Trong sáng làm việc thứ hai của Phiên họp thứ 8 (sáng 5/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến hoàn chỉnh các nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 3 sắp tới của Quốc hội.
Trong sáng làm việc thứ hai của Phiên họp thứ 8 (sáng 5/5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến hoàn chỉnh các nội dung, chương trình Kỳ họp thứ 3 sắp tới của Quốc hội.
Theo Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, dự kiến Chương trình Kỳ họp thứ 3 đã được Văn phòng Quốc hội gửi xin ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan.
Về nội dung, có ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và các giải pháp của Chính phủ tập trung tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất, góp phần bảo đảm việc làm cho người lao động và an sinh xã hội. Báo cáo về công tác điều hành tiền tệ, lãi suất từ tháng 10/2011 đến nay; tình hình quản lý, sử dụng đất năm 2011 và những tháng đầu năm 2012.
Có ý kiến đề nghị cần bố trí thời gian thảo luận thích hợp đối với một số nội dung quan trọng như Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, theo tinh thần đổi mới hoạt động của Quốc hội, dự kiến có 9 buổi làm việc sẽ được truyền hình trực tuyến tại Kỳ họp thứ 3, tăng bốn buổi so với những kỳ họp trước.
Góp ý về các nội dung dự kiến sẽ có trong Chương trình của Kỳ họp thứ 3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị cần bổ sung báo cáo của Chính phủ về việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kể từ thời điểm ban hành Luật (năm 2005) và đây cũng sẽ là một nội dung tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp này.
Đồng tình về quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng công tác phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là chủ đề “nóng hổi” tại mỗi kỳ tiếp xúc cử tri. Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp đề nghị, Chính phủ cần phải có báo cáo riêng tới đại biểu Quốc hội về vấn đề này để đại biểu thảo luận. Đây không chỉ là đòi hỏi của cử tri mà còn của cả đại biểu Quốc hội.
Đồng tình với các đề xuất trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn bổ sung đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về tình hình xử lý vụ việc tại Tiên Lãng, bởi thời gian qua, vụ việc này thu hút sự quan tâm của đông đảo dư luận cả nước, cần được thông tin đến cử tri.
Cũng trong sáng 5/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, chuẩn bị trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3 tới đây. Đề án này cũng đã được tổ chức lấy ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tại hội nghị trực tuyến với 63 tỉnh, thành phố ngày 27/4 vừa qua.
Liên quan đến đổi mới cách thức, quy trình tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị hội nghị tiếp xúc cử tri cần phải được mặt trận tổ quốc, chính quyền địa phương công bố công khai tại địa bàn. Thành phần tham dự phải bao gồm cả những cử tri là người dân chứ không nên chỉ có mặt các “đại cử tri” là những cán bộ lãnh đạo, quản lý ở địa phương, để tạo cơ hội cho người dân nói lên tiếng nói, nguyện vọng của mình với đại biểu Quốc hội.
Cũng góp ý về cải tiến quy trình, cách thức tiếp xúc cử tri, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện đề nghị cần gắn kết tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội với tiếp xúc cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp để tập hợp ý kiến của các cử tri.
Cho ý kiến về vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, để có hiệu quả cao trong các kỳ tiếp xúc cử tri, đại biểu Quốc hội phải đến tận cơ sở, thậm chí từng bản, xóm, hay từng nhà rông, điểm văn hóa để gặp gỡ, lắng nghe và phải chủ động hỏi để cử tri trả lời, cung cấp thông tin, phát biểu ý kiến./.
(TTXVN)