Ngày đầu tiên chất vấn thành viên Chính phủ: Chưa thỏa mãn

02:11, 24/11/2011

Ngày 23-11, Quốc hội mở đầu phiên chất vấn dài hai ngày rưỡi với việc chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát.

Ngày 23-11, Quốc hội mở đầu phiên chất vấn dài hai ngày rưỡi với việc chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát.

 

Ảnh: Nam khánh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị: “Tinh thần chất vấn là thẳng thắn, hợp tác, xây dựng và những vấn đề chúng ta nêu đều rất nóng. Nhưng hôm nay trời cũng trở lạnh rồi nên tôi đề nghị các vị đại biểu Quốc hội chúng ta tạo ra văn hóa chất vấn thật sáng suốt, thông minh và giải trình cũng như hỏi một cách thấu đáo, rõ ràng để không khí chất vấn được mát mẻ”. Tuy nhiên, ghi nhận từ một số đại biểu cho thấy nội dung trả lời của các bộ trưởng vẫn chưa thật sự thỏa mãn được cử tri.

 

"Chúng tôi chủ trương tăng cường quản lý các hóa chất từ nguồn nhập khẩu, chỉ cho phép những hóa chất được kiểm nghiệm an toàn vào nước ta"

Ông Cao Đức Phát (bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn)

Một nét rất mới được xác lập là việc Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng để 11 đại biểu chất vấn liền một mạch trước khi Bộ trưởng Đinh La Thăng hoàn thành phần trả lời của mình. Nhiều đại biểu nói rằng họ “ngưỡng mộ” trước lời nói và hành động của ông Thăng trong thời gian qua nhưng lại bày tỏ sự “không hài lòng” về phần trả lời chất vấn.

Lòng vòng thì ai cũng làm bộ trưởng được

Mở đầu phần trả lời chất vấn, ông Thăng giãi bày rằng mình mới nhận nhiệm vụ được ba tháng 15 ngày, mới ở bước xuất phát nên cần thời gian nắm bắt công việc và hành động. Ví mình giống như thí sinh lần đầu đi thi không tránh khỏi sự lúng túng nhất định, ông Thăng “mong được đại biểu Quốc hội và cử tri thông cảm”.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) chất vấn ông Thăng về giải pháp đột phá để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng cầu đường và giảm tai nạn giao thông. Trả lời câu hỏi này, ông Thăng đã trình bày khá dài và cuối cùng đề cập đến trách nhiệm quản lý nhà nước.

Ông Thăng nói: “Pháp luật không nghiêm dẫn đến nhờn luật. Còn chuyện mãi lộ thì còn chuyện người lái xe cố tình vi phạm. Nếu làm tốt công tác quản lý, tuyên truyền pháp luật thật tốt thì ý thức của người dân tốt lên. Nếu không coi tai nạn giao thông, an toàn giao thông là trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các ngành mà coi chỉ là nhiệm vụ của ngành giao thông thì không giải quyết được”.

 

Ảnh: Việt Dũng

Chưa hài lòng, ông Thuyền hỏi tiếp: “Tôi rất chia sẻ với bộ trưởng vì mới trả lời lần đầu nhưng nếu cứ trả lời lòng vòng như thế thì ai cũng làm bộ trưởng được. Tôi đề nghị bộ trưởng trả lời có gì đó mang tính chất đột phá”.

 

"Bảo tôi khẳng định bao giờ hết tai nạn giao thông, bao giờ hết ùn tắc giao thông thì chưa khẳng định được mà chỉ mong nó sẽ kiềm chế và giảm dần như mục tiêu là mỗi năm giảm từ 5-10%"

Ông Đinh La Thăng (bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Theo ông Thăng, đột phá là phải nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, mà trước hết là những người thực thi công vụ phải thực hiện nghiêm trách nhiệm của mình cũng như phải vào cuộc ngay, phải hành động một cách kiên quyết.

“Chứ còn bây giờ bảo tôi khẳng định bao giờ hết tai nạn giao thông, bao giờ hết ùn tắc giao thông thì xin phép đại biểu là chưa khẳng định được mà chỉ mong rằng nó sẽ kiềm chế và giảm dần như mục tiêu là mỗi năm giảm từ 5-10%. Đấy là mục tiêu để phấn đấu” - ông Thăng nói.

Được yêu cầu cùng tham gia trả lời, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề nghị nâng mức phạt cao hơn để đảm bảo răn đe, nhất là đối với các đối tượng đua xe thì phải tịch thu xe, bỏ hình thức buộc người nộp phạt phải đến kho bạc mà xử phạt qua tài khoản hoặc qua tem phiếu trực tiếp, nghiêm cấm lãnh đạo các cấp can thiệp vào việc xử lý vi phạm giao thông... “Xây dựng lực lượng cảnh sát giao thông trong sạch, vững mạnh, xử lý nghiêm các trường hợp tiêu cực” - ông Quang hứa.

“Làm chậm, hỏng nhanh, trách nhiệm loanh quanh”

Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) hỏi về những giải pháp khắc phục tình trạng hiện nay đối với đầu tư các công trình giao thông là “làm chậm, hỏng nhanh, trách nhiệm loanh quanh”. Bộ trưởng Thăng cho rằng đây là một bức xúc, năm 2011 ngành giao thông chọn là năm chất lượng công trình nhưng những mục tiêu đưa ra không đạt được. Ông khẳng định trong thời gian tới sẽ chuẩn bị dự án thật tốt, lựa chọn ban quản lý, tư vấn, nhà thầu đảm bảo năng lực thi công, năng lực tài chính.

 

"Bộ trưởng nói mong được thông cảm vì lần đầu còn lọng cọng, nhưng giống như đi xe ra đường lọng cọng mấy chục mét thôi chứ đi vài chục cây số mà vẫn lọng cọng thì khó chấp nhận"

Đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh)

"Bộ trưởng chưa có đột phá trong giải pháp nhưng tôi tương đối hài lòng. Mục tiêu giảm tai nạn giao thông 5-10% ai cũng mong muốn nhưng với điều kiện hiện nay thì rất khó"

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng)

Đặc biệt là cần công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện với sự giám sát của nhân dân. Những đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu, và đặc biệt là ban quản lý không đạt yêu cầu sẽ lập tức bị thay thế. Đại biểu Tâm hỏi tiếp: “Bộ trưởng có chắc chắn xử lý nghiêm và nếu xử lý nhiều như vậy, lực lượng cán bộ của ta có đủ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ thay thế hay không?”. Tuy nhiên, không thấy bộ trưởng giải đáp câu hỏi này.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cho biết thời gian qua, con đường nào nghiệm thu xong cũng có vấn đề. Bà An chất vấn: “Trong quá trình dự toán làm đường, ngành giao thông có dự báo tuổi thọ hay không?”. Bộ trưởng Thăng đáp: “Theo quy định hiện nay, không có dự báo vì tuổi thọ công trình phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có cả chất lượng công trình, khả năng khai thác công trình nhiều hay ít, phương tiện vận tải quá tải hay không tải nhiều hay ít, rồi thời tiết khu vực đó tốt hay không tốt...”.

Bà An không đồng tình: “Nếu tôi không nhầm thì tất cả các nước khi làm bất kỳ một dự án lớn, nhỏ đều kèm theo tiêu chí kỹ thuật và tuổi thọ công trình, không có chuyện làm công trình lớn như thế mà bộ trưởng nói không có dự báo tuổi thọ công trình, vì thế đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương vừa làm xong đã có bao nhiêu ổ gà, đường Cầu Giẽ - Ninh Bình vừa làm xong đã có vấn đề”.

Trả lời về bất cập giữa nhu cầu xây dựng hạ tầng và vốn đầu tư, ông Đinh La Thăng cho biết trong 10 năm tới, VN cần 70 tỉ USD để đầu tư hạ tầng giao thông. “Quan điểm là phải lấy hạ tầng để nuôi hạ tầng, tức là phí và lệ phí sử dụng hạ tầng giao thông hiện nay phải được tính toán chuyển đổi thành giá và phải thực hiện theo giá thị trường. Đây là một giải pháp đột phá, nếu chúng ta có dự án tốt, có cơ chế giá phù hợp, chúng ta sẽ thu hút được đầu tư” - ông Thăng nói.

Theo LÊ KIÊN (Tuổi trẻ online)

 

Sao dám hứa được

 

Bộ trưởng Đinh La Thăng trao đổi với báo chí - Ảnh: V.Dũng

Sau khi trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đinh La Thăng trao đổi ngoài lề với báo chí:

“Lần đầu tiên tôi trả lời chất vấn trước Quốc hội nên cũng chưa có kinh nghiệm. Tôi không thể tự đánh giá trả lời của mình. Tất nhiên, lần đầu tiên trả lời chất vấn cũng có run một chút, nhưng cũng có chỗ run chỗ không. Nhiều đại biểu hỏi nhanh và dài nên đôi khi tôi không ghi được hết. Đôi chỗ có thể không trả lời được thẳng vào câu hỏi.

Trả lời theo nhóm vấn đề, không trả lời từng câu cụ thể thì khó mà thỏa mãn riêng đại biểu nào được. Các đại biểu có hỏi giống nhau đâu nên phải dài. Nếu trả lời từng câu thì không thể vòng vo được. Các giải pháp tôi đã nói mọi người đều biết, vấn đề là hành động, thực hiện máu lửa, quyết liệt. Những câu hỏi như bao giờ hết tai nạn, ùn tắc thì tôi nghĩ hỏi cho vui thôi, chứ làm sao dám hứa hết tai nạn, hết điểm đen. Nếu xóa hết rồi, nhưng hứa mà sang năm ở tất cả các cung đường tự nhiên phát sinh thêm điểm đen thì làm sao?”.

C.V.KÌNH ghi

 

Thay hết cán bộ giao thông kém cỏi

Ông Đặng Thành Út (nông dân ấp Rạch Chanh, xã Lợi Bình Nhơn, TP Tân An, tỉnh Long An) nói: “Tôi thấy Bộ trưởng Thăng nói là làm, tôi thích. Hôm nay tôi bỏ công việc để xem truyền hình trực tiếp bộ trưởng nói gì về đường sá, đặc biệt là đường cao tốc đi ngang qua nhà tôi và về an toàn giao thông cho người dân.

Tôi hài lòng về phần trả lời chất vấn này. Ông bộ trưởng mới nhận chức chưa bao lâu mà đã xuống tay “trảm” hết mấy quan chức lề mề ở các dự án quan trọng, người dân chúng tôi hả hê. Tôi chỉ mong những người kém đều được bộ trưởng phát hiện, xử lý hết để đưa người giỏi, người có trách nhiệm hơn lên thay”.

THANH TÚ ghi

Siết lại việc cấp giấy phép lái xe

Luật sư Thái Văn Chung, tổng thư ký Hiệp hội Vận tải hàng hóa TP.HCM, góp ý: “Trong các giải pháp cấp bách mà Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra tại phiên chất vấn chưa thấy nhắc tới chuyện siết lại việc đào tạo và cấp giấy phép lái xe vì ý thức, kỹ năng của hàng chục ngàn tài xế xe tải, xe container, xe khách... sẽ quyết định trực tiếp tới tai nạn giao thông. Nếu xóa bỏ được việc đào tạo tài xế nửa vời, dễ dãi hiện nay thì những người kỹ năng yếu, ý thức giao thông kém sẽ không thể có bằng lái”.

BÁ SƠN ghi

Dường như bộ trưởng chưa chuẩn bị kỹ

Ông Trần Anh Hùng, giám đốc Công ty CP thương mại - dịch vụ hàng hải Tam Đảo (TP Nha Trang, Khánh Hòa), nói: “Dường như bộ trưởng chưa chuẩn bị thật kỹ nội dung để trả lời chất vấn. Ví dụ như ùn tắc và tai nạn giao thông là hai vấn đề rất nóng gần đây, nhưng bộ trưởng trả lời chung chung quá.

Bộ trưởng phải vạch cho được một lộ trình cụ thể trong từng giai đoạn, sáu tháng hoặc một năm thì giải quyết được bao nhiêu phần trăm ùn tắc giao thông, giảm bớt bao nhiêu phần trăm vụ tai nạn giao thông bằng những giải pháp cụ thể. Tôi mong muốn bộ trưởng tiếp tục giữ vững bầu nhiệt huyết vì công việc trong suốt nhiệm kỳ như ông đã làm trong bốn tháng qua”.

DUY THANH ghi

 

Dạy nghề cho nông dân:

Đại biểu nói 4 không, bộ trưởng nói không phải

Trả lời chất vấn trong phiên họp buổi chiều, Bộ trưởng Cao Đức Phát trả lời khá chung chung về các chất vấn liên quan tới cuộc sống người nông dân rất bấp bênh, được mùa mất giá. Ông Phát chỉ cho biết Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang phối hợp rất chặt chẽ với Bộ Công thương để cân đối đầu vào nhu cầu vật tư, đảm bảo cung cấp đủ cho nông dân; đầu ra thì theo sát sản xuất, cung cấp thông tin cho Bộ Công thương về sản lượng để chủ động điều hành xuất nhập khẩu, không gây cơn sốt...

Về câu hỏi làm gì để bảo vệ 3,8 triệu ha đất lúa, ông Phát công nhận đây “là vấn đề rất lớn” và nói “cần làm đồng bộ nhiều giải pháp: giảm thiểu biến đổi khí hậu và hạn chế lấy đất lúa cho mục tiêu phi nông nghiệp. Ngoài ra có chính sách hỗ trợ tỉnh nông nghiệp, nông dân có cuộc sống không thua kém các ngành nghề khác”...

Bổ sung trả lời cho chất vấn về bảo hiểm nông nghiệp cho nông dân, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết bảo hiểm này đã được tập huấn để bắt đầu triển khai từ năm 2012. Đối tượng được bảo hiểm gồm cây lúa, trâu bò lợn, gia cầm, cá tra... Đặc biệt, người dân tham gia thí điểm tới đây sẽ được ngân sách hỗ trợ, với hộ nghèo sẽ hỗ trợ 100% phí bảo hiểm, hộ cận nghèo 80%, các hộ khác 60%. Tổng kinh phí nhà nước chi cho bảo hiểm nông nghiệp năm 2012 sẽ lên tới 1.200 tỉ đồng.

Đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu vấn đề dạy nghề cho nông dân đã được rót khá nhiều tiền nhưng “chủ yếu xây dựng trung tâm đồ sộ, không có người học; nội dung không trúng, vừa thiếu vừa không phù hợp; hiệu quả không cao và không huy động được sức mạnh của các nhà khoa học”.

Là người trả lời điềm tĩnh nhưng trong câu hỏi này, lần đầu tiên Bộ trưởng Cao Đức Phát đã phản bác lại ý kiến đại biểu khi cho rằng “chương trình bốn không, các đồng chí nói hình ảnh để phản ánh, cảnh báo” chứ theo ông Phát, Bộ Lao động - thương binh và xã hội và các địa phương đang rất cố gắng triển khai, rất lưu ý chất lượng chứ không hoàn toàn là bốn không. Sau khi diễn giải, ông Phát khẳng định kết quả ở Thanh Hóa là khả quan.

Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) hỏi trách nhiệm bộ trưởng trong buông lỏng việc sử dụng hóa chất, thuốc trừ sâu. Bộ trưởng Cao Đức Phát công nhận những biện pháp bộ đề ra chưa đáp ứng được yêu cầu nhưng ông Phát mong các địa phương ủng hộ. Ông Phát cho biết bộ sẽ tăng kiểm soát hóa chất, chỉ cho phép hóa chất an toàn vào VN.

Bộ trưởng Cao Đức Phát không trả lời một số câu hỏi cuối do hạn chế thời gian, trong đó có chất vấn về hai doanh nghiệp từng sản xuất hóa chất da cam rải xuống VN lại có thể được cấp phép vào VN làm ngô biến đổi gen. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã “nhắc” phải kiểm tra, xử lý một cách thận trọng vấn đề này.

C.V.KÌNH

Thêm hàng rào kỹ thuật cho nông sản vào VN

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát - Ảnh: V.Dũng

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP.HCM) hỏi có giải pháp gì trước tình trạng nông sản, hoa quả Trung Quốc tràn ngập thị trường, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết bộ đã ban hành thông tư quy định các nước xuất khẩu nông sản vào VN phải thông báo năng lực của doanh nghiệp, đặc tính của sản phẩm...

Ông Phát cho biết sẽ cử người đến tận nơi xuất khẩu hàng hóa vào VN kiểm soát hàng hóa. Đồng thời Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn sẽ tính toán đưa thêm tiêu chuẩn kỹ thuật để đảm bảo nông sản nhập vào VN chất lượng, an toàn.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng lại cảnh báo các bộ cần thận trọng khi đưa ra tiêu chuẩn với hàng hóa nhập khẩu, vì nếu VN đặt tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng nhập khẩu thì hàng của VN cũng phải đạt chuẩn đó. Theo cam kết WTO, hiện VN chỉ có thể áp hạn ngạch thuế quan với các mặt hàng muối, đường ăn, trứng gia cầm, nguyên liệu thuốc lá, còn các nông sản khác chỉ có thể kiểm soát qua tiêu chuẩn kỹ thuật.

(Tuổi trẻ online)