Thiếu vốn trùng tu tổng thể Ngọ Môn - Đại Nội Huế

07:05, 30/05/2012

Ngày 29/5, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, Trung tâm đã phối hợp với Viện Bảo tồn di tích Trung ương tiến hành khảo sát lập dự án trùng tu tổng thể Ngọ Môn theo đúng quy trình khoa học.

Ngày 29/5, ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, Trung tâm đã phối hợp với Viện Bảo tồn di tích Trung ương tiến hành khảo sát lập dự án trùng tu tổng thể Ngọ Môn theo đúng quy trình khoa học.

Qua 3 lần bảo vệ, dự án đã được hoàn chỉnh để phục vụ công tác trùng tu. Song công trình hiện đang gặp khó khăn do thiếu vốn, rất cần sự chung tay, góp sức của các tổ chức trong và ngoài nước.

Ngọ Môn là cổng chính phía Nam của Hoàng thành Huế. Ngọ Môn, có nghĩa là cổng giữa trưa hay cổng xoay về hướng Ngọ, là cổng lớn nhất trong 4 cổng chính của Hoàng thành Huế. Đầu triều Nguyễn, cổng này được xây với tên gọi Nam Khuyết Đài, bên trên có điện Càn Nguyên, hai bên có hai cửa là Tả Đoan Môn và Hữu Đoan Môn. Đến năm Minh Mạng 14 (1833), khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng thành, Nam Khuyết Đài được thay thế bằng công trình Ngọ Môn đồ sộ, quy mô như hiện nay với 5 lối đi được thiết kế theo hình chữ U.

Lối chính giữa là Ngọ Môn, chỉ dành cho vua đi, hai bên là Tả Giáp Môn và Hữu Giáp Môn dành cho quan văn, võ theo cùng trong đoàn Ngự đạo. Hai lối đi bên ngoài cùng nằm ở hai cánh chữ U là Tả Dịch Môn và Hữu Dịch Môn dành cho binh lính và voi ngựa theo hầu. Phía trên Ngọ Môn là lầu Ngũ Phụng với 100 cây cột bằng gỗ lim và hệ mái được bố trí thanh thoát mang ý nghĩa biểu tượng của hòa bình, thịnh vượng. Ngọ Môn không chỉ là công trình mang chức năng thuần túy của cửa ra vào Hoàng Thành mà còn là nơi triều đình tổ chức các cuộc lễ lớn như lễ Ban sóc (ban lịch năm mới), lễ Duyệt binh, lễ Truyền lô hoặc nghênh tiếp các sứ thần…

Nơi đây là chứng tích lịch sử của cuộc chuyển giao thế kỷ giữa chính quyền quân chủ triều Nguyễn và chính quyền dân chủ cách mạng vào tháng 8/1945. Chính vì thế, Ngọ Môn mang đậm ý nghĩa văn hóa, lịch sử không chỉ của Huế, của quốc gia, dân tộc mà hơn thế nữa là của nhân loại với vai trò là một bộ phận cấu thành cực kỳ quan trọng trong quần thể di tích Huế đã được công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Trải qua thời gian và chiến tranh, công trình đã được tu sửa nhiều lần. Gần đây nhất là năm 1992-1993, Ngọ Môn đã được Quỹ Ủy thác Nhật Bản thông qua UNESCO tài trợ 100.000 USD cho việc trùng tu, nhưng cho đến nay dưới tác động của thời tiết gió, bão và độ ẩm cao, công trình hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, cần phải được trùng tu để bảo tồn nguyên vẹn./.

(TTXVN)