thấp có nguy có nguy cơ ngập lụt di chuyển tới nơi an toàn.

Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cũng đã có công điện yêu cầu ngành giáo dục huyện này cho toàn bộ các em học sinh khối THCS và Tiểu học nghỉ học, khi nào có thông báo lại thì mới tiếp tục tới trường để đảm bảo an toàn tính mạng.

Tại Quảng Ngãi: Theo tin từ Ban chỉ huy PCLB&TKCN Quảng Ngãi cho biết: Vào hồi 7giờ 30 phút ngày 8/11/2011, qua đài canh của Bộ đội Biên phòng tỉnh, tại tọa độ 17,06oN - 108,24oE, tàu cá QNg 94942 TS của ông Võ Hữu Đức (sinh năm 1960) ở Phổ Thạnh (Đức Phổ), hành nghề giả cào bị hỏng máy, phá nước trên biển.

Sau khi bị phá nước, thuyền trưởng đã phát tín hiệu kêu cứu và được tàu cá QNg 94372 TS của ông Võ Tin cùng quê kèm giữ không để tàu QNg 94942 TS chìm, đồng thời phát tín hiệu yêu cầu cứu hộ. Được biết trên hai thuyền có 9 lao động.

Cùng thời điểm trên, tàu cá KH 996732 TS của ông Trần Chê ở Nha Trang (Khánh Hòa), có 11 lao động hành nghề lưới cản bị gãy cây láp, thả trôi ở tọa độ 08,30oN- 110,40oE đang cầu cứu ở tần số liên lạc 7903. Sau khi nhận tin báo, Bộ đội Biên phòng tỉnh luôn giữ liên lạc và thông báo cho các tàu cá gần đó đến ứng cứu

Theo GDTĐ