Nghệ nhân ưu tú K’Brel: Truyền tình yêu di sản văn hóa cho thế hệ trẻ

QUỲNH UYỂN 08:27, 17/01/2023

Với những đóng góp không mệt mỏi cho việc bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên, ông K’Brel vừa được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân Ưu tú”. 

Mùa xuân này, Nghệ nhân Ưu tú K’Brel bước vào tuổi 64. Sinh ra khi buôn làng K’ Rọt Dờng, xã Bảo Thuận (Di Linh) còn hoang sơ, rừng không phải là những dãy núi mờ xa mà nằm ngay ở đầu làng, tuổi thơ của K’Brel gắn liền với tiếng chiêng. Ông bà, dòng họ ai cũng sống bằng ruộng rẫy, sinh hoạt dòng tộc với đầy đủ các lễ hội diễn ra theo vụ mùa, K’Brel được xem và tham dự hầu hết các hoạt động buôn làng tổ chức, được hòa mình vào không gian diễn tấu của các đội cồng chiêng trong ánh lửa bập bùng bên chóe rượu cần thâu đêm suốt sáng. Có lần cậu bé K’Brel cùng vài đứa trẻ trong làng được thưởng thức món thịt trâu nướng cùng thử vài ngụm rượu cần và lăn ra ngủ luôn bên đống lửa cùng trai làng dự hội.

Trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho nghệ nhân K’Brel
Trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú cho nghệ nhân K’Brel

Năm 1970, lúc ấy K’Brel mới 11 tuổi, cha của cậu là ông K’Sé (sinh năm 1917) đã dạy cho những đứa con của mình từng động tác, cách cầm chiêng, sự cảm âm của từng cái chiêng để làm quen. Hầu như mỗi ngày khi rảnh là cả nhà lại quây quần bên đống lửa nghe cha hướng dẫn tập đánh chiêng, thổi khèn bầu, khèn sừng trâu và hát dân ca K’Ho. K’Brel đặc biệt quan tâm đến cách đánh chiêng sao cho tiếng kêu phát ra nghe thật có hồn, nhiều hôm, hai bàn tay đau buốt, mỏi nhừ không nhấc lên nổi. Thấy khó, các anh chị em của K’Brel lần lượt bỏ cuộc, không tập nữa, từ đây khi chỉ còn mỗi mình K’Brel, người cha đã tập cho cậu bé nhuần nhuyễn các động tác, biết phân biệt từng cái chiêng, từng thanh âm trong bộ chiêng 6 của người K’Ho và tập đánh đi đánh lại từng bài chiêng cho thật thuần thục. 
Người cha còn kể cho K’Brel nghe ý nghĩa của từng loại chiêng, những bài hát, những điệu vè của dân làng sử dụng trong các lễ hội là tất cả những gì mà tổ tiên người K’Ho gìn giữ qua nhiều thế hệ cho đến bây giờ. Ông mong muốn truyền lại hết cho K’Brel cùng toàn thể dân làng để người K’Ho ai cũng biết hát, biết múa những bài hát, điệu múa của dân tộc mình.
Đến năm 15 tuổi, buôn K’Rọt Dờng tổ chức lễ mừng lúa mới, K’Brel với dáng vóc khỏe mạnh, nhanh nhẹn như con nai rừng và khả năng đánh được nhiều bài chiêng, vinh dự được các già làng chọn vào đội hình thứ 2 (dự bị) sau đội hình các trai làng là những người có trách nhiệm chính của lễ hội. Qua từng mùa lễ hội, K’Brel được nghe và chú tâm, thuộc cơ bản các bài khấn Yàng, khấn thần Núi, thần Rừng, thần Sông, thần Suối; nắm biết trình tự các bước thực hiện lễ cúng; quan sát ghi nhớ các lễ vật kèm theo mà các già làng thực hiện. Mắt thấy, tai nghe và cảm thấy rất yêu thích nên K’Brel thường lân la hỏi chuyện các già làng những điều còn chưa hiểu, những lời khấn trong lễ cúng còn chưa thuộc. Cứ mỗi mùa rẫy một ít, ông đã được các già và cha mình truyền đạt khá nhiều về phong tục, tập quán truyền thống, về văn hóa cồng chiêng của người K’Ho.
Từ đó, mỗi khi buôn K’Rọt Dờng và các buôn làng lân cận như buôn Kala Tô K’Brềng, buôn Kala Tơnggu, buôn Hàng Piơ, buôn Hàng Ùng tổ chức Tết Mừng lúa mới, Lễ Nhô We, Lễ Gùng làng bon…, K’Brel đều được chọn vào đội hình tham gia diễn tấu cồng chiêng. Anh có cơ hội được học đầy đủ hơn từ các già làng, từ các anh thanh niên đi trước. 

