Gửi gắm niềm tin, kỳ vọng |
Đại hội Hội Văn học Nghệ thuật lần thứ VII nhiệm kỳ 2023 - 2028 thành công đã mở ra một giai đoạn phát triển mới của văn học - nghệ thuật Lâm Đồng. Nhiều tâm tư, tình cảm và niềm tin của văn nghệ sĩ kỳ vọng vào sự đổi thay trong nhiệm kỳ mới.
• NHÀ THƠ NGUYỄN MỘNG SINH:
Tôi vẫn hay băn khoăn về “nghề nghiệp” của những người hoạt động sáng tạo văn học - nghệ thuật (VHNT), về tính chất đặc thù của lao động trong lĩnh vực này, về mối liên kết xã hội của cộng đồng những người tình nguyện tham gia làm của một tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp đặc thù là Hội VHNT. Những người tự nhận làm công việc sáng tạo VHNT như nghề nghiệp của mình là nhà hoạt động văn hóa, mà văn hóa là lĩnh vực đời sống tinh thần của con người. Việc xây dựng nền văn hóa và những con người có văn hóa là một đòi hỏi khách quan có tính then chốt quyết định cho sự tồn tại và phát triển, là nhiệm vụ quan trọng mà bất cứ một cộng đồng xã hội nào đều phải coi là công việc thiết thân, thiết thực phải làm với trách nhiệm cao nhất.
Nhiệm vụ của VHNT là xây dựng cái chân, thiện, mỹ; việc xây dựng, tôn vinh chủ nghĩa nhân đạo là trách nhiệm đạo đức xã hội của văn nghệ sĩ. Với tinh thần công dân, lập trường công dân, sự kiên định tư tưởng, tình cảm của văn nghệ sĩ trong thực hiện vai trò, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của cá nhân cũng như của một tổ chức, cộng đồng mà mình là thành viên phải là mục tiêu phấn đấu thường trực trong làm nghề, hành nghề. Chỉ có thể mang hết tâm huyết, nhiệt tình, dấn thân lao động sáng tạo mới hy vọng đạt được mục tiêu duy nhất và cao cả này. Đó chính là cái “nghiệp” của văn nghệ sĩ.
Muốn tạo sự đột phá trong tư duy và hành động, trong nhiệm kỳ mới, phải có những điều chỉnh, thay đổi, đổi mới cần thiết từ phía lãnh đạo quản lý của tỉnh, từ chính bộ máy điều hành hoạt động của Hội, của các chi hội và của chính bản thân hội viên. Cần tạo lập một môi trường thuận lợi để kích thích, kích hoạt óc sáng tạo cá nhân, phát triển trí tuệ, phát huy bản lĩnh, bồi dưỡng kỹ năng hoạt động của văn nghệ sĩ. Đó là môi trường có sự liên hệ, liên kết, hợp tác, phối hợp chặt chẽ bên trong tổ chức Hội, và giữa tổ chức Hội với các đơn vị, các cộng đồng bên ngoài thông qua giao lưu, đối thoại, tư vấn, phản biện.
Cần làm sao để mỗi khi đánh giá tổng kết hoạt động của hội viên, của chi hội, của Hội không chỉ liệt kê số lượng tác phẩm mà còn phản ánh đầy đủ, toàn diện những kết quả cụ thể về việc xây dựng môi trường này, một môi trường được coi là nền văn hóa của tổ chức, của những con người tự nguyện đứng trong một tổ chức hoạt động văn hóa đặc thù.
• NHÀ VĂN NINH THẾ HÙNG:
Tạp chí Lang Bian là linh hồn của Hội, là kênh chính để công bố tác phẩm VHNT, đưa thành quả lao động sáng tạo của văn nghệ sĩ đến công chúng. Nâng cao chất lượng sáng tác văn học - nghệ thuật để tạo sự phong phú cho Tạp chí Lang Bian, lôi cuốn, hấp dẫn bạn đọc là vấn đề lớn cần đặt ra trong nhiệm kỳ mới.
Ở Lâm Đồng, nếu không là văn nghệ sĩ, không là hội viên Hội VHNT Lâm Đồng thì ít người biết đến Tạp chí Lang Bian; dù tạp chí rất phong phú về thể loại, người sáng tác, công bố tác phẩm cũng nhiều và thuộc đủ thành phần xã hội, trong điều kiện một miền văn hóa giàu bản sắc, thiên nhiên tươi đẹp, Tạp chí Lang Bian là một tạp chí có đầy đủ tiềm lực. Làm sao để Lang Bian công bố những tác phẩm có chất lượng của văn nghệ sĩ Lâm Đồng, có độ thẩm mỹ phù hợp, xứng tầm để nâng tầm tạp chí lên một tầm cao hơn, phát hành được tạp chí đến đông đảo công chúng là vấn đề cần đặt ra.
