Nhiều năm nay, bà con ở thôn Đồng Lạc 3, xã Đinh Lạc, huyện Di Linh đã quen thuộc với những thanh âm dịu ngọt từ những chiếc đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt... vào những buổi chiều tà. Những giai điệu ngọt ngào, du dương ấy được vang lên bởi người “nghệ sỹ nông dân” Nguyễn Văn Bân (81 tuổi).
Ông Nguyễn Văn Bân luôn giữ hồn cho nhạc cụ dân tộc |
Ngồi bên ô cửa sổ, ông Nguyễn Văn Bân say sưa đánh đàn. Cây đàn do chính tay ông làm ra và đã gắn bó với ông hàng chục năm nay. Âm thanh phát ra từ cây đàn như kể lại những thăng trầm trong cuộc đời ông với nhiều ký ức đẹp, vui vẻ.
Ông Bân sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hải Hậu, Nam Định giàu truyền thống văn hóa, văn nghệ. Chính yếu tố đó đã trở thành cái nôi nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu đối với âm nhạc trong ông. Từ nhỏ, hễ thấy ai chơi đàn, thổi sáo là ông chỉ muốn lắng nghe hay ngắm nghía các loại nhạc cụ hàng giờ không biết chán. Và không biết từ lúc nào, những giai điệu ngọt ngào, sâu lắng của những nhạc cụ dân tộc đã ngấm vào người ông, trở thành đam mê, yêu thích.
Năm 18 tuổi, thấy chàng trai ấy có năng khiếu, nên tỉnh Nam Định đưa đi học chuyên nghiệp phục vụ cho đoàn văn công của tỉnh. Được trời phú cho khả năng cảm thụ và đam mê âm nhạc, chỉ trong một thời gian ngắn, ông Bân đã chơi các loại nhạc cụ: sáo, đàn nhị, đàn nguyệt và các dụng cụ âm nhạc khác một cách thuần thục.
Ông Bân chia sẻ, sau khi được Đoàn chèo Nam Định đào tạo, ông hoạt động phục vụ văn nghệ trên khắp các chiến trường. Sau giải phóng, do điều kiện kinh tế tại quê nhà khó khăn, năm 1980, ông rời quê hương Nam Định vào Ninh Loan (Đức Trọng) sinh sống. Ngày ấy, vào vùng đất mới, nhưng ngọn lửa đam mê nhạc cụ dân tộc vẫn âm ỉ cháy trong con người ông, nó như sức mạnh tinh thần giúp ông vượt qua khó khăn. Để vơi đi nỗi buồn xa quê, ông thành lập chiếu chèo. Mỗi lần chiếu chèo của ông biểu diễn là thu hút hàng trăm lượt người đi xem, có thời điểm lên đến cả ngàn người.
Năm 1990, ông về vùng đất Di Linh sinh sống. Cũng như nhiều người xa quê làm kinh tế mới, cuộc sống của ông gắn liền với ruộng đồng, nương rẫy. Tranh thủ những lúc nông nhàn, ông lại đắm mình bên những nhạc cụ dân tộc. Không những biết chơi nhạc, diễn tấu những nhạc cụ dân tộc, với khả năng thẩm âm tốt, cộng với sự đam mê, chịu khó tìm tòi, học hỏi, ông Bân đã trở thành người chế tạo nhạc cụ truyền thống, nổi bật là đàn kìm, đàn tranh, đàn tỳ bà...
Nghề nông mới là nghề chính nuôi sống bản thân ông và gia đình, nhưng điều đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cũng như tìm thấy ý nghĩa cuộc sống với ông lại chính là những nhạc cụ dân tộc. Trong căn nhà nhỏ của gia đình, những cây đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu, đàn nguyệt... được ông Bân treo trang trọng trên tường.
Dù lớn tuổi nhưng sức khỏe của ông vẫn còn dẻo dai, đôi mắt vẫn còn nhìn rõ từng sợi dây đàn, đôi tay vẫn đánh các nhạc cụ điêu luyện. Cứ mỗi buổi chiều tối, người dân xung quanh nhà ông lại nghe tiếng đàn cất lên, họ cảm thấy thân thuộc và gần gũi, nó như món ăn tinh thần sau một ngày dài làm việc mệt mỏi.
Với mong muốn những âm thanh của nhạc dân tộc được bảo tồn, phát huy và vươn xa đến nhiều người hơn, ông Bân vẫn đang hoạt động trong Câu lạc bộ Dân ca nhạc cổ truyền của tỉnh Lâm Đồng, đào tạo hàng trăm thế hệ trẻ có đam mê, năng khiếu với văn hoá dân tộc. Bên cạnh đó, ông còn vận động những người yêu thích nghệ thuật dân gian trong xã thành lập Câu lạc bộ Dân ca của xã Đinh Lạc. Ngoài truyền đạt những kỹ năng cơ bản về nhạc cụ dân tộc, những làn điệu dân ca Kinh Bắc, ông cũng truyền cả niềm đam mê của mình cho mọi người. Câu lạc bộ hiện có trên 20 thành viên ở nhiều lứa tuổi tham gia, ngôi nhà đơn sơ của gia đình ông cũng chính là địa điểm sinh hoạt, tập luyện. Mỗi khi trong thôn, trong xã tổ chức hội thi, hội diễn, đội văn nghệ của ông cũng đã tham gia, đóng góp tích cực cho phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương.
Ông Trương Quốc Phương - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Lạc cho biết, ông Bân là người đi đầu trong các hoạt động văn hoá văn nghệ tại địa phương. Dù đã nhiều tuổi, đi lại khó khăn, nhưng tình yêu, niềm đam mê đối với các nhạc cụ truyền thống của ông vẫn luôn cháy mãi và vẫn thường xuyên tham gia khi có các buổi biểu diễn, giao lưu. Được đánh và biểu diễn các nhạc cụ dân tộc giúp ông khỏe mạnh và mang lại nhiều niềm vui cho mọi người. Ông Nguyễn Văn Bân đã góp phần không nhỏ trong việc bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mãi trường tồn trên vùng đất mới Nam Tây Nguyên.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin