(LĐ online) - Nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam 27/2, Thư viện Lâm Đồng đã trưng bày sách chuyên đề “Lương y như từ mẫu” giới thiệu đến bạn đọc hơn 50 đầu sách về ngành y, nghề thầy thuốc và sự nghiệp chữa bệnh cứu người, chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
Trưng bày sách về Ngày Thầy thuốc Việt Nam |
Những trang sách đã làm sáng ngời đạo đức nghề nghiệp của các thế hệ thầy thuốc, y bác sĩ Việt Nam. Có thể kể: Những thiên thần áo trắng - Chân dung người thầy thuốc và câu chuyện nghề (Đặng Kim Sơn), Những danh y lừng danh đất Việt (Phạm Minh Thư), Người chiến sĩ áo trắng (nhiều tác giả), Ông Năm Yersin (Cao Linh Quân), Thầy thuốc và bệnh nhân (Đỗ Hồng Ngọc), Giáo sư Nguyễn Thiện Thành - Người thầy thuốc, người chiến sĩ anh hùng (Nguyễn Đức Công), Giáo sư Tôn Thất Tùng - Người Thầy thuốc mẫu mực của Nhân dân (Đại học Y Hà Nội), Trọn tình với Nhân dân - Gương sáng ngành y (Phan Ngọc Quang), Nobel sinh lý và y học - danh nhân Nobel Thế giới (nhiều tác giả)…
Không chỉ khám bệnh ở bệnh viện, tận tâm, hết lòng vì người bệnh, nhiều cuốn sách hay do các bác sĩ viết đưa đến công chúng để chăm sóc, tư vấn chế độ dinh dưỡng, cung cấp kiến thức y học, phương pháp chăm sóc sức khỏe để mọi người cùng biết cách bảo vệ sức khỏe, phòng bệnh hơn chữa bệnh.
Có thể kể: Bác sĩ tốt nhất của nhà mình (Trần Quốc Khánh), Những quy tắc hữu ích trong cuộc sống khỏe mạnh (Hà Sơn - Khánh Linh), Những sai lầm trong gìn giữ sức khỏe, Những sai lầm trong trong chăm sóc sức khỏe (Nguyễn Thanh Hà), 300 câu hỏi giải đáp về sức khỏe (Nguyễn Minh Hồng), 300 câu hỏi kiến thức sức khỏe (Khánh Linh - Hà Sơn), Những ngộ nhận về sức khỏe (Hoàng Thị Thu Hà dịch), Đôi mắt nhìn thế giới (Thanh Bình), Điều quý nhất cho sức khỏe (Hà Sơn - Khánh Linh)…
Trưng bày sách mở ra cho bạn đọc thấy rõ lời răn của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông từ cách đây mấy trăm năm đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa: “Thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người, sống chết một tay mình nắm, phúc họa một tay mình giữ. Thế thì đâu có thể kiến thức không đầy đủ, đức hạnh không trọn vẹn, tâm hồn không rộng lớn, hành động không thận trọng mà dám liều lĩnh học đòi cái nghề cao quý đó chăng? Khi chữa bệnh cho ai, chớ có mưu cầu quà cáp. Nghề thầy thuốc là nghề thanh cao, càng phải giữ khí tiết cho trong sạch…”.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin