Đến năm 2015, 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% các trường mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch là mục tiêu đề ra trong “Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đến năm 2015, 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, 100% các trường mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch là mục tiêu đề ra trong “Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 – 2015” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phấn đấu đến năm 2015, 85% dân số nông thôn được sử dụng nước sạch. Ảnh minh họa |
Về vệ sinh môi trường, Chương trình phấn đấu đến cuối năm 2015 đạt tỷ lệ 65% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh; 45% số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh; 100% trường học mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Công trình cấp nước tập trung tại xã đặc biệt khó khăn được ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 90%
Để thực hiện mục tiêu trên, về cơ chế hỗ trợ, quyết định nêu rõ: Đối với các công trình cấp nước tập trung, nguồn vốn ngân sách trung ương hỗ trợ tối đa 90% đối với các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, xã biên giới; 60% đối với xã đồng bằng và 75% đối với xã nông thôn khác. Nguồn vốn ngân sách địa phương và huy động từ các nguồn vốn hợp pháp khác đảm bảo phần kinh phí còn lại để thực hiện dự án.
Đối với các công trình cấp nước nhỏ lẻ, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 70% đối với hộ nghèo và gia đình chính sách; 35% đối với hộ cận nghèo,…
Đối với công trình cấp nước và vệ sinh trường học, trạm y tế, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 90%.
Đối với hoạt động xây dựng các mô hình nhà tiêu và chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh (gồm cả Biogas), quyết định nêu rõ: Ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% đối với hộ nghèo, gia đình chính sách và 35% đối với hộ cận nghèo, các hộ gia đình khác được dùng nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi theo quy định.
Tổng vốn thực hiện khoảng 27.600 tỷ đồng
Về cơ chế huy động vốn, quyết định yêu cầu phải thực hiện đa dạng hóa các nguồn vốn. Trong đó, thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn. Đồng thời, cần huy động tối đa nguồn lực địa phương, huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp, cá nhân, các khoản viện trợ quốc tế,…
Tổng mức vốn thực hiện chương trình khoảng 27.600 tỷ đồng. Trong đó, dành 19.725 tỷ đồng thực hiện dự án Cấp nước sinh hoạt và môi trường nông thôn; 5.961 tỷ đồng thực hiện dự án Vệ sinh nông thôn và 1.914 tỷ đồng thực hiện dự án Nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình.
Theo Chính phủ