Nghệ nhân Ưu tú K’Brel thực hiện nghi thức mời Yàng về chung vui với buôn làng
Nghệ nhân Ưu tú K’Brel thực hiện nghi thức mời Yàng về chung vui với buôn làng


Năm 1986, K’Brel được xã cử tham gia chương trình giao lưu với các xã trong huyện Di Linh. Lần đầu tiên K’Brel đứng trên sân khấu biểu diễn cho rất đông người xem, anh cảm thấy rất tự hào. Sau chương trình, anh được nhiều người biết và tìm đến học đánh chiêng. Trong suốt 15 năm (1988 - 2003), anh đã tự truyền dạy cho nhiều người biết đánh và cảm nhận âm thanh qua từng cái chiêng, biết vận dụng các bài chiêng với nhau trong từng lễ hội nhằm tạo nên những không gian mới lạ, thu hút người nghe. Dù điều kiện kinh tế gia đình giai đoạn này rất khó khăn, nhưng anh cùng với bà con trong buôn làng vẫn thường xuyên sử dụng cồng chiêng trong các dịp ma chay, cưới hỏi, đặc biệt, vẫn duy trì các lễ hội truyền thống. K’Brel đã cùng với các nghệ nhân như ông K’Bon (đã được Nhà nước phong tặng Nghệ nhân Ưu tú năm 2019), ông K’Brêm đã dạy cho tất cả 4 người con của mình, 47 người trong họ hàng và trên 56 nam, nữ thanh niên các buôn trong xã biết đánh từ 2 đến 7 bài chiêng thường được sử dụng.
K’Brel đã tự nghiên cứu, sưu tầm được nhiều bài chiêng của đồng bào K’Ho, rồi tự hệ thống cho mình các bài chiêng, cách diễn tấu, cách đánh. Rồi lấy đó làm cơ sở cho việc truyền dạy để người trẻ khi học dễ dàng tiếp nhận và cảm nhận được hết cái hồn, cái thiêng trong từng thanh âm cùng sự giao cảm giữa con người với thiên nhiên. 

Ngoài việc dạy cho con em biết đánh chiêng thì K’Brel còn truyền đạt ý nghĩa từng bài chiêng và sử dụng như thế nào cho phù hợp với từng lễ hội, truyền cho các em cả tình yêu và ý thức trách nhiệm trong việc gìn giữ và phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng của người K’Ho mà cha ông đã để lại.

Năm 1989, K’Brel tham gia Liên hoan Cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng tổ chức tại Di Linh, đây là cơ hội quý báu đối với anh khi được giao lưu, tìm hiểu sâu hơn nữa về cồng chiêng Tây Nguyên nói chung và dân tộc K’Ho nói riêng. Năm 2005, anh được Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Di Linh mời phục dựng lễ hội Mừng lúa mới tổ chức tại buôn Kala Tô Krềng, xã Bảo Thuận. Niềm đam mê có dịp phát huy, K’Brel đã cùng các nghệ nhân và bà con vào rừng chặt cây, chặt dây về làm cây nêu, chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cho việc tổ chức lễ hội, 15 ngày tập trung tập luyện 7 bài chiêng. Lễ hội đã thu hút rất đông bà con K’Ho từ các xã Gung Ré, Tân Châu, Liên Đầm, Đinh Lạc đến tham gia.
Từ năm 2003 đến nay, trong suốt 20 năm, nhiều lớp truyền dạy cồng chiêng do các cấp tổ chức, nghệ nhân K’Brel được mời truyền dạy cồng chiêng cho các bạn trẻ ở Tân Châu, Đinh Lạc, Bảo Thuận, học sinh Trường Dân tộc nội trú huyện… Được giao trọng trách lớn lao, ông dành hết tâm huyết, lòng nhiệt tình, không quản mưa gió, tận tụy truyền dạy với mong muốn con cháu sau này ai cũng biết sử dụng và đánh cồng chiêng. “Thấy những gương mặt trẻ non nớt, nhiều cháu mới ở độ tuổi 11 - 14 tuổi say mê luyện tập vào các buổi tối tại hội trường thôn, tôi thấy lòng rất vui nên ngoài giờ tập trên lớp tôi còn tập thêm cho các cháu ở nhà, giúp các cháu ai cũng thuần thục các động tác và sử dụng được tất cả các chiêng”, nghệ nhân K’Brel trải lòng. 
Hơn 45 năm kể từ khi biết cảm nhận tiếng chiêng đến nay, nghệ nhân K’Brel đã thuần thục, thường xuyên diễn tấu 17 bài chiêng: Tam Biáp (Trồng rau, thuận lợi cho vụ mùa); Hoài Me Bàr - Dăn Biăp Dan Gòl (Cầu mưa); Tợt Dròng Dròng; Drúp Me Mờ Kòn (Tình mẹ con); Bài Dròng Yài (Chào mừng quan khách); Tinh Doat (Mừng vụ mùa); Thơt Thơt Thoàng (Mừng quan khách đến tham dự lễ hội); Plai Blơn (Mong một vụ bội thu)… Bên cạnh đó, ông còn biết sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ dân tộc như trống (được làm từ da trâu), khèn bầu, tù và. 
Trong tổng số 187 học trò đã được nghệ nhân K’Brel truyền dạy cồng chiêng có K’Bés (1960) bạn cùng làng, kém ông 1 tuổi là học trò tiêu biểu xuất sắc nhất đã cùng ông trưởng thành, cùng ông tham gia nhiều chương trình giao lưu ở các xã, huyện, tỉnh và khu vực. Nghệ nhân K’Brel coi mỗi cuộc giao lưu là cơ hội để ông được học hỏi, gặp gỡ chia sẻ kinh nghiệm với các nghệ nhân đến từ các địa phương trong tỉnh, các dân tộc anh em trên dải Trường Sơn - Tây Nguyên. Từ đó trao truyền lại những hiểu biết của mình cho con cháu người K’Ho, góp một phần nhỏ bé của mình trong việc gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.