Người sáng tác mang nặng những suy tư, cảm xúc, cảm nhận từ thực tiễn cuộc sống qua khả năng nghệ thuật của cá nhân mà đưa vào tác phẩm. Để nâng cao chất lượng tác phẩm, mỗi văn nghệ sĩ phải trăn trở, học hỏi để mang vốn sống ấy vào tác phẩm, tạo nên tác phẩm có giá trị. Phải luôn tự đổi mới mình trong cách thể hiện, tạo cho mình phong cách riêng, không đi theo lối mòn của người khác, không tự bằng lòng với mình, luôn khiêm tốn học hỏi, đi nhiều, đọc nhiều để nâng tầm nhận thức, có hiểu biết, có phương pháp sáng tác, biết kết hợp với thực tiễn cuộc sống qua nghệ thuật biểu đạt. Hội cần có chính sách hỗ trợ sáng tác cho văn nghệ sĩ nhiều hơn; thường xuyên tổ chức các chuyến thâm nhập thực tế ngắn ngày tại địa phương để văn nghệ sĩ có tư liệu từ cuộc sống, có chất liệu sáng tác phong phú, từ đó mới sáng tạo nên những tác phẩm có giá trị.
Cần thay đổi để Lang Bian trở về là một tạp chí VHNT đúng nghĩa, không báo chí hóa, lấn sân qua báo. Lang Bian làm nhiệm vụ chính trị bằng nghề thuật chứ không phải tuyên truyền cổ động khô khan. Văn nghệ sĩ là người sáng tác VHNT, không phải là người đưa tin thời sự, họ cần có độ lùi về thời gian để đưa hiện thực cuộc sống vào tác phẩm. Phải thay đổi cách nhìn về chất lượng của một ấn phẩm VHNT, đừng lấy tiêu chuẩn của báo ngày, báo tuần mà đưa ra các chủ đề cho từng số, chọn bài đăng trên tạp chí.
• HỌA SĨ VI QUỐC HIỆP:
Tôi đặt niềm tin và hy vọng Ban Chấp hành nhiệm kỳ mới sẽ đưa Hội tiến xa hơn, lên một tầm cao hơn nữa.
Riêng về mỹ thuật, thời gian qua, anh em họa sĩ chịu khó sáng tác nhưng không mấy tìm tòi, ít đổi mới cách vẽ. Cứ lặp đi lặp lại kiểu sáng tác cũ của mình. Anh em đồng nghiệp ít có sự gắn kết với nhau nên hạn chế sự học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng sáng tạo với nhau. Còn ít các họa sĩ phải tự thân vận động đưa tác phẩm của mình tới công chúng. Ta nên học tập các tỉnh, thành trong nước về sự gắn kết giữa các họa sĩ. Họ tổ chức rất nhiều đợt đi sáng tác theo nhóm. Rồi cùng nhau tìm tòi đề tài sáng tạo, vẽ chung hoặc là mở thêm các lớp học về sơn mài, về khắc gỗ to bản, tạo không khí thi đua sôi nổi, cùng nhau đưa nghệ thuật tạo hình đến công chúng, làm đẹp cuộc sống. Lâm Đồng muốn làm được điều này thì phải có vai trò của Hội. Rất mong khóa này, các chi hội chuyên ngành, trong đó có mỹ thuật nhận được sự quan tâm của lãnh đạo Hội ở mức cao nhất để nâng cao chất lượng sáng tác mỹ thuật Lâm Đồng nói riêng và văn học - nghệ thuật Lâm Đồng nói chung.
• NGHỆ SĨ NHIẾP ẢNH NGUYỄN CAO MINH NGỌC:
Tôi mong muốn nhiệm kỳ mới, Ban Chấp hành Hội bắt kịp tình hình phát triển kinh tế - xã hội, từ đó có những định hướng hoạt động một cách thiết thực, đổi mới, phù hợp với thời đại. Phải làm công tác tham mưu cho các cấp, nâng trình độ cảm thụ VHNT cho quần chúng Nhân dân. Phải làm sao xây dựng, tạo sự kết nối và tương tác sâu rộng với người dân, đặc biệt là giới trẻ hiện nay. Chú trọng vận động, kết nạp hội viên mới, xây dựng đội ngũ kế thừa bổ sung nhân lực trẻ giúp cho Hội ngày càng phát triển.
Giới trẻ ngày nay có khả năng sáng tạo VHNT nhưng ít người muốn vào Hội. Đây là vấn đề mà rất nhiều người quan tâm hiện nay. Nguyên nhân là do sự phát triển của các Hội VHNT không bắt kịp tình hình phát triển của kinh tế - xã hội. Sự bùng nổ của truyền thông, các mạng xã hội hiện nay luôn mở và kết nối toàn cầu, là kênh để người sáng tạo VHNT tự đưa tác phẩm đến công chúng. Cũng có thể sân chơi VHNT chưa hấp dẫn, chưa lôi cuốn được nhân tài, hoạt động Hội còn mang tính hình thức...
Bên cạnh đó, mỗi hội viên phải nỗ lực phát huy khả năng xây dựng "hình ảnh cá nhân", xây dựng "thương hiệu bản thân", ghi dấu ấn, phong cách thì mới đóng góp và tạo nên một Hội VHNT vững mạnh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin