Về thăm đồi sim Phương Bối

Ghi chép:TRẦN ĐẠI - THÀNH THẠO 05:24, 11/05/2023

Ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), vào đầu những mùa hè, thỉnh thoảng tôi phát hiện một nhà sư trẻ ngồi vui vẻ bán cả rổ sim chín mọng bên cạnh cổng trường. Mỗi lần gặp được người mua, vị sư ân cần giải thích về công dụng của loại quả này đối với sức khỏe và giới thiệu chai nước vắt được ông ép từ sim dành cho các em trong mùa thi cử. 

Đá chuẩn bị làm vườn ca dao
Đá chuẩn bị làm vườn ca dao

Khách hàng của ông chủ yếu là học sinh, mỗi em mua một vài ngàn chia nhau ăn rất vui vẻ. Những trái sim chín ngọt lừ này đối với các em không những là quà tặng cho nhau mà còn nhớ đến hương vị của thiên nhiên. 

Để được làm quen với ông, tôi dừng xe mua một bát sim nhỏ trị giá tám ngàn đồng, rồi đưa tờ giấy bạc mười ngàn cho ông và nói nhỏ không phải trả lại, nhưng ông vẫn cương quyết móc tờ hai ngàn cũ vuốt phẳng phiu thối lại một cách lịch sự. Ông cho biết, ai cũng phải lao động để tồn tại, việc bán sim ngoài tích cóp những đồng tiền nho nhỏ để mua gạo muối hàng ngày, còn vấn đề chính là gợi lại hình ảnh tuổi thơ và động viên các em hãy giữ rừng để còn được cái ăn, để còn được trở về với mái nhà chung thiên nhiên cây lá. Biết đây là mẫu người sống có trách nhiệm, tôi ngồi xuống cạnh ông vừa mời khách mua sim vừa gợi chuyện với vị tu sĩ kỳ lạ này.

Ông tên là Nguyễn Đức Vân, pháp danh Đại đức Thích Giới Lực, là tu sĩ có cốc riêng tại rừng Phương Bối thuộc xã Lộc Châu. Ông Đại đức gần 50 tuổi gầy gò, da ngăm đen cao ráo, râu tóc cạo nhẵn, đôi mắt đầy hồn và tiếng cười hào phóng. Biết tôi thích tìm hiểu về rừng, ông nhiệt tình mời tôi về cốc, ăn cơm chay, ngủ lại một đêm với rừng sim một cách thực lòng.

Ngày ấy đường vào cốc Phương Bối phải qua mấy con dốc ngoằn ngoèo đầy đá nhọn hoắt, vượt qua từng xóm nhà, từng vườn cà phê cuối cùng đến ngọn đồi cao heo hút, vắng bóng người nhưng thừa gió lộng. 

Đại đức Thích Giới Lực (bìa phải) tại cốc Phương Bối
Đại đức Thích Giới Lực (bìa phải) tại cốc Phương Bối

THỜI THƠ ẤU NHỌC NHẰN

Nhà sư Thích Giới Lực sinh năm 1973 tại Sài Gòn, là con thứ ba trong tám người con của nhà văn Nguyễn Đức Sơn (Sơn Núi) mẫu người cực đoan, lập dị. Sau năm 1975, không biết vì lý do gì, ông nhà văn này dẫn vợ con lên rừng Phương Bối dựng lều tranh tre sinh sống. Ngày ấy, Phương Bối còn là rừng nguyên sinh, từ Quốc lộ 20 rẽ vào 3 km, quanh năm vắng bóng người. Công việc đầu tiên sau khi hạ trại là phát rừng, vỡ đất trồng khoai. Vào thời điểm ấy, cả nhà chỉ biết khoai lang là thức ăn chính, hàng ngày mỗi người mỗi củ khoai ngồi trên gốc cây, bờ đá vừa thổi vừa ăn. Đến một năm sau mới được ăn cơm với khẩu phần một chén rưỡi đầu người, trong những lúc đói quay quắt ấy, hạt cơm vừa dẻo vừa thơm ngọt lịm. 

Nhưng cái thèm khát lớn hơn của cậu bé Nguyễn Đức Vân là con chữ, mỗi lần thồ dây lang qua cổng trường nghe tiếng đánh vần của học sinh cấp một, nước mắt trào ra. Ước gì được đi học! Cũng may trong nhà có người anh lớn biết đọc, nên đêm đêm Vân nhường nửa chén cơm cho anh ăn để nhờ dạy chữ. Tội nghiệp mẹ ông, mỗi lần nhìn anh em dạy nhau đánh vần bên ngọn đèn dầu tù mù đầy khói, bà ôm mặt khóc, còn bố với đôi mắt chòng chọc há hốc nhìn con trong câm lặng. Vì chuyện học hành con cái cộng với đời sống quá khắc khổ, nên bố mẹ thường cãi nhau, không khí gia đình luôn luôn trong bão tố. Những lúc ấy, ông chỉ muốn bố mẹ chia tay nhau để bà có thể từ bỏ núi rừng dẫn các con ra quốc lộ sống chung với mọi người để kiếm cái chữ. 

Có lẽ kỷ niệm thời xa vắng mà ông không quên được ngoài cái đói quay quắt lúc đêm về, còn mỗi anh em được trang bị thùng thiếc như vũ khí tùy thân, đêm đêm chạy vòng nương rẫy gõ và hò hét hàng trăm lần theo kịch bản bố soạn sẵn: “Heo, thỏ mày ăn cỏ chứ đừng ăn khoai”. Hoặc những lúc phát hiện người lạ vào nhà, trong gia đình ai nhìn thấy trước phải vỗ thùng báo động, chỉ cần tín hiệu phát đi ban đầu cả khu rừng vắng đồng thanh vọng lên những âm vang kỳ lạ. Ông nhớ những lúc ấy, có đứa ngồi dưới đất, có đứa trèo lên cây vừa rung vừa hét. Cho mãi đến bây giờ, ông cũng không biết tại sao bố bắt làm thế! Ban ngày vào rừng hái măng, hái sim, hái đót để xuống Tân Bùi đổi gạo, muối, ban đêm sống trong cảnh không dầu đèn. Tuy vậy, những anh em của ông lớn lên như củ khoai lang teo tóp nằm lăn lóc ở vệ đường. Vào năm 17 tuổi, ông được bố gửi vào chùa Phước Huệ để đi tu và bắt đầu học lớp 1. 

VỀ LẠI VỚI RỪNG

Học hết cấp 3 bổ túc và 4 năm Phật học ở Đà Lạt, ông được gửi về chùa ở Sài Gòn tiếp tục học thêm. Tuy nhiên, có lần chứng kiến tại Bệnh viện Ung bướu, hàng trăm con người nằm, ngồi xếp hàng thẩn thờ chờ khám những căn bệnh quái ác đã làm ông suy ngẫm kiếp người giữa đạo và đời theo quan điểm nhà Phật. Lúc ấy, ông cho rằng những căn bệnh trên đều phát sinh từ nguồn thức ăn bởi con người chỉ vì lợi nhuận, họ đã sử dụng hóa chất phun vào rau xanh, cây lương thực thậm chí dùng thuốc tăng trọng không được kiểm chứng trộn vào thức ăn gia súc rút ngắn chu kỳ nuôi dưỡng nên đã gây tác hại đến sức khỏe con người. Biết khả năng mình không đủ tâm và tầm để thuyết phục mọi người sống có trách nhiệm với đồng loại, ông quyết định về rừng làm một điều gì đó vừa thích hợp với mình vừa có thể thông qua hình ảnh sống, gián tiếp kêu gọi con người hãy thương yêu nhau thay vì đi làm từ thiện hoặc thuyết giảng Phật pháp.

Về lại rừng Phương Bối, bước đầu tiên ông vỡ đất trồng khoai, và ăn khoai như thời xa vắng. Sau đó, ông đi xin, mua chịu những đồi hoang khô cằn, bạc màu ở giữa rừng và trồng sim để vừa giải quyết được cuộc sống tạm thời, vừa xây dựng điểm đến cho thế hệ trẻ. Hàng ngày, ông vào rừng tìm sim đào gốc, hì hục chuyển về nơi tập kết, đã có lúc bị té gẫy chân phải bó bột mấy tháng liền. Những người làm vườn thấy ông đói nằm lê lết trong lều nên mang cho gạo, khoai hoặc vài chục ngàn để tồn tại qua ngày. Thời gian bao giờ cũng vô tâm lặng lẽ trôi đi không để lại dấu vết, nhưng khu đồi hoang năm nào trơ trọi, khô cằn đã được ông để lại 5.000 gốc sim và 2.000 cây thông xinh tươi phủ kín. Đồi sim nay đã đâm chồi nảy lộc tạo thành một rừng hoa tím. Đến nay, nhìn màu xanh yêu thương ấy khó có thể tưởng tượng đến vị nhà sư ốm yếu, một mình lặng lẽ đào bới, khuân vác, kéo lê từng gốc sim trong những cơn đói khát giữa rừng núi đại ngàn. 

Nhấp một ly trà xanh nguyên chất giữa đêm khuya tĩnh lặng, ông chậm rãi nói chuyện đạo pháp với tôi đầy tính minh triết về rừng: “Tôn giáo lớn nhất của con người là tính nhân bản hòa quyện với vũ trụ, khi con người không có tình yêu thiên nhiên sẽ không thể yêu thương đồng loại. Đời người rồi cũng trở về cát bụi, cũng nên để lại một điều gì có ích cho thế hệ mai sau. Tôi nhớ có người đã nói “Con người trước khi nhắm mắt nên để lại 3 điều cho hậu thế: Nuôi dạy được một đứa con sống tử tế, viết được 1 quyển sách và trồng được một cây xanh bóng mát”. Cha tôi có thể là một người lập dị, sống bất chấp dư luận, nhưng ông luôn dạy các con phải cố giữ rừng, phải biết yêu thiên nhiên. Hơn 30 năm qua, ông cùng chúng tôi trồng được gần 20 mẫu thông phủ kín một góc rừng Phương Bối. Từ khu rừng thông này, hàng ngày không biết bao nhiêu lượt người vào ngồi tựa gốc cây nghỉ mát, có lẽ một vài người trong số đó ngày trước cho rằng chúng tôi “làm việc bao đồng”. Nhưng cha mẹ tôi, một gia đình nghèo khó vật vả nuôi 8 đứa con, nên chỉ để lại cho chúng tôi tình yêu thiên nhiên, để lại cho đời hàng ngàn cây thông bóng mát tại rừng Phương Bối. Hai mẫu sim và thông của tôi trồng là sự nối tiếp con đường của cha con tôi trồng ngày trước. Hàng năm vào mùa sim chín, không ít người và chim chóc ghé thăm, đặc biệt là học sinh các em tung tăng giữa đồi sim lộng gió được làm bạn với rừng, với chim từ cu gáy, họa mi đến chim khách đuôi dài... Trong kế hoạch tiếp theo, tôi sẽ cố gắng hình thành một vườn ca dao để lại cho đời”.

Tuần rồi, trở lại thăm rừng sim Phương Bối trong sự ngỡ ngàng. Trên diện tích 2 ha đất đồi cằn cỗi năm xưa của ông giờ là rừng sim và thông phủ xanh đồi trọc. Tại đây ông đã chở về 2 - 3 xác nhà cũ để sau này làm thư viện, kéo về hàng ngàn tảng đá lớn nhỏ để chuẩn bị làm vườn ca dao dưới tán. Những tảng đá này sẽ được khắc lên những câu ca dao hoặc phương ngôn nói về gia đình, quê hương và thiên nhiên mang thông điệp người xưa nhắc nhở hâm nóng con người. Và cũng tại đây, vài năm tới sẽ trở thành nơi đến để con người nhìn rừng xanh nhân tạo, nghe được lời thì thầm từ đất đá, và sẽ được đọc sách trong thư viện tất cả đều miễn phí.