Từ chỗ đứng bên bờ vực mai một, vừa thiếu nghệ nhân, vừa thiếu người nghe, ca trù Hà Nội đang được hồi sinh mạnh mẽ, với tất cả 16 giáo phường, câu lạc bộ thường xuyên hoạt động. Có được điều này là nhờ sự nỗ lực của ngành văn hóa trong việc hỗ trợ các nghệ nhân giữ nghề, truyền dạy, mở các lớp đào tạo… cũng như của chính quyền một số địa phương.
Các nghệ nhân trình diễn ca trù trong Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ ba |
Đây là bài học để các địa phương khác tham khảo, để có thể đưa ca trù ra khỏi danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của UNESCO.
Trên sân khấu tại Bảo tàng Hà Nội, âm điệu ca trù với những câu “Hồng hồng, tuyết tuyết/Nhớ ngày nào còn chửa biết cái chi chi…” (bài Hồng hồng, tuyết tuyết) được thể hiện bởi những ca nương trẻ tuổi, hay nỗi lòng sâu lắng qua “Lác đác rừng phong hạt móc sa/Ngàn lau hiu hắt thu mờ” (bài Tỳ bà hành) vang lên trong sự phấn khởi của khán giả lẫn người thể hiện. Bởi phải mất mấy năm, những người yêu ca trù Hà Nội mới được hội ngộ để thi thố tài năng cũng như chia sẻ những kinh nghiệm biểu diễn trong Liên hoan Ca trù Hà Nội lần thứ ba tổ chức cách đây không lâu.
Liên hoan lần này chứng kiến màn “ra quân” hùng hậu nhất của ca trù Hà Nội trong những năm qua. Tham gia liên hoan lần này là 12 giáo phường, câu lạc bộ ca trù trên địa bàn Hà Nội, với 92 thành viên, từ những cụ 83 tuổi đến những cháu bé mới 5 tuổi. Tổng số thành viên tham gia trình diễn, hỗ trợ lên tới 140 người. Điều mới mẻ của Liên hoan là có hàng chục thí sinh đăng ký tham dự với tư cách thí sinh tự do. Đây là tín hiệu đáng mừng cho thấy ca trù lan tỏa ngày càng sâu rộng trong cộng đồng.
Trong dàn thí sinh tham gia liên hoan, có rất nhiều gương mặt trẻ nhưng đã có phong thái đĩnh đạc, biểu diễn đầy tự tin, dù còn là “ngọc thô” cần phải qua quá trình rèn giũa. Ca nương Nguyễn Mai Phương (13 tuổi, Câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng) chia sẻ: “Hôm nay con được lên sân khấu biểu diễn, con khá run. Con đã có hai năm tham gia lớp truyền dạy ca trù của nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Tam. Đều đặn mỗi tuần một buổi, con được học sử dụng phách và hát các thể cách cơ bản. Với con, khó nhất là ghép phách với đàn, sao cho tiếng phách giòn, đều, đúng nhịp, sau nữa là làm sao giữ được hơi tốt khi hát, tiếng tròn đủ độ ngân, vang…”.
Cùng với Câu lạc bộ ca trù Thượng Mỗ, rất nhiều câu lạc bộ, nhóm nghệ thuật ca trù cũng mang đến những gương mặt mới, cho thấy thành quả của quá trình gìn giữ, trao truyền di sản ở địa phương; trong đó có không ít ca nương nhí đã chuẩn chỉ trong lối hát, gieo phách chắc, tay róc phách đẹp. Nhiều thí sinh tuy mới được tiếp cận với ca trù trong thời gian ngắn, đã thể hiện tốt các thể cách cơ bản. Trước đây, kép đàn hay quan viên luôn là “của hiếm”, nhiều giáo phường, câu lạc bộ tham dự liên hoan phải chung nhau mời một số kép đàn, quan viên cầm chầu thì nay xuất hiện thêm những kép đàn và quan viên mới, phản ánh sức sống của loại hình di sản này trên địa bàn Hà Nội.
Năm 2009, ca trù được UNESCO ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Thời điểm đó, ca trù đứng bên bờ vực của sự mai một. Hà Nội là cái nôi của ca trù nhưng chỉ có một vài giáo phường hoạt động cầm chừng, thì nay đã có 16 nhóm, câu lạc bộ sinh hoạt, biểu diễn đều đặn, lưu giữ được hơn 30 thể cách, điệu múa cổ và phát triển thêm gần 20 làn điệu mới; hơn 50 người có khả năng truyền dạy, trong đó có tám nghệ nhân nhân dân, 24 nghệ nhân ưu tú… cùng hàng trăm người theo học.
Có được điều đó, trước hết nhờ đến nỗ lực của các nghệ nhân. Vừa qua, trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhiều nghệ nhân vẫn tìm cách tổ chức các lớp học, dạy các cháu nhỏ theo hình thức trực tuyến. Về phía ngành văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho các giáo phường, câu lạc bộ ca trù, với sự tham gia của những nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú và những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực di sản ca trù. Trưởng phòng Quản lý di sản (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) Phạm Thị Lan Anh cho biết: “Sau một thời gian dài bị mai một, nhiều địa phương vẫn có câu lạc bộ ca trù hoạt động nhưng các thể cách, các kỹ thuật hay kiến thức về ca trù đã bị mai một ít nhiều.
Do đó, việc tổ chức các lớp tập huấn nhằm bổ khuyết cho các nghệ nhân, nhất là lớp nghệ nhân trẻ. Khi được nâng cao một cách toàn diện các kỹ thuật nhả chữ, buông câu, gieo phách, các ngón đàn hay kiến thức về ca trù, các giáo phường, câu lạc bộ đều ý thức hơn về giá trị và trách nhiệm với bảo tồn, giữ gìn, phát huy giá trị ca trù”.
Theo nhà nghiên cứu âm nhạc Đặng Hoành Loan, liên hoan là dịp nhìn lại thành quả phục hưng ca trù tại Hà Nội, góp phần vào kết quả thực hiện cam kết với UNESCO về bảo vệ và phát huy giá trị của di sản ca trù trong đời sống đương đại. Kết quả của liên hoan sẽ là một cơ sở dữ liệu tiến tới thực hiện hồ sơ xin chuyển di sản ca trù từ danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp” sang danh sách “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”.
(Theo nhandan.com.vn)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin