(LĐ online) - Sáng 7/5, Hội Nhà văn Việt Nam đã phối hợp cùng Nhà sáng tác Đà Lạt tổ chức khai mạc trại sáng tác văn học với sự tham dự của đại diện lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam, lãnh đạo Hội VHNT Lâm Đồng cùng 15 nhà văn, nhà thơ đến từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Phát biểu khai mạc, nhà văn Nguyễn Bình Phương - Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam định hướng: “Tác phẩm văn học đích thực có giá trị lay chuyển lòng người. Vì thế, văn chương không phải là trò đùa, không phải là thứ tầm phào cá nhân. Khi người sáng tác văn học sáng tác và công bố tác phẩm của mình có nghĩa là đã công khai bày tỏ tư tưởng, nhận thức, quan điểm và thái độ của mình đối với xã hội. Theo tôi nghĩ, người sáng tác văn học có quyền tụng ca cuộc sống hiện tại tương lai của mình, có quyền hân hoan với xã hội hiện tại của mình, nhưng cũng có quyền phẫn nộ trước những thói hư tật xấu trong xã hội. Tất cả dựa vào động cơ sáng tác, động cơ sáng tác đòi hỏi ý thức trách nhiệm; hay nói cách khác là lương tri, đạo đức của người sáng tác, chứ không phải chỉ là cách ứng xử của chúng ta với xung quanh, mà là ý thức trách nhiệm của chúng ta với từng con chữ, từng vấn đề mà chúng ta đưa ra công bố trước xã hội.
Chưa bao giờ mà văn học trên thế giới tồn tại những tác phẩm lớn, mà trong đó chứa đựng sự hư hỏng gây thù hận. Tác phẩm văn học lớn bao giờ cũng hàm chứa tinh thần xây dựng và chủ nghĩa nhân đạo. Khi động cơ sáng tác vì tinh thần xây dựng và chủ nghĩa nhân đạo thì dù tác phẩm chông gai đến thế nào, bóng tối bao trùm như thế nào thì độc giả vẫn đặt lòng tin vào tác phẩm. Bởi vì bằng trực giác của mình họ cũng cảm nhận được ánh sáng thiện tâm của các tác giả tỏa ra từng con chữ, từng hình ảnh trong tác phẩm ấy.
Văn học xét cho cùng là khiến con người cầm tay nhau thay vì giẫm đạp nhau, khiến ta chìa ra cho nhau những bông hoa thay vì rút dao đâm nhau. Nói cách khác văn học còn là bài học về sự vượt qua tất cả những định kiến, biên giới, bay trên cao, cũng là tiếng hót báo hiệu tự do đang có mặt. Đó là điều quan trọng nhất mà xã hội cần đến văn học, đặc biệt vào thời điểm hiện nay khi mà con người đang đối diện với sức ép rất lớn, tính thực dụng đang dâng cao, thì văn học giữ cho con người thiện lành hơn, trong trẻo hơn, lạc quan hơn. Đấy cũng chính là điểm xuất phát để văn học lấy lại vị thế, uy tín của mình trước sức ép của cạnh tranh rất lớn của tất cả các loại hình giải trí khác.
Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam mong muốn chúng ta có một nền văn học phong phú, cởi mở, nhưng phải có trách nhiệm với xã hội, tác động đến đời sống xã hội. Trại sáng tác là hoạt động để chúng ta hy vọng có được những điều mà tất cả các hội viên và những người yêu quý văn văn học mong muốn tạo ra những tác phẩm văn học có chất lượng và có giá trị đối với đời sống. Việc ấy phụ thuộc vào chính các nhà văn, nhà thơ - những người tâm huyết với văn học. Ban chấp hành Hội hy vọng với tài năng, tâm huyết, trách nhiệm của mình, các nhà văn nhà thơ tiếp tục có những tác phẩm đóng góp vào sự phong phú của văn học đương đại, thúc đẩy xã hội phát triển theo định hướng văn nghệ nhân ái và cởi mở hơn”.
Phát biểu chào mừng trại sáng tác, nhà thơ Thanh Dương Hồng - Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng đã bày tỏ niềm vui, lòng hiếu khách, giới thiệu những danh lam thắng cảnh của Đà Lạt có ý nghĩa lịch sử, văn hóa với các nhà văn, nhà thơ. Đồng thời mong muốn các nhà văn, nhà thơ sáng tác được nhiều tác phẩm chất lượng trong thời gian tham dự trại, biến những ý tưởng đang ấp ủ thành những bản thảo dày dặn; bên cạnh những tác phẩm có tầm vóc quốc gia, có nhiều tác phẩm hay, đẹp dành cho Đà Lạt - Lâm Đồng.
Tại lễ khai mạc, các nhà văn, nhà thơ đã cùng chia sẻ những ý định ấp ủ, định hướng sáng tác tại trại viết; đồng thời giới thiệu về mình qua nhiều tác phẩm văn chương là những thành tựu sáng tác đã định danh họ trong nền văn học nước nhà.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin