Nhà văn Tiểu Quyên: ''Tôi đặt văn chương nơi sâu nhất trong trái tim''

KHÔI NGUYÊN THẢO 06:12, 02/03/2023

Cuối năm 2022, Tiểu Quyên ghi dấu ấn với giải thưởng sách Quốc gia lần thứ V dành cho tác phẩm Cà Nóng chu du Trường Sa và đầu năm 2023 chị bất ngờ ra bộ sách tranh về biển, đảo: Biển ấy là của mình và Phong ba nơi đầu sóng. Những tác phẩm này được chị ấp ủ, thực hiện sau chuyến hải trình ra Trường Sa, vùng đảo thiêng của Tổ quốc. Hiện, chị là nhà văn trẻ có sức viết đều đặn trong số những nhà văn 8X.

 

Chào nhà văn Tiểu Quyên, hẳn chị có nhiều điều chia sẻ về dự án sách Trường Sa! Biển ấy là của mình?

- Nhà văn Bùi Tiểu Quyên: Khi viết Cà Nóng chu du Trường Sa, tôi từng nghĩ rằng, giá mà có thể thực hiện song song một bộ sách tranh cho các bạn nhỏ tuổi hơn. Bởi vì đến thời điểm này, có rất ít những bộ sách tranh về biển, đảo dành cho các bé dưới 10 tuổi. Tôi mong mình có thể mang đến cho các bé một câu chuyện dễ thương, sinh động mà cũng có ý nghĩa, giàu cảm xúc về nơi đầu sóng. Và điều này cần có sự tham gia của họa sĩ cũng như đơn vị xuất bản có cùng tâm huyết như mình. Dự án Trường Sa! Biển ấy là của mình có lẽ là duyên may của tác giả và Lionbooks. Tôi nghĩ, những trải nghiệm ở nơi đầu sóng cũng như tình yêu dành cho biển, đảo của Tổ quốc mình đã được gửi gắm qua các tác phẩm này. Mong rằng có thể góp phần nhỏ bé nào đó trong việc xây đắp, nuôi dưỡng tình cảm thiêng liêng ấy trong tâm hồn của trẻ thơ.

Với một người có duyên với nhiều giải thưởng như Tiểu Quyên, giải thưởng văn chương có ý nghĩa như thế nào đối với chị?

- Giải thưởng luôn là niềm vui, hạnh phúc và vinh dự đối với tôi. Đó còn là nguồn năng lượng yêu thương mà tôi nhận được từ bè bạn văn chương, các cô, chú, đàn anh, đàn chị đi trước cũng như bạn đọc trong cả nước. Sáng tạo văn chương luôn là lao động cần mẫn, âm thầm của người cầm bút. Khi tác phẩm ra đời, được đón nhận và ghi nhận, được chia sẻ, khích lệ và yêu thương chính là động lực lớn lao. Nhiều người nói rằng, văn chương là con đường riêng và cô đơn của nhà văn. Nhưng tôi lại thấy, hành trình đó không đơn độc chút nào, có chăng những khoảng lặng mà mình cần có cho riêng mình để ấp ủ và sáng tác. 

 

Văn chương có ý nghĩa như thế nào với chị?

- Văn chương và tình yêu là hai phạm trù thuộc về “một góc thiêng liêng” mà tôi luôn nghĩ về bằng sự trân trọng. Và vì trân trọng nên vẫn luôn đặt ở một nơi sâu nhất trong trái tim. Nghề nghiệp là điều mà ta có thể lựa chọn khi trưởng thành, có thể làm một giai đoạn nếu thấy không thích thì chuyển việc khác, hoặc nơi khác. Nhưng sự nghiệp là con đường mà ta chọn đi trong suốt cuộc đời mình. Tôi nhớ thuở mình mới lên 10, khi đó còn ở đồng làng, chiều chiều hay ra ngồi bờ ruộng nhìn ngắm trời mây, cây cỏ và... làm thơ (cười). Thuở ấy, văn chương là điều gì đó đến rất tự nhiên trong tâm hồn của một đứa trẻ hay nghĩ lớn về cuộc đời. Nhưng lúc ấy tôi cũng đâu nghĩ gì về cái gọi là “đam mê” hay “sự nghiệp”. Cho đến giờ nhìn lại, tôi nghĩ, số phận sẽ luôn có lý do để chọn cho mỗi người những điều phù hợp với họ. Những lúc ngồi viết những điều mình tâm đắc và yêu thương, tôi thấy mình đúng thật là mình nhất.

Đã có lúc nào chị muốn bỏ nghề viết, khi nhiều người vẫn nhận thấy văn chương không phải vui chơi mà là “trời đày”? 

- Tôi chưa từng xem văn chương là để “vui chơi” hay là “trời đày”, mà đó như đã là một mạch nguồn cảm xúc chảy trong tâm hồn mình, cuộc đời mình. Và vì vậy cho nên đến giờ, vẫn chưa nghĩ là mình sẽ bỏ nghề viết. Thậm chí những khi trò chuyện với bạn bè, tính tuổi về hưu và bảo nhau xem lúc đó mình sẽ làm gì. Tôi đã nghĩ, đó chính là lúc có thể dành toàn thời gian cho sáng tác, càng già càng có thêm nhiều trải nghiệm, sự nhận diện và trầm tĩnh trong cuộc đời. Đó, thậm chí là tôi đã nghĩ trước cho việc về hưu của mình lại tiếp tục... viết sách (cười). 

Mỗi người được sinh ra trong cuộc đời đều có những số phận cho riêng. Nhưng văn nghệ sĩ, nếu cuộc đời họ có đau khổ, long đong, bất hạnh thì lại thường được người đời nhìn nhận là do “trời đày”. Nhưng tôi lại nghĩ khác, chính văn nghệ sĩ-những người sáng tạo lại là những người được “trời thương”. Bởi vì họ luôn có nhiều cảm xúc, luôn tìm thấy những điều tươi mới, tốt đẹp, tạo ra những giá trị tinh thần tích cực, có ý nghĩa. Việc một nhà văn hay một nghệ sĩ có cô đơn để sáng tạo thì đó vẫn là những khoảnh khắc cô đơn rất đẹp. 

Chị đã vượt qua những trở ngại trong "trường văn trận bút" nói riêng và cuộc sống nói chung như thế nào? 

- Ngày còn bé, tôi chỉ có một mong ước đơn thuần là lớn lên viết được một cuốn sách. Giờ nhìn lại thấy mình cũng đã viết nhiều hơn mong ước thuở nhỏ, đôi khi tôi mỉm cười: “Ừ vậy cũng được”. Khi còn tuổi trẻ, tôi luôn lập ra những mục tiêu, kế hoạch trong 10 năm thanh xuân, đó là phải làm, học được cái này, cái kia... Tôi muốn tận dụng hết năng lượng và cảm xúc thanh xuân, sức trẻ mà mình có cho cả công việc và sự nghiệp. Có những câu chuyện, những cuốn sách mà nếu năm tháng ấy không viết, bây giờ tôi cũng không viết nữa. Và cũng có những tác phẩm bây giờ tôi viết, thì những năm tháng ấy cũng không thể viết được. Văn chương là con đường mà chỉ có bản thân ta thử thách chính mình, không ai ép mình cả. Vậy nên, ta đi cùng ta, từ từ thôi, không có gì phải gấp.

Mọi việc trong cuộc đời luôn có những thời điểm phù hợp nhất, nhận diện được điều này sẽ cho ta một thái độ sống bình thản hơn, dù đang ở trong năm tháng nào của đời mình. 

Nhà văn, triết gia Ý Umberto Eco từng nói từ rất lâu: “Không có gì mới dưới ánh mặt trời". Chị nghĩ sao về lao động sáng tạo và hành trình tìm cái mới trong văn chương?

- Tôi hiểu câu nói của Umberto Eco theo nội hàm phổ quát về tồn tại của vũ trụ và nhân loại; về con người, tình yêu và thân phận; qua những thời đại, chiến tranh và hòa bình; về sự tuần hoàn của cuộc sống trên Trái Đất... Rằng “điều gì đã xảy ra sẽ lại xảy ra, điều gì đã làm sẽ được làm lại”. Nhưng sự tồn tại của mỗi chúng ta trong cuộc đời dẫu nhỏ bé vô cùng, thì mỗi một hơi thở, một nhịp đập của trái tim đều không giống nhau. Và cái mới bắt đầu từ chính cảm xúc, những rung động trong trái tim ấy của mỗi người. Văn chương không nằm ngoài những câu chuyện của tồn tại vũ trụ và nhân loại, nhưng văn chương soi rọi đến tận cùng những ngõ ngách, những góc khuất trong tâm hồn, những chiều kích của đời sống, những bi tráng của số phận mà bằng chữ nghĩa, nhà văn có thể tạo ra cho trang viết của họ thứ ánh sáng kỳ diệu và đẹp đẽ nhất. Dưới ánh mặt trời, ai cũng có thể nhìn thấy mọi điều thật sáng rõ nhưng nhà văn, là người có thể tìm thấy những câu chuyện khác, vẻ đẹp khác từ những tia nắng, hạt bụi, một bông cỏ trong rêu hay vết nứt ở chân tường...

Tác phẩm mới của chị đang ấp ủ là...?

- Tôi đang viết một bản thảo truyện dài thiếu nhi, cũng là một câu chuyện cho tôi có được cảm giác hào hứng và yêu thương như đã từng đối với Cà Nóng chu du Trường Sa. Tôi nghĩ, mảnh vườn văn học thiếu nhi mà một góc tâm hồn mình được xới lên, vẫn còn những hạt mầm ý tưởng chưa được gieo xuống...

Cảm ơn chị đã chia sẻ.