Ấy là đường hướng mà những người con của Tây Nguyên như nhạc sĩ Krajan Dick, nhạc sĩ Krajan Plin đã làm và ca sĩ Krajan K’Druynh, nhạc công Roda Nai Vi đang, sẽ tiếp tục theo đuổi.
Tiếng trống khai hội tại Triển lãm Thiên đường Tây Nguyên |
1. Trở về văn hóa nguồn cội là hành trình khao khát thẩm nhận các giá trị văn hóa cội nguồn, khơi dậy vẻ đẹp nội sinh, nhằm tìm ra con đường đi phù hợp cho nền văn hóa Tây Nguyên trong thế giới đương đại. Sự khát khao đó, luôn vang động, cồn cào, âm ỉ trong thẳm sâu tiềm thức nhạc sĩ Krajan Dick. “Tây Nguyên mãi là mạch nguồn cảm hứng cho nhiều sáng tác của tôi. Nơi đây, không chỉ có âm thanh cồng chiêng, còn có cả những điệu ru, những câu kể sử thi, những váy áo thổ cẩm tưng bừng sắc màu, những điệu múa uyển chuyển rung rinh đất mẹ...”, anh chia sẻ. Trên hành trình theo dấu chân cha ông, nhạc sĩ Krajan Dick nhận thấy, chính sự phong phú về sắc tộc, cùng địa bàn cư trú và hình thái kinh tế, làm nên tính đa dạng của văn hóa Tây Nguyên. Các sắc tộc bản địa ở đấy đã trỉa cắm trên quê xứ mình một nền văn hóa cực kỳ đặc sắc, cả hữu thể và vô thể. Thế rồi, anh chú tâm gom nhặt các giá trị văn hóa ấy của cha ông, biến chúng thành tư liệu, thành bối cảnh, thành nguồn cảm hứng và sáng tạo nên những sản phẩm du lịch từ di sản văn hóa bản địa Tây Nguyên. Nhạc sĩ Krajan Dick đã thành lập các đội cồng chiêng ngay tại quê nhà - dưới chân núi mẹ Lang Biang - để góp phần quảng bá nét đặc sắc trong âm nhạc cồng chiêng, kết hợp với văn hóa ẩm thực, cùng các tập tục của người K’Ho đưa đến với du khách trong và ngoài nước. Anh còn là một nhà khảo cứu văn hóa, một nghệ nhân cồng chiêng, một nhạc sĩ với một số ca khúc được công chúng mến mộ.
Một căn nhà truyền thống của người Tây Nguyên |
2. Theo một cách trẻ trung và hiện đại, nhạc sĩ Krajan Plin cũng biến di sản văn hóa bản địa K’Ho thành tài sản phục vụ du lịch tại thị trấn Lạc Dương. Có điều, cái gọi là bản sắc tộc người đã không còn ám ảnh anh tới mức cực đoan bởi việc truy tìm căn cước người K’Ho, hay sự hiện hữu của mỗi cá nhân người K’Ho trong xã hội đương đại nữa. Ở cách làm của nhạc sĩ Krajan Plin, biên độ và trường độ văn hóa Tây Nguyên đều được mở rộng với sự kết hợp đa văn hóa, liên văn hóa, chứ không chỉ gói gọn trong thuật ngữ bản địa đến tận gốc rễ. Đơn cử cho việc mở rộng biên độ và trường độ văn hóa Tây Nguyên của anh, thử nhìn qua phương cách Krajan Plin sử dụng âm nhạc cồng chiêng vào hoạt động du lịch sẽ rõ. Anh đã biết mở rộng biên độ giao lưu với thế giới bên ngoài, biết ứng dụng tiện nghi công nghệ hiện đại vào đời sống biểu diễn, biết tìm kiếm những ngôn ngữ biểu đạt mới, biết dung hợp những thứ tưởng chừng như không thể dung hợp. Tuy vậy, Tây Nguyên trong sâu thẳm con người nhạc sĩ Krajan Plin vẫn là một Tây Nguyên chân mộc, thô ráp, xa xăm. Chất điệu ấy, anh thể hiện rõ trong các ca khúc K’Bing ơi, Giữ ấm bếp hồng...
Nghệ nhân đẽo tượng gỗ trong Triển lãm Thiên đường Tây Nguyên |
Văn hóa Tây Nguyên vẫn còn nhiều huyền bí cần được khám phá |
3. Cùng trở về nguồn cội văn hóa Tây Nguyên nhưng bằng một trải nghiệm riêng, ca sĩ Krajan K’Druynh, giọng ca lọt vào vòng chung kết Chương trình Tìm kiếm tài năng Việt - Vietnam’s Got Talent mùa thứ 2 - năm 2013, đã sáng tạo nên mô hình kinh doanh nghệ thuật mới, gắn với nhu cầu thị trường. Anh tâm niệm, phải làm sao cho du khách ai cũng hào hứng và thích thú khi tham gia trải nghiệm, khám phá về văn hóa Tây Nguyên. Ai đã đến rồi thì muốn đến nữa và lúc ra về phải vấn vương, lưu luyến. Muốn được như vậy, người tổ chức tour trải nghiệm cần tạo ra những câu chuyện phù hợp với thị hiếu của du khách, theo kiểu lấy di sản nuôi di sản. Đó có thể là trải nghiệm một câu chuyện văn hóa, cũng có thể là trực tiếp chế biến những món ăn dân dã cùng người bản địa, hoặc một trải nghiệm với nghệ nhân dệt thổ cẩm, hay xem nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng... Ca sĩ Krajan K’Druynh cho rằng, sinh cảnh của Tây Nguyên đã biến đổi nhiều. Vì thế, cách thức tổ chức tour trải nghiệm nghệ thuật trình diễn cồng chiêng phải khác xưa. Như trước đây, cồng chiêng chỉ được tấu khi dân bon có hội và không gian diễn tấu là ngoài trời. Nay, cồng chiêng đã được “giải thiêng” để tấu mỗi khi du khách có nhu cầu xem và hình thức sân khấu cũng không còn đơn giản một cách đơn điệu như trước kia nữa. Theo anh, ngôn ngữ cồng chiêng bây giờ phải là những ngôn ngữ động, múa xoang cũng phải tăng phần diễn hình thể, kết hợp những hoạt động tổng hợp để tăng giá trị của không gian sân khấu, giúp người xem có cảm giác gần gũi với cuộc sống hôm nay. Ấy là cách neo níu nguồn cội của ca sĩ Krajan K’Druynh, neo níu bằng cách sáng tạo thêm những yếu tố mới.
Trong khi đó, nhạc công Roda Nai Vi, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật Lâm Đồng, miệt mài chưng cất những tinh túy từ các di sản văn hóa bản địa Tây Nguyên, rồi đưa những giá trị văn hóa truyền thống Tây Nguyên trở về sống giữa cộng đồng. Những âm thanh Tây Nguyên do chị tạo ra đều mang giọng điệu Tây Nguyên. Nó tự nhiên có như thể hồn vía Tây Nguyên cũng tự nhiên có trong con người nhạc công Roda Nai Vi vậy!
Coi việc thay đổi là cơ hội tốt để bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa quý báu của cha ông, những người con của Tây Nguyên đang nỗ lực phát triển sinh kế của mình từ chính di sản văn hóa bản địa. Đây là một hướng đi cần được khuyến khích, vì “các di sản chỉ có giá trị khi nó mang lại lợi ích cho cộng đồng, cho cuộc sống đương đại”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin