(LĐ online) - Chiều ngày 4/2 (tức 14 tháng Giêng Quý Mão), tại Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Lâm Đồng, Chi hội Văn học Đà Lạt (thuộc Hội VHNT Lâm Đồng) phối hợp cùng Ban Giám hiệu nhà trường tổ chức Ngày thơ Việt Nam lần thứ 21 – Nguyên tiêu 2023. Tham dự có các nhà văn, nhà thơ, các văn nghệ sĩ, các thầy cô giáo, cùng hơn 400 học sinh của trường.
Sau 3 năm phải tạm hoãn do đại dịch Covid-19, những người yêu thơ ở thành phố Hoa lại được đắm chìm trong những vần điệu, tứ thơ chất chứa yêu thương. Với chủ đề “Nhịp điệu mới”, Ngày Thơ được mở đầu bằng bài thơ Thần “Nam quốc sơn hà” của Lý Thường Kiệt được coi là bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của nước Việt qua giọng đọc hùng hồn, hào sảng của nhà thơ Nguyễn Mộng Sinh. Giọng ngâm thơ ngọt ngào đằm thắm của nghệ sĩ Thu Thủy đã đưa người yêu thơ đến với tác phẩm “Nguyên tiêu” bất hủ của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong một đêm trăng đầu xuân giữa dòng sông trong vắt.
Ngày Thơ Việt Nam đã diễn ra trong không gian của thi, nhạc, thư pháp sâu lắng mà dung dị, các nhà thơ đã cùng nhau ngâm, đọc 25 bài thơ hay, tứ thơ đẹp của mình ngợi ca quê hương, niềm tự hào dân tộc, mùa xuân tươi đẹp và con đường đổi mới phát triển đi lên của đất nước. Có thể kể: Thuận Thành một ngày tiêu dao (Vương Tùng Cương), Mùa Xuân có Đảng (Sương Mai), Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa (Nguyễn Duy – Đinh Bá Quang diễn ngâm), Bình minh từ những nhịp chày (Trần Ngọc Trác), Trai núi (Uông Thái Biểu), Mimosa (Mưu Lê), Đà Lạt vào Xuân (Vũ Dậu), Phố ông đồ (Lê Trọng), Xuân đến với đảo xa (Hoàng Sơn Lâm), Mùa xuân và hy vọng (Nguyễn Vĩnh), Giọt đắng (Nguyễn Mậu Pháp)...
Cùng với các nhà thơ, các thầy cô giáo và các em học sinh cũng trình bày nhiều vần thơ đầy cảm xúc: Cô giáo nhỏ của tôi (Nguyễn Thị Thái), Xuân ước mơ (K’Thi) (Xuân ước mơ), Khúc nhạc xuân (H’Luyến Dơng Tri), Về Lạc Dương đi em (Ngọc Linh), Ước mơ tình yêu (Ya Trường), Ngày xuân (K’Thoa)…
Nhân dịp đầu Xuân, nhà trường đã tổ chức cuộc thi viết thư pháp và nhận được 22 bức thư họa của 20 em học sinh chất chứa những lời hay, ý đẹp trong những con chữ đầy sáng tạo. Căn cứ vào những tiêu chí về mỹ học của nghệ thuật thư pháp, 2 nhà thư pháp Mưu Lê và Nguyễn Mậu Pháp đã thẩm định và trao 5 giải thưởng cho các em có tác phẩm xuất sắc.
Bên cạnh việc trình diễn, hát ru, ngâm, đọc thơ, còn có thư họa, tiếng đàn, tiếng nhạc, các làm điệu dân ca dân nhạc cùng hòa quyện, các hoạt động đề thơ, tặng thơ đã làm cho không gian Ngày Thơ thêm nhiều sắc màu xúc cảm.
Việc đưa Ngày thơ Việt Nam đến với các em học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh, đã làm nhân lên tình yêu thi ca trong lòng thế hệ trẻ, tiếp nguồn cảm hứng cho các em có năng khiếu sáng tác, động viên các em cầm bút sáng tạo nên tác phẩm. Từ đó, phát hiện năng khiếu, tạo nguồn lực kế cận là những người trẻ tuổi, ưu tiên đồng bào dân tộc thiểu số theo đúng định hướng phát triển hội viên của Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng.
Các văn nghệ sĩ trình bày những vần thơ hay |
Các văn nghệ sĩ trình bày những vần thơ hay |
Biểu diễn các làn điệu dân ca với ca từ là những vần thơ |
Trao giải thưởng cuộc thi viết thư pháp cho các em học sinh |
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin