Ngày 15/3/1953, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, chính thức thành lập ngành Nhiếp ảnh, điện ảnh Việt Nam với tư cách là tổ chức nhà nước. Từ khi ra đời, sắc lệnh đã có ý nghĩa to lớn đối với sự hình thành và phát triển của nền điện ảnh cách mạng Việt Nam, đánh dấu sự đóng góp của nghệ thuật thứ bảy vào kho tàng nghệ thuật của dân tộc. Từ năm 2009, ngày 15/3 hằng năm được chọn là Ngày Điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Dạ hội điện ảnh với nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa đưa đến công chúng |
Trong dòng chảy 70 năm điện ảnh cách mạng Việt Nam 15/3 (1953-2023), Điện ảnh Lâm Đồng cũng đi được chặng đường 47 năm kể từ sau ngày đất nước thống nhất. Với tên gọi Quốc doanh chiếu bóng Lâm Đồng, điện ảnh Lâm Đồng đã ghi dấu ấn với sự hoạt động hiệu quả sôi động của các rạp chiếu bóng ở Đà Lạt, Bảo Lộc. Lâm Đồng từng có thời kỳ có 4 rạp chiếu bóng (Rạp 3/4, Rạp chiếu bóng Giải phóng (135 Phan Đình Phùng), 2 rạp chiếu bóng mini (số 6 và số 57 Trương Công Định) vào những thập niên 80 - 90 của thế kỷ 20. Nhiều bộ phim hay được trình chiếu, các rạp chiếu hoạt động hết công suất, khán giả phải xếp hàng mua vé từ vài ngày trước.
Ở tên gọi Công ty Điện ảnh Lâm Đồng, điện ảnh Lâm Đồng đứng trước sự xuất hiện loại hình giải trí mới với video và các loại băng, đĩa, đầu thu HD, khán giả thuê về nhà xem, các rạp chiếu phim dần thưa vắng, lần lượt đóng cửa. Chỉ còn Rạp 3/4 tiếp tục đưa nhiều bộ phim hay của Việt Nam và những bộ phim bom tấn đoạt giải của thế giới đến với công chúng, nhưng hoạt động cầm chừng.
Với tên gọi mới Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lâm Đồng được bổ sung thêm những chức năng mới. Trong lúc các rạp phim ở thành phố dần hiu hắt ánh đèn thì 11 đội chiếu phim lưu động miền núi đã tỏa đi khắp các buôn, làng vùng sâu, vùng xa vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh đem ánh sáng văn hóa về với Nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Trong ký ức của các thế hệ những người làm ở Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lâm Đồng không thể quên những con đường lầy lội, những buôn, làng xa xôi, hẻo lánh giữa núi rừng Gia Bắc, Sơn Điền (Di Linh), Lộc Bắc, Lộc Nam (Bảo Lâm), Tiên Hoàng, Phước Cát (Cát Tiên), Liêng S’rônh, 3 xã Đầm Ròn (Đam Rông), Tà Năng (Đức Trọng)... Dầm mưa dãi nắng, nhiều chuyến đi, xe mắc cạn ở giữa đường, họ cùng nhau xuống đi bộ, mang vác máy móc, vật dụng với lỉnh kỉnh máy chiếu, máy nổ, âm ly, loa, phông màn... vượt hàng chục cây số trèo đèo, lội suối để đến đúng giờ chiếu phim như đã hẹn. Nhưng họ được nhận lại những nụ cười, niềm vui trong từng ánh mắt của đồng bào mỗi khi đội chiếu bóng lưu động đến. Từ trẻ em đến người già nô nức khi bãi đất trống ở đầu buôn được căng lên tấm vải trắng, ánh điện sáng một góc rừng hiu quạnh. Sự mong chờ của đồng bào các dân tộc đã xua tan đi mọi mệt mỏi mà những người làm công tác điện ảnh đã trải qua.
Cùng với nhiều phương tiện truyền thông, công nghệ giải trí bùng nổ trong thời đại số, từ năm 2017, Rạp 3/4 ngừng hoạt động hẳn do xuống cấp, do thiết bị chiếu bóng lạc hậu, lỗi thời không đáp ứng được với công nghệ hiện đại ngày nay. Không còn nguồn doanh thu, điện ảnh Lâm Đồng đi vào khó khăn mới. Nói về khó khăn và giải pháp tháo gỡ khó khăn, bà Vũ Thị Lệ Huyên - Giám đốc Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lâm Đồng chia sẻ: Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Trung tâm đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phổ biến phim. Không còn chiếu phim tại rạp, hoạt động chiếu phim lưu động được Trung tâm xác định là thế mạnh, phù hợp với đối tượng khán giả ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh. Trung tâm phát huy tốt vai trò là kênh thông tin, tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào bằng những thước phim tư liệu sống động để phục vụ các nhiệm vụ chính trị và nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân.
3 đội chiếu bóng lưu động miền núi của Trung tâm đã bám sát địa bàn, đưa nhiều bộ phim hay về các thôn, xóm, buôn, làng, phục vụ có hiệu quả các nguồn phim Việt Nam và các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật. Tất cả các xã trong tỉnh bình quân hàng năm được xem từ 2 - 3 buổi chiếu phim. Hàng năm, Trung tâm thực hiện gần 600 buổi chiếu tại hơn 350 điểm chiếu thuộc 111 xã trên địa bàn tỉnh, phục vụ hơn 100 ngàn lượt người xem. Bên cạnh tổ chức các đợt chiếu phim phục vụ Nhân dân kết hợp công tác tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và kỷ niệm các ngày lễ, Trung tâm còn tuyên truyền bằng trực quan sinh động như pano cổ động, dựng tài liệu tuyên truyền xe loa, dàn dựng tiểu phẩm tình huống tuyên truyền pháp luật...
Bên cạnh đó, tập thể những người làm công tác điện ảnh Lâm Đồng đã nỗ lực sáng tạo, tìm cách làm mới, hướng đi mới, đổi mới phương thức hoạt động. Hai năm qua, Trung tâm đã tổ chức 6 chương trình “Dạ hội điện ảnh” với nhiều chủ đề khác nhau tại các xã vùng sâu, vùng xa, các trường học với nhiều hoạt động văn hóa có ý nghĩa như: giao lưu, triển lãm hình ảnh, đố vui điện ảnh, tìm hiểu những bộ phim hay, trao học bổng cho học sinh, sinh viên, cựu chiến binh, đoàn viên, thanh niên khó khăn; đồng thời, đưa những bộ phim hay của nền điện ảnh nước nhà, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, mang tâm hồn Việt, cốt cách Việt đến với thế hệ trẻ.
Dù ở tên gọi nào, Quốc doanh Điện ảnh, Công ty Điện ảnh, hay Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lâm Đồng, điện ảnh Lâm Đồng cũng có nhiều đóng góp tích cực, góp phần xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa của tỉnh. Kế thừa và tiếp nối thành tích của các thế hệ đi trước, Trung tâm Phát hành phim và Chiếu bóng Lâm Đồng có những bước phát triển mới, trưởng thành về mọi mặt, đã đạt được nhiều thành tích như: Cờ dẫn đầu phong trào thi đua của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, bằng khen của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh dành cho tập thể đơn vị và nhiều bằng khen, giấy khen cho các cá nhân.
Những thành quả lao động của các thế hệ những người làm công tác điện ảnh Lâm Đồng đã góp phần vào sự phát triển của điện ảnh Việt Nam, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của các tầng lớp Nhân dân, quảng bá hình ảnh vùng đất, con người Lâm Đồng đến với công chúng yêu điện ảnh cùng bạn bè trong nước và quốc tế.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin