Bên cạnh Tổ quốc, người lính, người mẹ là hình tượng nổi bật trong thơ Phạm Quốc Ca. Trong đó, người mẹ thời chiến, người mẹ đời thường và người mẹ hóa thân thành quê hương, đất nước là những hình tượng cảm động, ám ảnh nhất.
Tập thơ "Cơn mưa mạ vàng" của nhà thơ Phạm Quốc Ca |
1. Chiến tranh để lại dấu ấn sâu đậm trong thơ Phạm Quốc Ca. Là nhà thơ cầm súng ra trận, viết trực tiếp trên chiến trường, Phạm Quốc Ca có những trải nghiệm quý giá để tiếp cận, nhìn nhận chiến tranh từ nhiều phía, trong đó có phía hướng về hậu phương, về những người mẹ thời chiến.
Tạm biệt mẹ để lên đường đánh giặc cứu nước, Phạm Quốc Ca thấu hiểu tấm lòng của người mẹ trong buổi chiến tranh ly loạn. Từ nơi bom đạn gian lao, hơn sáu năm chiến đấu nơi chiến trường miền Nam khốc liệt, bao nỗi nhớ thương, lo lắng dành cho mẹ, tác giả gửi trọn vào thơ. Nhà thơ chắt chiu cảm xúc, chọn lọc từ ngữ để xây dựng thành công nhiều hình tượng người mẹ trong chiến tranh.
Trong thơ ông, hình ảnh người mẹ tiễn con ra trận giữa những hoang tàn bởi bom đạn quân thù là một chi tiết đắt giá có sức tố cáo mạnh mẽ tội ác chiến tranh: “Tiễn tôi nơi mẹ đứng/ Những cột nhà cháy đen” (Từ cánh cổng - hố bom).
Khắc họa hình tượng người mẹ thời chiến, thơ Phạm Quốc Ca tập trung vào thể hiện nỗi lòng của những bà mẹ hậu phương. Đó là những nỗi bất an, lo sợ thường trực, giày vò. Lòng mẹ ướt lạnh theo mưa rừng sâu nơi con đánh giặc, lòng mẹ từng ngày như bị ném bom là những tứ thơ độc đáo, ám ảnh của Phạm Quốc Ca: “Những năm con đánh Mỹ rừng sâu/ Mẹ ướt lạnh bao mùa mưa ở đó/ Dõi mắt phương con/ Ì ầm tiếng nổ/ Lòng mẹ ngày nào cũng bị ném bom” (Bình minh con lại lên đường).
Vượt lên trên những nỗi buồn lo, tuyệt vọng, người mẹ thời chiến trong thơ Phạm Quốc Ca vẫn luôn giữ niềm lạc quan, tin tưởng về tương lai, với tấm lòng lặng thầm, son sắt: “Năm năm con ở chiến trường/ Năm năm lòng mẹ cháy vùng lửa bom/ Nhà hầm nuôi cháu thương con/ Mẹ ươm mầm giống giữ còn mùa sau/ Nuôi đêm một ngọn đèn dầu/ Hương thơm lòng mẹ nguyện cầu tổ tiên” (Đêm lời mẹ ru).
Và chính những người mẹ ấy đã hóa thành biểu tượng của bình yên giữa khốc liệt, đổ nát chiến tranh: “Sau đám cháy/ Lửa hoang màu tiền sử/ Mẹ cúi nhặt đau lòng mảnh vỡ bình yên” (Tự bạch). Viết về chiến tranh, thơ Phạm Quốc Ca không né tránh những đau thương, mất mát. Chính trong mất mát, đau thương ấy, tình yêu thương, niềm hi vọng cất lên mà hình tượng người mẹ trong thơ ông là một biểu tượng.
2. Chiến tranh đi qua, những người mẹ quê lại trở về với đời sống thường nhật với bao tảo tần, khó nhọc, hi sinh lặng thầm. Thơ Phạm Quốc Ca sau 1975 thể hiện thành công hình tượng những bà mẹ quê đời thường lam lũ mà nhân hậu, bao dung.
Nổi bật trong thơ ông là hình ảnh người mẹ quê lặn lội với ruộng cạn đồng sâu, giữa thiên tai khắc nghiệt: “Thương mùa lũ một vùng nước trắng/ Áo quần mẹ suốt ngày ướt sũng/ Đôi tay gầy dầm nước nhợt da” (Mẹ miền Trung); “Cánh đồng nước trắng/ Tha thẩn kiếm ăn cò giẫm bóng mình/ Gió lạnh thổi cùn áo tơi nón lá/ Mẹ cắm xuống bùn dảnh mạ mong manh...” (Nhớ mẹ).
Vất vả, khó nghèo nhưng những người mẹ ấy vẫn giữ trọn phẩm chất cao quý của người phụ nữ Việt là chịu thương, chịu khó, hết lòng vì gia đình, cháu con: “À ơi... xưa mẹ ru con/ Bây giờ dỗ giấc ngủ ngon cháu bà/ Cành xoan thiêm thiếp trăng tà/ Lặng im một giọt sao sa cuối trời” (Đêm ru lời mẹ). Và luôn tin yêu cuộc sống bằng một tâm hồn đơn sơ, hồn hậu: “Mẹ trao cái ngủ cho bà/ Mùa gieo hạt gọi mẹ ra cánh đồng”, “Mẹ nhờ làn gió hát thay/ Ríu ran tiếng sẻ vun đầy giấc mơ”, “Mẹ nhờ hơi ấm ngày xuân/ Thay cho lòng mẹ ủ nồng giấc hoa/ Mẹ nhờ bà hát câu ca/ Gió xuân ấm áp vào nhà ru con” (Lời ru mùa gieo hạt). “Mẹ cặm cụi đồng sâu, nước bạc/ Lời ru gửi bao nhiêu mong ước” (Những cánh rừng những bài ca). Đó là những hình tượng người mẹ đời thường thật đẹp, mang tính nhân văn mà Phạm Quốc Ca đã góp vào thơ Việt hiện đại.
3. Từ trong chiến tranh hay giữa đời thường, người mẹ lặng lẽ hóa thân thành quê hương, đất nước. Phạm Quốc Ca tạc vào thơ những tượng đài bất tử về mẹ Tổ quốc, quê hương.
Đây là tượng đài về người mẹ quê hương xứ Nghệ in bóng giữa lèn Hai Vai, bến sông Bùng trọn một đời hi sinh lặng lẽ: “Còn đây lèn Hai Vai/ Tạc giữa trời dáng mẹ/ Còn đây bến sông Bùng/ In đời người lặng lẽ” (Bên mồ mẹ).
Đây là mẹ quê hương miền Trung quanh năm nhọc nhằn, khắc nghiệt mà sâu nặng nghĩa tình: “Quanh năm tấm áo nâu sờn/ Rấm bếp trấu giữ gìn ngọn lửa/ Ai cho một miếng trầu cũng nhớ/ Mẹ là miền Trung khô cằn vất vả/ Ngọt lành câu hát ví thương nhau” (Bình minh con lại lên đường).
Trong thơ Phạm Quốc Ca, mẹ còn là biểu tượng của đất nước muôn đời. Đó là mẹ Tổ quốc nhân hậu, ngọt ngào trong cảm nhận của người lính nơi chiến trường tàn khốc: “Chiều mùa khô cháy khát cánh rừng/ Gặp suối đá trong chảy từ nguyên thủy/ Chợt nhận ra/ Tổ quốc như lòng mẹ/ Giữa ngực con ngụm nước dịu dàng” (Những cánh rừng những bài ca).
Đó là mẹ Việt Nam trong mối quan hệ máu thịt với ba ngàn con hải đảo trở thành biểu tượng bất diệt về chủ quyền biển đảo thiêng liêng trong Mẹ Việt Nam ba ngàn con hải đảo: “Mẹ Việt Nam ba ngàn con hải đảo/ Biển khi yên khi bão bời bời/ Từng chấm nhỏ hình hài Tổ quốc/ Ba ngàn con trấn giữ ngàn khơi/ Mẹ Việt Nam ba ngàn con hải đảo/ Đảo chìm, đảo nổi, đảo chon von…/ Đảo thương Tổ quốc - con thương mẹ/ Đất liền thương đảo - mẹ thương con”.
Thơ Phạm Quốc Ca bình dị mà ám ảnh, giàu cảm xúc nhưng đằm sâu suy tưởng. Có thể nhận ra đặc trưng phong cách này qua hình tượng người mẹ, nhất là mẹ quê hương, Tổ quốc trong thơ ông.
Bên cạnh là nhà nghiên cứu, giảng dạy, quản lý văn học - nghệ thuật có nhiều thành tựu, Phạm Quốc Ca được biết đến trước hết là một nhà thơ tài năng, với nhiều bài thơ, câu thơ, tứ thơ mới lạ, độc đáo, đẫm chất nhân văn về gia đình, quê hương, Tổ quốc, về mẹ. Ông có nhiều đóng góp đáng trân trọng vào nền thơ hiện đại Việt Nam.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin