Ði tìm những người muôn năm cũ

NAM VIÊN 07:01, 27/01/2023

Những ngày cuối năm, khi anh đào vừa chúm chím nụ hồng, tiết xuân đã về trên phố núi Đà Lạt, những câu thơ đầy day dứt trong bài “Ông đồ” của Vũ Đình Liên lại vọng về trong tôi. Và tôi quyết định đi tìm xem “Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ?”.

Cho chữ đầu xuân. Ảnh: Văn Báu
Cho chữ đầu xuân. Ảnh: Văn Báu

DUYÊN CÙNG MỰC TÀU, GIẤY ĐỎ

Người đầu tiên tôi tìm gặp là nhà thư pháp Mưu Lê. Ngoài 70 tuổi và ngót nghét 20 năm bén duyên cùng mực tàu, giấy đỏ, Mưu Lê là một trong những người viết thư pháp thuộc hàng lão làng, thực sự là “ông đồ già” ở phố núi. Là dân kinh tế (làm kế toán trưởng một công ty ở Đà Lạt trước khi về hưu), nhưng vốn văn chương, chữ nghĩa của ông thật đáng nể. Trước khi đến với thư pháp, ông làm thơ, viết bài cộng tác cho nhiều tờ báo và là hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, thuộc chuyên ngành Văn học. Trong những lần hội ngộ bạn thơ, ngâm nga tặng nhau những câu thơ hay, nhiều người muốn viết lại bằng hình thức thư pháp để làm kỷ niệm. Vốn có hoa tay nên ông không ngần ngại cầm bút. Thư pháp đến với ông tình cờ, nhưng ông đón nhận một cách nghiêm túc. Ông cho rằng: “Người viết chữ đẹp chưa hẳn viết được thư pháp, nhưng viết thư pháp thì trước hết là chữ phải đẹp”. Từ đó, ông miệt mài luyện nét, tạo cho mình một phong cách riêng và một chỗ đứng trong lòng người yêu thư pháp. 

Khác với Mưu Lê, Nguyễn Mậu Pháp là một “ông đồ” đúng nghĩa đen: học Văn, dạy Văn và hiện là Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lang Biang, huyện Lạc Dương. Ông kể: “Năm 2004, tôi hữu duyên gặp hai nhà thư pháp là Bùi Hiếu và Hồ Công Khanh. Qua trò chuyện, tôi được truyền cảm hứng và thấy được ý nghĩa của việc viết thư pháp, ngoài giá trị nghệ thuật, còn là phát huy nét đẹp truyền thống, nét văn hóa độc đáo của dân tộc. Từ đó, tôi bắt đầu luyện tập viết thư pháp”. Theo Nguyễn Mậu Pháp, luyện tập để viết được thư pháp là một quá trình miệt mài, nếu không có sự đam mê chắc hẳn sẽ bỏ cuộc. Ông thường dành thời gian tìm đến những “tiền bối” trong nghệ thuật viết thư pháp, chăm chú nhìn cách họ viết cả về phong thái lẫn nét chữ, rồi về nhà luyện tập theo cách riêng của mình để tránh sự trùng lắp. Có khi viết đi, viết lại nhiều lần một ký tự, hay một chữ, một câu đối… “Một điều may mắn với tôi, đó là hồi nhỏ, tôi đã được cha chỉ dạy cho một vài đường nét chữ Hán, dùng bút lông, nên việc luyện nét thư pháp cũng thuận lợi hơn”, ông chia sẻ. 

