PVN cơ bản xử lý xong những tồn tại, khuyết điểm

12:04, 11/04/2012

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vừa có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục những tồn tại, khuyết điểm nêu tại kết luận thanh tra Chính phủ.

Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vừa có công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc khắc phục những tồn tại, khuyết điểm nêu tại kết luận thanh tra Chính phủ.

Công văn do Chủ tịch hội đồng thành viên PVN, ông Phùng Ðình Thực ký khẳng định Tập đoàn đã ban hành ngay các quyết định, chỉ thị khắc phục sau thanh tra.
 

Cầu cảng Sao Mai - Bến Đình (Bà Rịa-Vũng Tàu) do Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí - PVC làm chủ đầu tư. (Ảnh: Hà Thái - TTXVN)
Cầu cảng Sao Mai - Bến Đình (Bà Rịa-Vũng Tàu) do Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí - PVC làm chủ đầu tư. (Ảnh: Hà Thái - TTXVN)

Đến nay, Tập đoàn Dầu khí đã cơ bản xử lý xong những tồn tại, khuyết điểm trong kết luận thanh tra.

Về kiến nghị PVN thu hồi Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp số tiền 1.922 tỷ đồng từ cổ phần hóa, PVN cho biết, việc Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) chậm nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa vì Tổng công ty Ðiện lực Dầu khí (PVPower) chậm thanh toán tiền mua khí do Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam (EVN) liên tục chậm thanh toán tiền mua điện trên 10.000 tỷ đồng.

Sau thanh tra, mặc dù EVN chưa trả nợ nhưng đến nay PVGas đã nộp 1.903 tỷ đồng và nhận nợ với PVN tiền lãi phát sinh theo quy định.

PVN tiếp tục đôn đốc, yêu cầu Tổng công ty Máy và Phụ tùng và Công ty cổ phần Hóa dầu Dầu khí nộp tiền về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp số tiền 125 tỷ đồng.

Về việc sử dụng 15.601 tỷ đồng cho các hoạt động tài chính không thuộc dự án trọng điểm dầu khí, PVN đã có các công văn báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng nguồn lãi dầu khí để lại cho PVN, theo đó PVN kiến nghị Thủ tướng chấp thuận việc sử dụng nguồn lãi để lại cho PVN để đầu tư góp vốn cho hoạt động tìm kiếm thăm dò tại Công ty Rusvietpetro và PVEP, đây là hoạt động cốt lõi của Tập đoàn (hoạt động này đã được đánh giá có hiệu quả cao trong Kết luận của Thanh tra Chính phủ).

Trước thời điểm kết luận, Chính phủ chưa ban hành tiêu chí xác định công trình, dự án dầu khí được phép sử dụng tiền lãi, dầu, khí được Nhà nước để lại cho PVN.

Ngày 14/10/2011, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 1786/QÐ-TTg về việc ban hành tiêu chí xác định công trình, dự án dầu khí được phép sử dụng tiền lãi dầu, khí Nhà nước để lại cho PVN.

Rusvietpetro và PVEP là hai đơn vị của PVN thực hiện các chức năng trên cho nên việc sử dụng nguồn vốn này là phù hợp. Như vậy, việc sử dụng 15.601 tỷ đồng này đã được xử lý xong, phù hợp với tiêu chí được Chính phủ ban hành ngày 14/10/2011.

Việc ứng vốn từ Quỹ đầu tư phát triển cho các tỉnh Sóc Trăng, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Hậu Giang với số tiền 622,2 tỷ đồng, sử dụng 97,6 tỷ đồng từ Quỹ Đầu tư phát triển cho các địa phương để xây dựng các công trình không phải công trình dầu khí là để giúp các địa phương, ngành thực hiện các hạng mục công trình ngoài hàng rào và công trình gắn với các dự án đầu tư của Tập đoàn nhằm đẩm bảo cho các dự án triển khai đúng tiến độ.

Một số dự án tương tự cũng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép Tập đoàn ứng vốn trước cho các địa phương để thực hiện các hạng mục nêu trên.

Về kiến nghị PVN chỉ đạo các đơn vị thành viên rà soát việc đầu tư góp vốn ra ngoài doanh nghiệp, xác định những đơn vị bị thua lỗ để có kế hoạch thoái vốn, tái cơ cấu thích hợp để bảo toàn vốn Nhà nước, PVN cho biết việc đầu tư vào các đơn vị khác do các công ty thành viên đầu tư thực hiện trong các năm trước đây là phù hợp với điều lệ tổ chức hoạt động của PVN và phù hợp với điều kiện thị trường và nền kinh tế tốt.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp hiệu quả hoạt động chưa cao do mới thành lập và chịu sự ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế. Ngay từ năm 2009, trên cơ sở đánh giá tình hình thị trường và mô hình hoạt động của Tập đoàn, PVN đã chỉ đạo các đơn vị tái cấu trúc sắp xếp lại để bảo đảm nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị.

PVN đã trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đề án tái cấu trúc PVN và xác định năm lĩnh vực sản xuất kinh doanh chính là tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí; lọc hóa dầu; công nghiệp khí; công nghiệp điện; dịch vụ dầu khí chất lượng cao và xây dựng lộ trình thoái vốn các lĩnh vực khác đến năm 2013.

PVN cũng giải trình về kiến nghị PVN chỉ đạo Tổng công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) thu hồi khoản tiền Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) chưa thanh toán trong việc chuyển nhượng tàu Bình Minh 02 theo hợp đồng; chỉ đạo PVEP thu hồi khoản tiền 111,7 tỷ đồng mà Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí chưa thanh toán trong việc chuyển nhượng khách sạn Thái Bình.

Ðến thời điểm hiện tại, PTSC đã thanh toán cho PVEP đợt 1 số tiền liên quan đến việc chuyển nhượng tàu Bình Minh 02 là 123 tỷ đồng, phần còn lại sẽ được PTSC thanh toán trả chậm có tính lãi với PVEP trong thời gian 8 năm theo đúng hợp đồng kinh tế đã được hai đơn vị này ký kết.

Ngày 29/12/2010, PVEP đã ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ vốn của Công ty Trách nhiệm hữu hạn MTV Du lịch Dầu khí Thái Bình cho PVC, trong đó dự án khách sạn dầu khí Thái Bình (đang thi công dở dang) đã chuyển giao cho PVC với giá trị 111,7 tỷ đồng, thực chất đây là phần vốn ứng của PVEP cho dự án này do đó sẽ được PVC hoàn trả cho PVEP.

Về việc kiến nghị PVN rà soát lại tất cả các gói thầu chỉ định thầu chưa đúng quy định, sau khi rà soát, PVN báo cáo như sau, đối với các gói thầu được chỉ định cho những đơn vị không thuộc Tập đoàn như tại Kết luận của Thanh tra Chính phủ, phần lớn các gói thầu này đều là các công việc chuyên ngành (như cắm mốc ranh, tư vấn hỗ trợ đền bù, cấp chứng chỉ công trình) hoặc các công việc đòi hỏi chuyên môn cao (tư vấn quản lý dự án đường ống dẫn khí, khảo sát biển...) nên tại thời điểm đó chưa có đơn vị thành viên nào của PVN có thể thực hiện được.

Ngoài ra, một số gói thầu được chỉ định vào thời điểm đó là căn cứ Công văn số 2006/VPCP-KTN ngày 29/3/2010, theo đó Thủ tướng Chính phủ đồng ý để Hội đồng quản trị Tập đoàn chủ động xem xét, quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu (chứ không bắt buộc phải giao cho đơn vị thành viên thuộc Tập đoàn thực hiện).

Các gói thầu được nêu tại Kết luận của Thanh tra Chính phủ đến nay đều đã hoàn thành, đáp ứng tốt về mặt chất lượng và đưa vào sử dụng đúng tiến độ, đóng góp vào hiệu quả chung của các dự án, công trình.

Tổng Giám đốc PVN đã ký ban hành chỉ thị chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại trong hoạt động đấu thầu tại các đơn vị thành viên để thực hiện trong toàn ngành, đồng thời chấm dứt việc chỉ định thầu không thuộc đối tượng được phép theo quy định nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác đấu thầu.../.

(TTXVN)