Ngày 16/5, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông báo qua kết quả kiểm tra bước đầu tại Lào Cai, Lâm Đồng chưa phát hiện thấy hóa chất bảo quản formaldehyde trên rau cải thảo tại Việt Nam.
Ngày 16/5, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật thông báo qua kết quả kiểm tra bước đầu tại Lào Cai, Lâm Đồng chưa phát hiện thấy hóa chất bảo quản formaldehyde trên rau cải thảo tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, hiện Chi cục Bảo vệ thực vật Hà Nội cũng đang tiến hành lấy mẫu phân tích cải rau cải thảo Việt Nam và Trung Quốc, cũng như một vài loại rau khác như bắp cải, súp lơ xanh, súp lơ trắng.
Trước thông tin formaldehyde bị lạm dụng để phun trên cải thảo ở Trung Quốc, Cục Bảo vệ thực vật đã khẩn trương rà soát lại hết các cửa khẩu tại Lào Cai, Lạng Sơn, Móng Cái; cảng Thành phố Hồ Chí Minh và cảng Hải Phòng.
Cục Bảo vệ thực vật cũng đã bổ sung formaldehyde vào danh mục các chất cần kiểm tra trên rau, củ quả tươi nhập khẩu vào Việt Nam.
Qua kiểm dịch thực vật cho thấy rau cải thảo đi vào Việt Nam chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn; ở Lào Cai chủ yếu là hàng tạm nhập tái xuất, trong khi ở cảng Hải Phòng và Thành phố Hồ Chí Minh là rất ít. Ngoài ra, từ tháng Ba tới nay hầu như không có cải thảo nhập vào Việt Nam .
Với thị trường nội địa, các tỉnh Lâm Đồng, Lào Cai, Lạng Sơn cũng trồng rau cải thảo; trong đó Lâm Đồng có diện tích trồng lớn nhất với khoảng 1.500ha cải thảo, năng suất khoảng 60 tấn/ha.
Cục Bảo vệ thực vật đã chỉ đạo hai trung tâm kiểm định và khảo nghiệm thuốc Bảo vệ thực vật lấy mẫu rau để phân tích tồn dư của chất trên, đồng thời tăng cường kiểm soát thực phẩm nguồn gốc thực vật nhập khẩu và lưu thông trong nước. Trong vài ngày tới sẽ tiếp tục lấy mẫu nhiều hơn, kiểm tra chặt chẽ hơn để có kết quả chính thức báo cáo với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Liên quan tới công tác kiểm tra an toàn thực phẩm hàng hóa nông sản có nguồn gốc thực vật, từ đầu năm 2012 đến cuối tháng 4, Cục Bảo vệ thực vật đã phân tích được 315 mẫu, phát hiện 71 mẫu có dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật.
Tuy nhiên tất cả đều dưới ngưỡng cho phép; trong đó đáng lưu ý đã phát hiện một mẫu lê nhập khẩu từ Trung Quốc có dư lượng endosulfan, là hoạt chất đã cấm sử dụng ở Việt Nam.
Tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, các đơn vị đã lấy 10 mẫu hoạt chất có nguy cơ cao có thể được sử dụng để bảo quản trái cây nhập khẩu. Phát hiện có dư lượng của hai hoạt chất nhưng đều dưới ngưỡng tối đa cho phép..../.
(TTXVN)