Tạo điều kiện và môi trường phát triển văn học - nghệ thuật

TRỊNH CHU 01:00, 22/02/2023

Sáng tạo văn học - nghệ thuật (VHNT) luôn mang dấu ấn cá nhân văn nghệ sĩ. Tuy nhiên, nó sẽ không thừa nếu văn nghệ sĩ được tạo thêm điều kiện và môi trường thuận lợi để thúc đẩy hoạt động sáng tạo, cũng như giúp cho việc giới thiệu, quảng bá, truyền thông tác phẩm của mình đến gần hơn với công chúng, xã hội.

Các văn nghệ sĩ đi thực tế tìm kiếm tư liệu sáng tác tại Lâm Hà
Các văn nghệ sĩ đi thực tế tìm kiếm tư liệu sáng tác tại Lâm Hà

VHNT có vai trò quan trọng trong việc bồi đắp, xây dựng nhân cách con người và đạo đức xã hội, góp phần trực tiếp xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn thể hiện sự quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực có tính đặc thù này. Thời gian qua, nhiều chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước đã được ban hành, tạo các hành lang pháp lý giúp VHNT có điều kiện, môi trường thuận lợi để phát triển. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đã phê duyệt nhiều đề án về chế độ, chính sách đối với hoạt động VHNT và văn nghệ sĩ. Việc hỗ trợ, khuyến khích, đặt hàng văn nghệ sĩ sáng tác và công bố tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao của Chính phủ được các văn nghệ sĩ hết sức hoan nghênh, ủng hộ. Theo nhà thơ Dương Thành Thái, Chi hội VHNT Lâm Hà, hỗ trợ tài chính cho các tác phẩm VHNT là rất cần thiết, vì nó thúc đẩy hành trình sáng tạo. Cùng với việc hỗ trợ tài chính cho các tác phẩm VHNT, việc tổ chức cho văn nghệ sĩ đi thực tế tìm kiếm tư liệu sáng tác, hoặc mở những hội thảo, hội nghị bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cũng hết sức quan trọng. Bởi qua các hoạt động như vậy, văn nghệ sĩ có cơ hội thâm nhập thực tế, được tiếp xúc các tư liệu quý, được giao lưu, học hỏi nghề từ đồng nghiệp để rồi tự soi lại mình và sáng tạo những tác phẩm mới. 

Còn nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Quang Tín, Chi hội trưởng Chi hội Nhiếp ảnh Lâm Đồng, bày tỏ: “Nhiệm kỳ VI, 2017 - 2022, Hội VHNT Lâm Đồng đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho các nghệ sĩ nhiếp ảnh hoạt động sáng tác, triển lãm, dự thi... Thế nhưng, so với mặt bằng chung của cả nước thì “sân chơi” nhiếp ảnh của Chi hội Nhiếp ảnh Lâm Đồng còn quá eo hẹp. Thử nhìn tỉnh Bình Thuận để thấy, hàng năm, tỉnh đều tổ chức Cuộc thi Ảnh nghệ thuật Sắc màu Bình Thuận mở rộng. Ninh Thuận cũng vậy, cứ 2 năm tổ chức 1 lần Cuộc thi Ảnh nghệ thuật. Tương tự, Kiên Giang hầu như năm nào cũng tổ chức 1 Cuộc thi ảnh Nghệ thuật và Đắk Nông 5 năm qua đã tổ chức 2 Cuộc thi Ảnh nghệ thuật mở rộng”.

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Quang Tín cho rằng, những năm gần đây, nhiếp ảnh Lâm Đồng cứ mãi đi trên lối mòn của mình. Muốn có thay đổi, phải mạnh dạn đột phá. Đây là thách thức của nhiếp ảnh Lâm Đồng. “Trong những năm tới, chúng ta phải tự tạo cơ hội cho chính mình bằng sự nỗ lực của mỗi nghệ sĩ nhiếp ảnh. Hi vọng nỗ lực đó sẽ được cộng hưởng bởi sự quan tâm, hậu thuẫn của các cấp lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo TP Đà Lạt và các doanh nghiệp để nhiếp ảnh Lâm Đồng có những cơ hội tốt nhất trong sáng tạo và phổ biến tác phẩm”, nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Quang Tín tâm sự. 

Trong khi đó, theo nhạc sĩ Krajan Plin, để VHNT nói chung, VHNT dân tộc thiểu số nói riêng có bước tiến mới, xứng đáng với sự tin yêu, kỳ vọng của cộng đồng, các cơ quan hữu quan cần có kế hoạch, định hướng cụ thể, kèm với đó là kinh phí đầu tư cho những người thật sự hiểu biết và trách nhiệm với di sản văn hóa các dân tộc thiểu số. Ngoài ra, các cơ quan hữu quan nên tạo điều kiện kết hợp đội ngũ văn nghệ sĩ người dân tộc thiểu số hiểu biết nhiều về sử thi, luật tục, lời nói vần, cổ tích... với những văn nghệ sĩ người Kinh để thu thập, nghiên cứu, sáng tác, bảo tồn, phát huy, đồng thời làm rõ các giá trị của những di sản văn nghệ dân gian ấy.