Không chỉ những “ông đồ già”, gần đây, du khách và người dân phố núi còn bắt gặp hình ảnh “ông đồ” còn rất trẻ đang cho chữ ở Khu du lịch Đường hầm đất sét (hồ Tuyền Lâm). Thuộc thế hệ 9x, nhà thư pháp Nhân Trần gắn bó với thư pháp vì tình yêu nghệ thuật, nhưng cũng là nghề mưu sinh. Từng bôn ba ở TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, và rồi Nhân Trần đã chọn Đà Lạt làm điểm dừng, bởi theo anh, Đà Lạt là nơi dung dưỡng những tâm hồn nghệ thuật, hướng con người vào điều thiện, vào nghệ thuật hơn là cơm áo, gạo tiền. Hiện nay, ngoài tham gia viết thư pháp, Nhân Trần còn mở lớp dạy thư pháp với mong muốn trao truyền đam mê cho các bạn trẻ. Anh cũng mở một trà quán nhỏ và góc thư pháp trên đường Trạng Trình - không gian dành cho những người thích tĩnh tâm, hoài niệm. 

Nhà thư pháp Nhân Trần tặng chữ cho “tiền bối” Mưu Lê
Nhà thư pháp Nhân Trần tặng chữ cho “tiền bối” Mưu Lê

CHO NGƯỜI ƯỚC VỌNG ĐẦU XUÂN

Mưu Lê, Nguyễn Mậu Pháp, Nhân Trần chỉ là 3 trong số nhiều “ông đồ” ở phố núi Đà Lạt mà tôi được gặp. Mỗi người một độ tuổi, một nghề nghiệp và một cơ duyên đến với thư pháp khác nhau, nhưng điểm chung ở họ là tâm hồn hoài cổ, trân trọng và muốn lưu giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, đó là tục lệ xin chữ - cho chữ đầu xuân. 

Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, xin chữ - cho chữ đầu xuân là nét đẹp văn hóa có từ xa xưa, thể hiện sự trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của người Việt. Người cho chữ là những “ông đồ” có vốn văn hóa, chữ nghĩa thâm sâu. Còn người xin chữ, họ không coi bức thư pháp đơn thuần là tác phẩm nghệ thuật, mà trong đó còn chứa đựng những ước vọng năm mới. Nhà thư pháp Mưu Lê cho biết, dịp đầu xuân, người ta thường xin những chữ mang ý nghĩa may mắn, tròn đầy, sum vầy, hạnh phúc. Đó là chữ “An” để cầu mong sự bình an; chữ “Phúc” để cầu phúc cho bản thân và gia đình; chữ “Thọ” để cầu mong sức khỏe, sống lâu; người kinh doanh buôn bán thì xin chữ “Phát”, “Lộc”. Bên cạnh đó, nhiều người xin chữ “Hiếu” để nhắc nhở bản thân và con cháu hiếu thảo, báo đáp công ơn cha mẹ; hoặc chữ “Nhẫn” nhằm dặn lòng cần kiên nhẫn, nhường nhịn để đi đến thành công…

“Ông đồ” Nguyễn Mậu Pháp
“Ông đồ” Nguyễn Mậu Pháp

Còn theo nhà thư pháp trẻ Nhân Trần, không chỉ dừng lại ở việc cho những chữ mang tính kinh điển, anh còn thông qua thư pháp để gửi gắm những thông điệp cuộc sống đến mỗi người. Đôi lúc, không hẳn cứ xin gì là cho nấy, mà còn phải nhìn người để cho chữ, rồi giảng giải ý nghĩa để họ biết mà hướng tới, mà phấn đấu để đạt được điều mong muốn. Anh kể: “Có người xin mình chữ “Đăng Khoa” hoặc chữ “Đỗ” với mong muốn thi cử, học hành đỗ đạt, nhưng mình lại cho chữ “Học” để gửi gắm rằng sự đỗ đạt không phải tự nhiên đến, mà cần phải chăm chỉ học hành”. 

Một mùa xuân nữa đang về. Không nhộn nhịp như những phố ông đồ ở Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh, nhưng “những người muôn năm cũ” ở phố núi Đà Lạt cũng đang rộn ràng sửa soạn mực tàu, giấy đỏ để nắn nót cho đời, cho người những ước vọng, niềm tin tươi mới.