Một trong những nội dung quan trọng trong Đề án Cải cách tiền lương được Bộ Nội vụ soạn thảo, trình hội nghị Trung ương sắp tới là trả lương theo vị trí việc làm.
Một trong những nội dung quan trọng trong Đề án Cải cách tiền lương được Bộ Nội vụ soạn thảo, trình hội nghị Trung ương sắp tới là trả lương theo vị trí việc làm.
Chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận phường, một số nội dung quan trọng của Đề án Cải cách tiền lương, cải cách thủ tục hành chính… là những nội dung Bộ Nội vụ giải đáp trong buổi họp báo thông tin tình hình hoạt động quý I của Bộ tổ chức chiều 28/3.
Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, một trong những nội dung quan trọng trong Đề án Cải cách tiền lương được Bộ Nội vụ soạn thảo, trình hội nghị Trung ương sắp tới là trả lương theo vị trí việc làm. Đây sẽ là căn cứ để bảo đảm thực hiện tốt, có hiệu quả công tác xây dựng đội ngũ công chức, viên chức thông qua các hoạt động tuyển dụng, thi nâng ngạch đối với công chức, thi hoặc xét thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức, đánh giá, sử dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng.
Ngoài ra, với bảng mô tả công việc, khung năng lực của vị trí việc làm kèm theo của từng vị trí việc làm sẽ là căn cứ để cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền thực hiện việc đánh giá một cách chính xác, khách quan, công bằng đối với công chức, viên chức. Qua đó, khẳng định và phân biệt được đúng người làm tốt và người làm chưa tốt. Từ đó mới phát hiện, thu hút, trọng dụng và đãi ngộ người tài.
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh thực hiện xác định vị trí việc làm. Qua đó xác định biên chế phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và đối tượng quản lý trong từng cơ quan nhà nước, nhằm tạo cơ sở cho cải cách tiền lương có tính khả thi. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp để Đề án Cải cách tiền lương đạt hiệu quả cao nhất.
Về việc thực hiện kiểm tra thí điểm việc không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường ở 10 địa phương được lựa chọn, ông Nguyễn Hữu Đức- Vụ Chính quyền địa phương cho biết, Bộ đã tổ chức 5 đoàn đi kiểm tra tại các địa phương. Kết quả bước đầu cho thấy, chủ trương đã đi vào cuộc sống, đạt được mục đích, yêu cầu đặt ra, được chính quyền, đoàn thể và người dân ủng hộ.
Bộ cũng đã phối hợp với Viện Nghiên cứu dư luận xã hội của Ban Tuyên giáo Trung ương thực hiện điều tra xã hội học về sự đồng tình của xã hội. 10.000 phiếu điều tra đã được phát ra với đối tượng hỏi đa dạng gồm cán bộ, công chức, cán bộ hưu trí, doanh nghiệp, học sinh. Kết quả, 79% số người được hỏi đã đồng tình với việc không tổ chức HĐND cấp huyện, quận, phường.
Từ điều tra xã hội học cũng thấy được những khó khăn cần khắc phục như, khi không còn HĐND giám sát trực tiếp thì việc phản ánh, tâm tư nguyện vọng của người dân sẽ được tiếp nhận như thế nào để đảm bảo tính kịp thời, vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc cùng cấp.
Trong thời gian tới, Bộ Nội vụ sẽ thực hiện một số công việc cụ thể: tổ chức Hội nghị tổng kết toàn quốc về 10 năm thi hành Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước và kỹ năng cho đội viên dự án 600 Phó Chủ tịch UBND xã tại Quảng Ngãi.
Chinhphu.vn