"Chung một con đường" giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật giúp du khách tìm hiểu thêm về giá trị, ý nghĩa lịch sử của di tích cách mạng nhà D67 gắn với thắng lợi của Chiến dịch mùa Xuân năm 1975.
Những bức ảnh và hiện vật được trưng bày tại "Chung một con đường" |
Kỷ niệm 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2023), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long-Hà Nội tổ chức trưng bày “Chung một con đường.”
Trưng bày giới thiệu gần 200 tài liệu, hiện vật tiêu biểu, làm nổi bật vai trò của Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà và Hầm D67 tại Hoàng thành Thăng Long) trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975; nhấn mạnh sự chỉ đạo linh hoạt, kịp thời của các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Quốc phòng từ Tổng Hành dinh đến khắp các mặt trận, vào những thời khắc quan trọng nhất của cách mạng miền Nam.
Những quyết sách đó đã tạo thế và lực quan trọng cho cách mạng miền Nam toàn thắng, non sông thu về một mối, Bắc-Nam sum họp một nhà.
Trên nền tảng ứng dụng mã QR Code, triển lãm giới thiệu thông tin về một số hiện vật tiêu biểu và tiểu sử 24 vị đại biểu, là những vị Ủy viên Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam (khóa III), các vị Thường trực Quân ủy Trung ương, các lãnh đạo, chỉ huy các chiến trường và Phó Tổng Tham mưu trưởng phụ trách tác chiến, tham dự Hội nghị Bộ Chính trị mở rộng (18/12/1974-8/01/1975) - Hội nghị đặt nền tảng quyết định cho công cuộc Giải phóng miền Nam năm 1975.
Đây là trưng bày bổ sung giúp khách tham quan tìm hiểu thêm về giá trị và ý nghĩa lịch sử của Di tích cách mạng Nhà và Hầm D67 gắn với thắng lợi của cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân 1975. Bên cạnh đó, thông qua việc quét mã QR Code cũng cung cấp những tiện ích giúp du khách có thể tiếp cận, tìm hiểu thông tin một cách thuận tiện, nhanh chóng.
Nhà và Hầm D67 là một di tích lịch sử cách mạng có ý nghĩa quan trọng đối với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây, từ năm 1968-1975 đã trở thành Tổng Hành dinh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, nơi tổ chức nhiều cuộc họp cơ mật của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, đưa ra nhiều quyết sách chiến lược đối với cách mạng miền Nam.
Đặc biệt, từ cuối năm 1974, nắm bắt xu hướng thay đổi của tình hình chiến trường miền Nam, Bộ Chính trị đã kịp thời đưa ra những chỉ đạo chiến lược, then chốt. Trong khoảng 75 ngày (8/1/1975-25/3/1975), Bộ Chính trị đã 3 lần thay đổi quyết sách chiến lược từ “Giải phóng miền Nam trong hai năm 1975-1976;” đến “Giải phóng miền Nam trong năm 1975;” và cuối cùng là “Giải phóng miền Nam trước mùa mưa năm 1975.”
Những chỉ đạo linh hoạt, sáng tạo, kịp thời đó đã huy động tổng lực sức người, sức của của toàn dân tộc, làm nên sự toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
(Theo Vietnam+)
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin