Trong kho tàng văn hóa Việt Nam, trò chơi dân gian có một vị trí khá quan trọng tạo nên diện mạo văn hóa truyền thống dân tộc. Lâm Đồng là miền đất hội tụ nhiều dân tộc anh em, nhiều vùng, miền văn hóa, những năm qua, cùng với việc bảo tồn các lễ hội truyền thống, các trò chơi dân gian cũng được duy trì, khôi phục làm nên phần hội sôi nổi, hào hứng, nhiều màu sắc.
Trò chơi dân gian có sức hấp dẫn, tạo sự hứng khởi trong các lễ hội truyền thống |
Trong các ngày hội văn hóa - thể thao vùng đồng bào dân tộc thiểu số được ngành Văn hóa tỉnh tổ chức hàng năm, các trò chơi dân gian như thi giã gạo, nhảy bao bố, đẩy gậy, kéo co cũng là một phần của ngày hội. Phần thi giã gạo đã phô diễn vẻ đẹp khỏe khoắn trong lao động, sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữ các dân tộc Mạ, K’Ho, Churu; thi gợi nhớ lại cuộc sống sinh hoạt xưa kia ở các buôn làng, khi mà máy chà, máy xát gạo chưa có, ngời phụ nữ đã vất vả giã, sàng, sảy để tạo nên bữa cơm dẻo, canh ngọt cho gia đình. Phần thi kéo co mang tính cố kết cộng đồng cao, là cuộc đấu trí, thi đua sức nhanh, sức mạnh, sức bền, sức chịu đựng, độ dẻo dai, thể hiện tinh thần thượng võ của dân tộc tạo nên sức hút với cả người chơi và người cổ vũ.
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương với phần hội là các trò chơi tái hiện không gian làng, xã từ thời đại Vua Hùng như thi thổi cơm, cờ người, leo cột mỡ, bắt vịt, múa sạp… diễn ra sôi nổi giữa học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn Đà Lạt. Sự hào hứng liên tục gay cấn, sôi động của cộng đồng cổ vũ, sự hào sảng của người chơi, người thi đấu qua từng phần tranh tài thể hiện tinh thần cộng đồng, biết nhường nhịn, “biết mình, biết người”, tăng tinh thần tập thể, sự gắn kết, mối cộng cảm, đoàn kết bền chặt trong tâm thức chung một cội nguồn của những người trẻ tuổi.
Tại xã An Nhơn (Đạ Tẻh), Lộc Ngãi (Bảo Lâm), Phước Cát (Cát Tiên) hàng năm vào dịp đầu xuân, người Tày lại nô nức trẩy hội lồng tồng. Phần hội diễn ra trong không khí tưng bừng, mọi người cùng hòa mình vào các trò chơi dân gian như: ném còn, lày cỏ, bắt vịt, đập heo đất. Cuộc tung còn diễn ra trong tiếng hò reo phấn khích khi ai đó vừa ném trượt, ném gần trúng vòng tròn trên cột cao vút. Ai ném quả còn xuyên qua vòng tròn sẽ được may mắn thịnh vượng cả năm. Trò chơi lày cỏ là cuộc thi nhanh trí nhanh tay, kết hợp giữa miệng nói, tay xòe và suy nghĩ; hai người chơi phải đồng thanh hô to một con số. Phần thi diễn ra vui tươi, hấp dẫn, nhiều cuộc tranh đua giằng co từng điểm số càng cho thấy sức hấp dẫn của một trò chơi dân gian. Trò chơi bịt mắt đập heo đất để nhận về phần thưởng là số tiền ngẫu nhiên có trong heo đất đập được đã phô diễn sự hồn nhiên, quờ quạng của người chơi khi con mắt đã bị bịt kín, tạo nên những trận cười vỡ bụng. Trò chơi bắt vịt với hàng chục con vịt được thả trên hồ là cuộc tranh đua sức nhanh, sức mạnh, khả năng phán đoán giữa người với người và cuộc thi bơi giữa người với vịt, phần thưởng là những con vịt người chơi bắt được đã tạo nên không khí vui nhộn.
Trong Liên hoan Gia đình văn hóa tiêu biểu các dân tộc của tỉnh, những trò chơi, môn thể thao dân gian cũng được đưa vào xen kẽ với những làn điệu hát ru, những món ăn ngon trong cuộc thi Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương, tạo nên cuộc đua tài giữa các gia đình, các thế hệ. Cả gia đình ai cũng gắng sức trong môn kéo co, phụ nữ cùng nhau thi nhảy bao bố, nam giới thì đẩy gậy, vật tay. Các trò chơi dân gian giúp người trẻ nâng cao nhận thức, trí tuệ phát triển, giáo dục tính đua tranh trong sáng, giáo dục người lớn lòng trung thực, vị tha, rèn luyện sự mạnh khỏe, hoạt bát, khéo tay, nhanh mắt, dai sức, nhanh nhẹn, khéo léo.
Hội bơi thuyền truyền thống huyện Đạ Tẻh tổ chức trên hồ Đạ Hàm - di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh vào đầu xuân hàng năm thu hút hàng ngàn người trẩy hội. Đây là dịp để mỗi người dân giao lưu, đoàn kết, học hỏi kinh nghiệm và thể hiện tài nghệ của cư dân nông nghiệp lúa nước, thi đua lao động sản xuất tạo nên thương hiệu Nếp quýt nổi tiếng. Không chỉ là cuộc tranh tài của hàng trăm tay chèo mà còn là ngày hội của cộng đồng đứng trên bờ dõi theo, hò reo cổ vũ, trong tiếng trống thúc giục khuấy động cả một vùng trời vùng nước.
Những năm gần đây, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ làm thay đổi không gian sống và môi trường sinh hoạt vui chơi giải trí, cùng với công nghệ thông tin phát triển, thế hệ trẻ tìm đến với trò chơi điện tử trên điện thoại, máy tính, các trò chơi dân gian đứng trước nguy cơ bị mai một. Ông Hoàng Mạnh Tiến - Giám đốc Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lâm Đồng, người nỗ lực đưa các trò chơi, môn thể thao dân gian vào các lễ hội truyền thống bày tỏ: Trò chơi dân gian giáo dục toàn diện trí, đức, thể, mỹ cho mọi người. Việc đưa vào lễ hội cộng đồng không chỉ làm phong phú hoạt động mà hơn nữa để khôi phục lại những hoạt động văn hóa truyền thống để quần chúng Nhân dân hiểu về ý nghĩa của việc giữ gìn, bảo lưu những trò chơi dân gian.
Để trò chơi dân gian không bị mai một theo thời gian, công tác tập huấn hướng dẫn các cán bộ văn hóa xã, phường biết cách thức tổ chức chơi những trò chơi dân gian cũng hết sức quan trọng. Từ đó, những người làm công tác văn hóa có đủ kỹ năng làm “chủ trò”, xây dựng kế hoạch, cách thức tổ chức, thể lệ trò chơi, thi đấu, tạo không khí thi đua sôi nổi, có tính cạnh tranh, nâng cao lòng tự hào của dân tộc, để các trò chơi dân gian lưu giữ đầy đủ giá trị văn hóa tinh thần truyền thống trong các lễ hội. Qua đó làm sống dậy các trò chơi dân gian, đưa trò chơi dân gian thành các môn thể thao phổ biến trong đời sống cộng đồng, giúp rèn luyện cả thể chất lẫn tinh thần cho các thế hệ tiếp nối.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin