Thực hiện Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa cồng chiêng giai đoạn 2023 - 2026, tầm nhìn đến năm 2035” trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; trong 6 tháng, từ tháng 3 - 8/2023, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiến hành kiểm kê khoa học di sản văn hóa cồng chiêng huyện Đơn Dương.
Nội dung kiểm kê tập trung vào việc xác định tên gọi, loại hình, chủ thể, các địa điểm nơi di sản tồn tại; xác định đặc điểm của di sản văn hóa cồng chiêng (các yếu tố vật thể liên quan, nguồn gốc, nhận biết, các giá trị văn hóa liên quan như phong tục, tập quán, lễ nghi liên quan,...); quá trình tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể. Xác định hiện trạng không gian văn hóa, sức sống, đặc điểm và các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học (nhân học văn hóa, văn hóa học, dân tộc học âm nhạc) vai trò của cồng chiêng các dân tộc K’Ho, Churu đối với đời sống cộng đồng hiện nay. Lập hồ sơ di sản đối với từng bộ chiêng, bài bản gắn với trách nhiệm bảo vệ di sản của chủ thể và cộng đồng địa phương.
Bằng phương pháp khảo sát điền dã, phỏng vấn, ghi chép, ghi âm, chụp ảnh, quay phim để thu thập thông tin, dữ liệu; sau đó tiến hành phân tích, đối chiếu, so sánh, đánh giá, tổng hợp các tư liệu; cuộc kiểm kê nhằm nhận diện và xác định đầy đủ các giá trị văn hóa di sản văn hóa cồng chiêng của tộc người K’Ho, Churu hiện cư trú ở các xã thuộc huyện Đơn Dương.
Qua đó, lập hồ sơ khoa học di sản, tư liệu hóa, lưu trữ các giá trị văn hóa; hệ thống hóa các số liệu, tư liệu dân tộc học về đặc điểm của văn hóa cồng chiêng từng địa bàn (thôn, xã); định lượng và định tính nhằm làm rõ giá trị, mức độ tồn tại của di sản; lập thư mục tài liệu, các đĩa ghi âm, tư liệu ở dạng nghe nhìn. Tuyên truyền, nâng cao nhận thức của chủ thể văn hóa cồng chiêng, định hướng việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng trong tình hình hiện nay.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin