Bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống

QUỲNH UYỂN 23:43, 11/06/2023

Miền đất hội tụ 47 dân tộc anh em từ mọi miền đất nước về cư trú đã tạo nên một Lâm Đồng với nhiều yếu tố văn hóa đặc sắc, lễ hội phong phú, đa dạng, độc đáo. 

Festival Hoa Đà Lạt là lễ hội để lại nhiều dấu ấn

Theo đó, đời sống vật chất, tinh thần không ngừng được nâng cao, các lễ hội truyền thống đang dần được khôi phục, hồi sinh trong mỗi cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, nhiều lễ hội gắn liền với phát triển du lịch, tôn vinh, quảng bá đặc trưng, thế mạnh của các ngành nghề, các di sản văn hóa, danh lam, thắng cảnh được tổ chức đã khẳng định giá trị văn hóa, sức sống và tầm quan trọng của lễ hội trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.

Thực hiện Nghị định 110 của Chính phủ về quản lý và tổ chức lễ hội, 5 năm qua, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo; các ngành, các cấp đã phối hợp với ngành Văn hóa tỉnh tổ chức nhiều lễ hội trang trọng, đúng nghi lễ truyền thống; thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Những yếu tố lạc hậu, những tập tục không còn phù hợp trong đời sống cộng đồng và xu thế phát triển đã được loại bỏ hoặc thay thế như nghi thức “đâm trâu” trong các lễ hội truyền thống của người Mạ, người K’Ho được loại bỏ. Nhiều lễ hội truyền thống được phục dựng đã phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, qua đó lồng ghép đưa các yếu tố văn hóa tiến bộ, phù hợp với nhu cầu hưởng thụ văn hóa và tâm linh của đồng bào các dân tộc. Đến nay, đã phục dựng được nhiều nghi lễ, lễ hội như: Lễ Pơthi - bỏ mả của người Churu và nhóm K’Ho ở K’Long, Đức Trọng; lễ Nhô Wèr của cộng đồng K’Ho Srê, Di Linh; lễ Bok Chu-bur của cộng đồng Churu ở Đức Trọng; các nghi thức cúng lúa rẫy của người Mạ ở Lộc Bắc, Bảo Lâm; Lễ đưa lúa về kho của dân tộc K’Ho ở Lâm Hà; Lễ sạ lúa, Lễ bắt chồng của dân tộc Churu, Đơn Dương; Lễ Tơm Bau (lễ cưới) của người K’Ho tại thôn Đưng K’si, xã Đạ Chais, Lạc Dương; lễ cưới của người K’Ho tại thôn Măng Line, Phường 7, Đà Lạt. Việc phục dựng các lễ hội được thực hiện theo nguyên tắc bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của từng cộng đồng dân cư theo hướng lành mạnh, tiến bộ và tiết kiệm.

Hội đua thuyền truyền thống của cư dân lúa nước ở Đạ Tẻh dịp đầu xuân
Hội đua thuyền truyền thống của cư dân lúa nước ở Đạ Tẻh dịp đầu xuân

Các lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc phía Bắc cũng thường xuyên được tổ chức như Lễ hội Lồng tồng của đồng bào dân tộc Tày, Nùng (Đạ Tẻh, Cát Tiên); Lễ hội Xên Mường của đồng bào dân tộc Thái (Đức Trọng), Lễ hội Rằm tháng Giêng (thác Poungour, huyện Đức Trọng)... 

Đặc biệt là Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương tổ chức định kỳ vào ngày 10/3 âm lịch hàng năm tại Đền thờ Âu Lạc thuộc Khu du lịch thác Prenn được tổ chức trang nghiêm tưởng nhớ các Vua Hùng đã thể hiện đạo lý truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, tạo sự gắn kết cộng đồng các dân tộc trong tỉnh. 

Ngoài ra, nhiều lễ hội văn hóa gắn với hoạt động quảng bá đặc trưng, thế mạnh ngành nghề địa phương (nghề trồng hoa, rau, trà, cà phê, tơ lụa...) đã được tổ chức phục vụ đời sống văn hóa tinh thần của Nhân dân và thu hút khách du lịch. Tiêu biểu nhất là Festival Hoa Đà Lạt được tổ chức định kỳ 2 năm 1 lần đã quảng bá và tôn vinh các ngành nghề đặc trưng, thế mạnh của tỉnh, thương hiệu nông sản của địa phương như hoa, rau, trà, cà phê, tơ lụa...; quảng bá thương hiệu du lịch Đà Lạt - Lâm Đồng và phát huy giá trị các di sản văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh. Qua 9 lần tổ chức, Festival Hoa Đà Lạt đã để lại ấn tượng tốt đẹp. Hàng năm, ngành Văn hóa tỉnh còn tổ chức luân phiên ở các huyện, thành phố Ngày hội Văn hóa - Thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Lễ hội Văn hóa cồng chiêng nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, khẳng định giá trị di sản Không gian văn hóa cồng chiêng trong đời sống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên.

Đa số các hoạt động lễ hội trên địa bàn tỉnh do chính quyền địa phương các cấp đứng ra tổ chức trên tinh thần an toàn, văn minh, phát huy được trách nhiệm của các cấp, các ngành, đoàn thể và Nhân dân. Phần lễ được tổ chức trang trọng, linh thiêng và thành kính; phần hội chú trọng bảo tồn có chọn lọc những phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc; lễ hội mang tính cộng đồng; cảnh quan đô thị, cơ sở hạ tầng, cây xanh đường phố, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự luôn được đảm bảo; không xảy ra những biến tướng, lệch lạc trong các lễ hội. 

Mặc dù vậy, các lễ hội của đồng bào dân tộc thiểu số bản địa chưa thật sự phong phú, hấp dẫn để thu hút các cộng đồng dân cư tham gia. Đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn nên chưa thực sự quan tâm đến việc tổ chức lễ hội. Các lễ hội được phục dựng và tổ chức vào các dịp lễ kỷ niệm, các sự kiện văn hóa, xã hội phục vụ cho phát triển du lịch... nên các hoạt động lễ hội thường bị sân khấu hóa, người dân đến lễ hội để xem chứ chưa thật sự hòa mình vào các hoạt động lễ hội, chưa phát huy được vai trò là chủ nhân của lễ hội. 
Để tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về lễ hội, phát huy hiệu quả Nghị định số 110 của Chính phủ, thời gian tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Lâm Đồng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các giá trị cốt lõi của từng lễ hội, nâng cao ý thức của người dân về thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội. Đưa Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đi vào chiều sâu, chất lượng; phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa, phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc, kiên quyết loại bỏ các hủ tục. Tiếp tục thực hiện việc kiểm kê, phân loại, nhận diện giá trị lễ hội để nghiên cứu lập hồ sơ khoa học các di sản văn hóa lễ hội nhằm khôi phục các giá trị văn hóa tinh thần tốt đẹp, phát huy giá trị văn hóa của lễ hội. Mở rộng chính sách, chế độ đãi ngộ với những người có công truyền dạy và phổ biến di sản văn hóa phi vật thể; tạo môi trường và động lực để các nghệ nhân dân gian tiếp tục truyền bá những giá trị văn hóa phi vật thể tới cộng đồng và xã hội.